Tác giả Huy Phượng có loạt bài viết luận bàn về vấn đề này hy vọng gợi mở cho những ai quan tâm, dù làm việc ở môi trường nào cũng cần quản trị tốt sự thay đổi để cùng đất nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ở giai đoạn đầu những năm 1990 của thế kỷ trước chắc chắn còn nhớ như in đất nước ta lúc đó đã từng có một “cuộc cách mạng tinh giản”. Đó là, tháng 10/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Võ Văn Kiệt đã ký, ban hành Quyết định số 176-QĐ/HĐBT ngày 09 tháng 10 năm 1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng “về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh”. Có thể coi đây như là “cuộc cách mạng” tinh giản lần thứ nhất. “Cuộc cách mạng” thời điểm này đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội cũng như của nhiều người và đã có những bứt phá cả về chính sách lẫn tư duy, nếp nghĩ, cách làm để quản trị tốt sự thay đổi.
Tất cả các cuộc cách mạng diễn ra đều nhằm mục đích giành thắng lợi, cải tổ, đổi mới để phát triển. Và tất yếu, cuộc cách mạng nào cũng đều có thiệt hại, sự hy sinh và nước mắt… Nếu lo thiệt hại, hy sinh thì không bao giờ có cách mạng và chắc chắn không thể có thắng lợi, đổi mới và phát triển.
“Cuộc cách mạng” tinh giản biên chế năm 1989, dù không tiêu tốn xương máu, nhưng nhiều người chịu sự tác động đã phải “hy sinh” lợi ích cá nhân để một chủ trương chung của đất nước được triển khai thành công. “Cuộc cách mạng” mang “số hiệu” 176 này là một đột phá lớn của Đảng ta trong giai đoạn 5 năm đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới đất nước. Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, xóa dần cơ chế bao cấp, hành chính trong các công sở, đặc biệt là đối với người lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. Đây cũng là cơ sở thực tiễn, căn cứ để Đảng và Nước ban hành kịp thời các chủ trương, chính sách lãnh đạo, quản lý đất nước phù hợp với bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, đây cũng là động lực để mỗi người dân đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải thiện đời sống, đóng góp cho xã hội.
Trong “cuộc cách mạng” tinh gọn 176 này, đối tượng bị tác động chính yếu là công nhân ở các đơn vị kinh tế quốc doanh, trong đó có cả cán bộ quản lý, cựu sĩ quan quân nhân (chưa có bằng cấp chuyên môn), những người có bằng cấp được đào tạo ở nước ngoài nhưng chưa tương thích với chuyên môn vị trí việc làm ở các cơ quan trong nước... Dân gian lúc này có câu vè “Đầu đường đại tá vá xe/Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen”, nghe khá chạnh lòng. Một số người không vững niềm tin, chán nản, bất mãn. Thế lực thù địch và các quan điểm sai trái có cơ hội để tuyên truyền xấu, bôi nhọ chế độ, đường lối đổi mới của đất nước.
Những người thuộc diện giảm biên chế theo chế độ 176 trở về với gia đình, quê hương, rời xa cảnh “ăn cơm tập thể, nằm bàn cơ quan”, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”... Câu cửa miệng mà những người thuộc diện tinh giản biên chế lúc đó hay hỏi nhau, đó là “…về một cục hay hưu non?”, “…đi đâu, về đâu, làm gì để sinh nhai…”.
“Nhất sĩ nhì nông/Hết gạo chạy rông/Nhất nông nhì sĩ”. Cha ông ta xưa cũng đã từng trải nghiệm về sự thay đổi nghề nghiệp giữa “nông” và “sĩ”, nên mới tổng kết thành ca dao, thành ngữ sâu sắc như vậy. Thời điểm thực hiện Quyết định 176, nhiều cán bộ, công nhân viên lúc đó xuất thân từ gia đình nông dân, thuộc diện tinh giản, trở về với làng quê, đồng ruộng. Khi “thoát ly” đi công tác, họ thường “bị” người ở quê dè bỉu quên việc mất việc đồng áng. Khi trở về với ruộng đồng, họ cũng khá vất vả để giải tỏa tư tưởng, hòa hợp, dần quen với công việc cấy hái theo truyền thống của một gia đình nông dân. Cơ chế khoán mới trong nông nghiệp thời điểm này (ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp - còn gọi là Khoán 10) đã “cởi trói”, giúp cho người nông dân nói chung, trong đó có những cán bộ thuộc tinh giản biên chế trở về với ruộng đồng được thỏa sức “suy nghĩ trên luống cày” của mình. Nhiều người nhờ cần cù lao động, sáng tạo đã trở thành chủ trang trại, doanh nhân, làm giàu từ nghề nông.
