Kỳ bí những “hang ma” ở xứ Thanh

(PLO) - Nằm trên địa bàn xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), “hang ma” (còn gọi là Hang Phi) gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn của đồng bào dân tộc Thái về việc trong lòng hang chứa hàng trăm bộ xương người. Để khám phá những câu chuyện kỳ bí ở  xung quanh “hang ma”, chúng tôi đã có cuộc hành trình ngược về miền tây xứ Thanh để tìm hiểu.
“Hang ma” là những mái đá hình vòm cùng, dưới là dòng sông Luông
“Hang ma” là những mái đá hình vòm cùng, dưới là dòng sông Luông

“Hang ma” cách thị trấn Quan Hóa hơn 2km, nơi đây có một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí bởi xung quanh có nhiều núi đá vôi và rừng nguyên sinh bao bọc. Do “hang ma” có dòng sông Luông chảy qua, uốn khúc theo hình chứ S nên nó đã tạo thành một vòm hang rộng lớn. Hiện “hang ma” là một trong những khu di tích, danh thắng nổi tiếng của huyện Quan Hóa, phục vụ cho du khách thập phương tìm về.

Ông Cao Bằng Nghĩa (nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa) cho biết: “Khoảng 500 năm nay, quần thể này mới có tên là Hang Phi, trước đó bà con thường gọi hang này là Tiêu Hậu. Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia ở Chiềng Ca Da có một đôi vợ chồng Tiêu Hậu lên khu vực hang để khai khẩn đất đai và đánh cá. Do vòm hang rộng, có thể che nắng che mưa nên họ lấy chỗ này để làm “nhà” của mình. Từ đó người dân Mường Ca Da đặt tên hang này là hang Tiêu Hậu”.

Ông Cao Bằng Nghĩa trò chuyện cùng phóng viên
Ông Cao Bằng Nghĩa trò chuyện cùng phóng viên

Theo sách cổ, dưới thời giặc Minh xâm lược nước ta, đồn Tùng Hoá thuộc Trại Quan Da là một cứ điểm lớn của quân Minh (nay là bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hoá). Từ cứ điểm này, quân giặc thường đi càn quét, cướp bóc các bản làng hết sức tàn bạo, khiến người dân phải chạy trốn vào hang. 

Vào tháng 6 năm 1420, Vua Lê Lợi cử tướng Lò Khằm Ban và tướng Lê Sát, Lê Hào dẫn quân đánh quân Minh tại cứ điểm Tùng Hoá và Trại Quan Da. Các tướng cho quân sĩ đóng quân tại bản Bút, bản Mướp. Sau đó các tướng cho quân tiến công đánh đồn Tùng Hoá và khu vực Hang Phi. Các trận đánh diễn ra vô cùng quyết liệt, mặc dù chiến thắng giòn giã, nhưng các quân lính của ta cũng bị thương vong rất nhiều.

Ngay sau khi thắng trận, các tướng sỹ và quân lính đã gom các thi hài này rồi chôn cất tại khu rừng bên hang Tiêu Hậu phía hữu ngạn sông Luồng, đồng thời lập đền tế hương hồn. Từ chiến tích ấy, người dân mới đổi hang Tiêu Hậu thành Hang Phi.

Miếu thờ các binh sỹ tử trận của nghĩa quân Lê Lợi đánh giặc Minh
Miếu thờ các binh sỹ tử trận của nghĩa quân Lê Lợi đánh giặc Minh

Năm 1942, Vua Bảo Đại đã đến thắp nhang cho các linh hồn liệt sĩ của nghĩa quân Lam Sơn và thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh. Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, bộ đội và dân quân du kích đã lợi dụng vào thế núi ở khu vực Hang Phi để mai phục, đánh chặn các cuộc hành quân của địch từ thượng nguồn sông Luồng và hạ nguồn Sông Mã. Nhiều trận đánh đã có tiếng vang, gây tổn thất nặng cho giặc Pháp như: trận Héo Ma Ngó, Na Ka Sẵm, Mó Tôm và ngay tại Hang Phi…

Địa danh Hang Phi còn có rất nhiều phong cảnh đẹp như núi Pha Cáng, Pha Co Phay... Xung  quanh sông Luồng còn có bãi cát vàng, rừng nguyên sinh cùng cư dân các đồng bào dân tộc sinh sống, tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình. Từ tỉnh lộ 20 ra đến bờ sông có rất nhiều hòn đá vôi, to như mái nhà, khiến cho cảnh quan nơi đây không khác gì một “vịnh Hạ Long trên cạn”.

