“Kỳ án” Cadovimex (kỳ 1)

Cadovimex ký gửi hàng cho Cty South China Seafood (Mỹ-SCS) và Cadovimex trực tiếp bán hàng cho khách của mình tại Mỹ. SCS vi phạm hợp đồng buộc Cadovimex phải nhờ Tòa án phân xử lượng hàng trị giá 3,6 triệu USD. Xung quanh vụ kiện này có nhiều nguồn dư luận khác nhau…

Cty Chế biến XNK thủy sản Cái Đôi Vàm (CĐV), huyện Phú Tân, Cà Mau là DNNN trực thuộc UBND tỉnh Cà Mau, sau khi cổ phần hóa có tên giao dịch là Cadovimex.

Cadovimex ký gửi hàng cho Cty South China Seafood (Mỹ-SCS) và Cadovimex trực tiếp bán hàng cho khách của mình tại Mỹ. SCS vi phạm hợp đồng buộc Cadovimex phải nhờ Tòa án phân xử lượng hàng trị giá 3,6 triệu USD. Xung quanh vụ kiện này có nhiều nguồn dư luận khác nhau…

Lịch sử hình thành Cadovimex

Tháng 6/1989, CĐV được thành lập, năm 1997 được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng nhất. Từ 1997-2000, CĐV được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam xếp hạng Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn hiệu quả nhất vùng ĐBSCL.  CĐV   có hơn 3.000 lao động, doanh số xuất khẩu trên 80 triệu USD/năm. Năm 2004, con tôm Việt Nam bị điêu đứng bởi vụ kiện bán phá giá tôm của Mỹ.

Thế mạnh của CĐV là con tôm, thị trường chiếm 80% sản lượng tôm này lại là thị trường Mỹ. Bởi vậy, 2004 là năm sóng gió của CĐV, thị trường chủ lực bị gãy phải chuyển hướng thị trường là một việc làm không dễ… Mặt khác, CĐV chuẩn bị cổ phần hóa theo chính sách đổi mới DNNN. 

Tháng 1/2005, CĐV cổ phần hóa, thay đổi quyền sở hữu tài sản từ 100% vốn nhà nước sang Cty cổ phần, không có vốn nhà nước. Sau khi cổ phần hóa, CĐV đổi tên thành Cadovimex, là Cty đại chúng được niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2008, được kiểm tra và chi phối bởi Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Như vậy, quyền quyết định kinh doanh và chia sẻ lợi nhuận hay rủi ro thuộc về Hội đồng quản trị (HĐQT) và cổ đông của Cty chứ nhà nước hoàn toàn không chịu trách nhiệm.

Bị chiếm dụng 3,6 triệu USD

Ông Trần Kia-Việt kiều Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Tran Ocean Star, Inc. gồm có: South China Seafood Company (SCS),Viễn Đông, Inc. Ông Trần Kia hay SCS là DN kinh doanh có tiếng tăm ở bang California, Mỹ. SCS có quá trình kinh doanh khá lâu với Việt Nam từ những ngày đầu đổi mới, có 3 siêu thị lớn tại Mỹ, có kho lạnh, có tài sản và cơ sở vật chất kinh doanh lớn ở Mỹ.

Có thể nói, ông Trần Kia là một trong số ít những người Việt thành đạt tại Mỹ, đã đầu tư 10 triệu USD vào dự án nuôi tôm hơn 700 ha tại tỉnh Bạc Liêu. Đã có nhiều DN Việt Nam liên kết làm ăn với SCS trong thời gian dài. Cadovimex biết ông Trần Kia trong những chuyến đi tham gia hội chợ thủy sản thế giới tại Mỹ và đã mua bán với ông Trần Kia từ những năm 2003-2004. Thời gian này, ông Trần Kia thực hiện mua bán thanh toán đúng hợp đồng.

Năm 2004, Bộ Thương mại Mỹ áp đặt thuế chống bán phá giá tôm của Việt Nam, lúc ấy doanh số của Cadovimex xuất khẩu sang Mỹ là gần 80%. Đây là cú sốc lớn về thị trường của Cadovimex vì muốn chuyển đổi sang thị trường khác một sớm một chiều không hề đơn giản.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ bắt buộc các DN Việt nam đưa tôm vào Mỹ phải đóng thế chân một khoản tiền rất lớn gọi là tiền Bond (chừng vài triệu USD để bảo đảm rằng, nếu thuế tăng thì Chính phủ Mỹ sẽ lấy vào số tiền này). Từ lý do đó, Cadovimex rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan,  thay vì tốn vài triệu USD để Bond, HĐQT Cty họp bàn nhiều lần để chọn giải pháp kinh doanh.

Trong một hội chợ thủy sản tại Mỹ, một số thành viên HĐQT và BGĐ  gặp ông Trần Kia. Hai bên bàn bạc và ông Trần Kia đồng ý đứng ra nhập hàng cho Cadovimex theo phương thức ký gởi. Theo hợp đồng, SCS chỉ nhập khẩu cho Cadovimex, chi phí nhập khẩu, chi phí lưu kho tại Mỹ Cadovimex chịu, hàng hóa tại Mỹ vẫn thuộc quyền sở hữu của Cadovimex.

Cadovimex trực tiếp bán hàng cho khách hàng của Cadovimex tại Mỹ, tiền hoa hồng Cadovimex chi cho SCS là 2.000USD/container. Tiền bán hàng khách hàng của Cadovimex chuyển cho SCS, trong vòng không quá 3 ngày làm việc SCS có trách nhiệm trả cho Cadovimex 100% (sau khi trừ chi phí nhập khẩu, lưu kho và hoa hồng). HĐQT xét thấy hợp đồng này là rõ ràng và hiệu quả cao vì lúc ấy rất ít Cty Việt Nam xuất được tôm sang Mỹ; đặc biệt, điểm tối ưu của hợp đồng là giữ được thị trường Mỹ.

Nhưng đến cuối năm 2005, ông Trần Kia bắt đầu chiếm dụng tiền bán hàng của Cadovimex (sau khi khách hàng của Cadovimex chuyển cho SCS thì SCS giữ lại và không chuyển trả cho Cadovimex như hợp đồng đã ký). 

Lúc đầu là vài trăm ngàn USD, Cadovimex đã cử người sang Mỹ đòi quyết liệt, ông Trần Kia hứa hẹn nhưng  không thực hiện  mà tiếp tục chiến dụng tiền bán hàng của Cadovimex  ngày càng lớn: Trên 2 triệu USD và hàng tồn kho của Cadovimex. Cadovimex đã dùng nhiều biện pháp thu hồi (gởi đơn tố cáo lên Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an nhiều lần).

Cuối cùng,  phải nhờ Trung tâm Trọng tài Kinh tế tại Việt Nam phân xử theo đúng hợp đồng. Trung tâm Trọng tài Kinh tế, Tòa án cấp sơ thẩm, Phúc thẩm xét xử  buộc ông Trần Kia  phải trả số tiền trên 3,6 triệu USD cho Cadovimex.

Ngọc Long

Đọc thêm