Ông Lê Ngọc Báu (Quốc Oai, Hà Nội) kể lại: “Hồi đó, tôi phấn đấu để “thoát ly” nhà nông, đi công tác nhà nước, làm việc cho một xí nghiệp quốc doanh. Tôi thuộc diện nghỉ theo chế độ 176, vì không có bằng cấp. Là công chức bàn giấy, hưởng lương ba cọc ba đồng thành quen. Khi về nhà làm nông nghiệp, bà con trong làng nhỏ to chê cười. Ban đầu tôi cũng buồn, tự ti, nhưng “đói thì đầu gối phải bò”. Tôi phải mất một thời gian dài mới quen lại việc đồng áng. Nhà tôi có cái ăn, bát để như hôm nay lại chính từ nghề nông và nhờ có Khoán 10. Tôi thấy mình may mắn hơn những người phải nghỉ việc, về nhà mà không có đồng ruộng để sinh nhai!”.
Khác với những cán bộ thuộc diện tinh giản có “hậu phương” làm nông nghiệp, những người không có gốc nông dân thì gặp muôn vàn khó khăn. Các gia đình công chức, đông con, vốn sinh hoạt đều trông cậy vào cuốn sổ gạo, mảnh tem phiếu, đồng lương ít ỏi, nay mất việc làm, thì đây là một biến cố lớn đối với họ và gia đình. Nhiều gia đình ở dưới xuôi đã rời quê, lên xứ đồng rừng khai sơn, lập nghiệp, kiếm kế sinh nhai. Cũng may, hồi đó đất đai hoang hóa còn nhiều. Người bản địa có thể cho người dưới xuôi lên cả ngọn đồi để khai phá, tăng gia sản xuất. Người thuộc diện tinh giản, nếu ở lại quê, phố, thì đổ đi chạy chợ, buôn đi bán lại mớ rau, cân thịt hoặc làm hàng xáo (mua thóc của nông dân đem về xát gạo đem bán, dư cám, trấu để nuôi lợn, đun bếp) kiếm từng đồng bạc lẻ. Một số người có kiến thức về sản xuất máy nông cụ đã đứng ra kinh doanh máy xay xát, cũng có nguồn thu nho nhỏ. Có người đi làm “con buôn” đường dài, làm “phe vé” ở các bến xe, nhà ga, rạp chiếu bóng. Có người thì nhảy tàu chợ, đi bán trà nóng, lạc rang hoặc kéo nhau lên rừng khai thác lâm sản mang về xuôi bán kiếm thêm đồng ra, đồng vào...
Ông Hà Tuyết Giao (Cẩm Khê, Phú Thọ) vốn được đào tạo ngành kỹ sư đóng tàu ở Liên Xô. Đầu năm 1980, ông về nhận công tác tại Cảng Việt Trì (Phú Thọ). Do Cảng chỉ thuần túy làm chức năng, nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa từ các sà lan nhỏ nên không có vị trí việc làm chuyên môn… đóng tàu, nên ông chỉ đảm nhiệm các công việc sửa chữa sà lan. Nhân dịp thực hiện tinh giản biên chế, ông xin nghỉ chế độ hưu sớm (hưu non). Ông Giao nhớ lại: “Lúc đó tôi xin nghỉ hưu sớm, về quê. Gia đình công chức nên không có ruộng đất. Lúc đó, vỡ hoang được chút đất ngoài bãi soi sông Thao để tăng gia. Có đận, tôi phải theo cánh thanh niên trong phố huyện, nhảy tàu lên đồng rừng Hoàng Liên Sơn leo núi chặt giang, nứa, bóc dễ mản, mí (dùng để ăn trầu)… về bán ở chợ phố huyện để có thêm thu nhập. Cũng may, vợ tôi là giáo viên, có tí lương để nuôi con cái học hành, đời sống gia đình cũng bớt khó khăn”.
Anh Lê Thanh Hà (Tân Hà, Tuyên Quang) kể lại: “Hồi đó, tôi học trường trung cấp xây dựng của tỉnh. Học xong, tôi được phân công công tác ở một huyện vùng cao xa tít. Lương công nhân ít việc, cũng chỉ đủ chi phí sinh hoạt cá nhân dè xẻn và tiền tàu xe về phép thăm gia đình. Tôi xin nghỉ việc “một cục” theo chế độ 176. Về nhà, không có đất tăng gia nên tôi phải đi làm phụ hồ để kiếm sống. Công việc tuy vất vả, nhưng có thêm chút thu nhập. Vợ tôi làm giáo viên phổ thông, thu nhập ổn định hơn, nhưng rất thấp. Tôi nghĩ, mình không có bằng cấp, trình độ chuyên môn để phát triển trong cơ quan nhà nước thì nên nghỉ để ra ngoài tìm công việc phù hợp”.
Anh Hoàng Văn Tuấn (Cẩm Khê, Phú Thọ), là bộ đội phục viên. Thời điểm đó, anh đang làm nhân viên phòng thuế vụ cấp huyện. Anh đã xin nghỉ việc. Trở về nông nghiệp, do chịu khó lao động nên gia đình cũng có thu nhập ổn định. Anh Tuấn cho biết: “Lúc nghỉ việc, tôi cũng hơi lo lắng, nhưng là một cán bộ, đảng viên và bản lĩnh Bộ đội cụ Hồ nên khắc phục mọi khó khăn, sớm thích ứng việc trở về với đồng ruộng để đảm bảo ổn định cuộc sống”.