Theo như quan sát của chúng tôi, bên dưới Hang Phi có một bài sỏi rộng, có thể chứa được hàng nghìn người mà không lo bị mưa, nắng. Cạnh bờ sông còn có nhiều hòn đá lạ, giống buồng tắm, đồng bào cho rằng đó là buồng tiên nữ. Cũng có người lại bảo rằng đây là đá “Xá Pắm Xá” (đá của người Khơ Mú).

Theo các cụ cao niên ở trong làng, xưa kia trong một lần xuôi bè từ Mường Xia xuống Mường Ca Da (nay là huyện Quan Sơn), khi người Khơ Mú đi qua Hang Phi, họ thấy cảnh quan đẹp nên một số trai tráng đã lập lán trại rồi tổ chức một cuộc thi đấu vật, đấu võ. Họ luyện võ, đấu vật cùng nhau, đến nỗi cơ thể biến thành thép. Chính vì vậy nên đồng bào gọi hòn “Xá Pắm Xá” là nơi luyện tập võ của các chàng trai Khơ Mú.  

Ở cuối Hang Phi hẹp nên đã có rất nhiều người đi bè bị nước hất văng vào vách đá, cũng đã có người chết hoặc gãy chân, tay. Khúc sông này còn là nơi chất chứa xác người, chính vì lẽ đó nên yếu tố ma quỷ càng trở nên đáng sợ. Dân trong bản, nhất là những người yếu bóng vía, họ không giám bén mảng đến khu vực này. 

Đi về phía hạ nguồn sông Luồng chừng khoảng 300 mét là rất nhiều hang và vực, sâu đến 100 mét. Trong hang rất mát mẻ, có nước chảy róc rách quanh năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài cá đẻ trứng. Bà con ở trong vùng thường lấy đơm, đó để bắt tôm cá. Người dân bắt cá được nhiều nhất là mua tháng ba, tháng tư. Tại Vực Tôm, khi khách du lịch ngước nhìn lên sẽ thấy một ngọn núi sừng sững. Người dân gọi đó là núi Pha Cáng, bởi ở giữa núi có một cái hang lớn và hai hang nhỏ. Mọi người gọi đó là hang Lụng Mu, hang cao so với mặt sông Luồng khoảng 200 mét. 

Hang Lụng Mu có chứa rất nhiều yếu tố bí ẩn chưa đực giải mã, bởi nơi đây “chôn cất” trên 70 cỗ quan tài của người xưa. Đường lên hang có độ dốc rất cao nên vô cùng hiểm trở, người yếu tim chỉ lên đến một nửa quãng đường là phải quay lại. Có lẽ do người xưa họ giỏi leo trèo nên mới chọn hang núi là nơi táng người chết. Những điều bí mật ở trong hang đang là vấn đề khó lý giải cho các nhà khoa học.

Vì “hang ma” có dòng chảy nên cảnh quan của thiên nhiên đã vô tình tạo thành những bản nhạc hoang vu của rừng núi. Khi thì nước chảy róc rách, lúc lại có những tiếng động như gầm gừ hung hãm. Có lúc lại giống như nhưng đoàn quân khởi nghĩa… Nếu lắng tai nghe kỹ thì lại giống như những giai điệu của tiếng khèn gọi bạn tình, lắm lúc lại giống như tiếng trống, tiếng chiêng trong ngày hội làng…

Khúc sông này còn có rất nhiều loại cá quý hiếm như cá lăng, cá chiên, cá dốc… Hàng năm có rất nhiều đoàn khách du lịch đến đây để cảm nhận những điều mới lại của thiên nhiên. Du khách có thể quăng chài, bắt cá, cùng ăn cơm với bà con dân bản. Điều đó khiến cho du khách và cư dân trở nên ấm cúng hơn. 

Cũng theo ông Nghĩa, năm 2007, UBND xã Nam Xuân đã làm tờ trình về việc bảo vệ cũng như đầu tư nâng cấp “hang ma” thành điểm du lịch. Năm 2008, UBND huyện Quan Hóa đã đầu tư, xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu tham quan của du khách thập phương. Có thể nói rằng, trải qua nhiều năm lịch sử, “hang ma” đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào. Địa danh “hang ma” ngày càng được đông đảo du khách tìm về. Đến đây du khách sẽ cảm nhận được nhịp sống chậm rãi của cư dân, đó chính là hơi thở, là nhịp đập của trái tim.