Trong buổi sáng, UBTV họp đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII; cho ý kiến về Kế hoạch triển khai việc Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, các đại biểu (ĐB) cơ bản nhận định kỳ họp đã thành công tốt đẹp.
Tuy nhiên, các ĐB đã chỉ ra một số tồn tại để rút kinh nghiệm cho các kỳ họp tới. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, không khí họp tại hội trường rất sôi động nhưng tại nhiều phiên họp vẫn xảy ra hiện tượng ĐB đọc bài phát biểu sẵn có, dẫn đến việc có nhiều bài phát biểu trùng lắp, khiến chính các ĐB nhiều khi nghe cũng rất mệt mỏi. Bà Mai cho rằng cần nghiên cứu để khắc phục tình trạng này, từ đó tăng tính tranh luận tại các phiên họp.
Cùng chung nhận định về việc nhiều ĐB chuẩn bị sẵn ý kiến dẫn đến hiện tượng ĐB lặp đi lặp lại cùng 1 ý kiến, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề xuất người điều hành cần chú ý để tránh mất thời gian của QH.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết ông chưa hài lòng về kết quả chất vấn. Ông Lý cho rằng, sắp tới tổng kết 5 năm việc triển khai Nghị quyết của QH về kinh tế - xã hội, về cơ cấu kinh tế nhưng hiện nay nhiều người trả lời chất vấn là những người chịu trách nhiệm về vấn đề đó vẫn chưa hiểu rõ về thực trạng, hiệu quả và trách nhiệm. Do vậy, ông đề xuất tại kỳ họp QH sau tiến hành chất vấn có tổng kết.
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, theo Tờ trình của Văn phòng QH, dự kiến tại kỳ họp thứ 10 QH làm việc 29 ngày, trong đó có 2/5 ngày thứ bảy; họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ ngày 20/10/2015 và bế mạc vào ngày 25/11/2015.
Trong khuôn khổ kỳ họp, QH sẽ thực hiện công tác xây dựng pháp luật trong vòng 18,25 ngày. Trong thời gian này, QH sẽ xem xét, thông qua 16 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 10 dự án luật. Việc xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác sẽ được tiến hành trong 9 ngày.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc QH trong kỳ họp tới chú trọng tới nhiệm vụ tiếp tục tổ chức thực hiện nhánh tư pháp là để đảm bảo công lý, công bằng, đảm bảo công tác xét xử, quá trình tố tụng được công tâm, khách quan, kịp thời để người dân yên tâm, cơ quan nhà nước vững vàng để thực thi nhiệm vụ.