Ông Mai Văn Chính (Yên Sơn, Tuyên Quang) kể: “Gia đình chúng tôi từ Ninh Bình lên miền núi vỡ hoang, lập nghiệp, làm nông nghiệp. Lứa chúng tôi khát khao được đi làm cán bộ nhà nước, vì có lương ổn định, lại có vẻ nhàn nhã hơn công việc của nhà nông dân. Tôi tốt nghiệp nghề chạy máy phay ở một trường dạy của tỉnh. Đi “chạy chọt” xin việc vào cơ quan nhà nước cũng khá tốn “thuốc nước”. Cuối cùng cũng được vào làm việc ở một xí nghiệp cơ khí nho nhỏ với những đồng lương ít ỏi. Tưởng yên vị, hài lòng với công việc đã chọn, ai dè sau đó tôi lại thuộc diện tinh giản biên chế, vì bằng cấp thấp, chưa có kinh nghiệm làm việc. Tôi trở lại với gia đình để làm ruộng. Cũng may, nhờ có Khoán 10 nên gia đình tôi đã thầu ruộng để trồng màu, nhận mặt nước hồ tưới tiêu để nuôi trồng thủy sản. Đến nay, mọi người trong gia đình có việc làm ổn định, thu nhập khá, con cái được học hành đủ đầy. Sau này, tôi còn được mời ra làm công chức xã với vị trí việc làm thuế vụ và có chút lương nhỏ. Tôi hài lòng với công ăn việc làm mà mình có”.
Đầu năm 1980, ông Nguyễn Văn Ngọc (Duy Tiên, Hà Nam) lặn lội lên Sơn La để “khởi nghiệp”. Ông đi học trường trung cấp sư phạm tỉnh, rồi trở thành giáo viên “cắm bản” xóa mù chữ. Năm 1986, ông về Hà Nội để học cao đẳng sư phạm. Tốt nghiệp đúng thời điểm Nhà nước tinh giản biên chế, ông trụ lại ở Hà Nội, làm đủ nghề để sinh nhai. Bây giờ, gia đình ông đã khấm khá, mua được nhà. Vợ ông mở được một cửa hàng tiện ích nhỏ. Ông xin vào làm công tác quản sinh ở trường đại học nơi mình từng học tập. Ngoài công việc ở trường, ông giúp vợ kinh doanh. Ông Ngọc hài lòng với công việc vừa công, vừa tư của mình. Ông Ngọc tâm sự: “Xuất thân từ gian khó sẽ buộc mỗi người phải nghĩ kế để cứu mình. Cứ chịu khó lao động là thành công!”.
Ông Hà Thanh Sơn (Yên Sơn, Tuyên Quang) là cựu chiến binh tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và Campuchia. Sau gần 10 năm quân ngũ, phục viên, ông trở về quê, đi học nghề. Ông trở thành giáo viên ở một trường dạy nghề của tỉnh. Với tinh thần đảng viên, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vợ chồng ông tự nguyện về nghỉ theo chế độ 176. Ông Sơn được hưởng “một cục” khi nghỉ và có chút ưu đãi do có thời gian phục vụ trong quân ngũ. Về nhà làm vườn, chăn nuôi, gia đình ông cũng có cuộc sống ổn định. Dù không làm việc trong công sở, nhưng ông Sơn vẫn tự nguyện tham gia công tác chi bộ Đảng, đồng thời là chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh xã. Ông Sơn chia sẻ: “Thời điểm đó, vợ chồng tôi quyết định nghỉ việc là sáng suốt. Vì bằng cấp, chuyên môn của mình thấp, vả lại lương công chức cũng rất thấp, làm việc hành chính 8 tiếng, ở tập thể, không có thời gian lập nghiệp cho gia đình riêng. Hai suất biên chế của cơ quan, chúng tôi dành cho những người xứng đáng để họ cống hiến…”.
Còn rất nhiều ví dụ về những người trong cuộc thuộc diện tinh giản biên chế khi thực hiện Quyết định 176-QĐ/HĐBT cách đây 35 năm. Như đã đề cập, cuộc cách mạng nào cũng đều phải chấp nhận gian khó và sự hy sinh để giành được thắng lợi. “Cuộc cách mạng” tinh giản theo Quyết định số 176-QĐ/HĐBT năm 1989 có thể coi là một sự “tập dượt” về sắp xếp, tinh gọn, xóa bỏ tư duy bao cấp, đổi mới nếp làm, cách nghĩ để đất nước vững tin bước vào nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này cũng xóa đi những nghĩ suy cảm tính của người lao động bấy lâu nay cho rằng vị trí việc làm, thu nhập chỉ có ở nơi công sở, trong khí đó bối cảnh đất nước bước vào nền kinh tế thị trường, hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Dù gian khó, hy sinh, nhưng tất cả những cơ quan, đơn vị, người lao động từng bị tác động bởi “cuộc cách mạng” tinh giản 176 cơ bản đều đã quản trị tốt sự thay đổi để hòa nhập vào nhịp sống nền kinh tế mới của đất nước.
Đón đọc Kỳ 2: Chuyện của 'Cuộc Cách Mạng' tinh giản hôm nay