Báo cáo một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 20 dự án luật và cho ý kiến về 3 dự án luật khác. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 7 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thông qua 13 dự án luật và cho ý kiến vào 3 dự án luật. Để triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và chương trình Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Pháp luật đề nghị các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan có liên quan báo cáo việc triển khai thực hiện chương trình năm 2018, thuộc lĩnh vực phụ trách, trong đó nêu rõ những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những giải pháp cần thiết để báo cáo Chính phủ.
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, theo Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội, có 22 dự án do Chính phủ trình thuộc Chương trình năm 2018. Trên cơ sở kết quả chuẩn bị của các bộ, cơ quan ngang bộ, dự kiến sẽ có 15 dự án được đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2018. Nếu tính cả các dự án đã có và đang được dự kiến đề nghị bổ sung thì Chương tình năm 2018 dự báo sẽ khá nặng (37 dự án, tăng 15 dự án so với Nghị quyết số 34), trong khi số lượng dự án luật dự kiến đưa vào Chương trình năm 2019 còn rất ít (13 dự án).
Do đó, để đảm bảo tính khả thi của Chương trình, Bộ Tư pháp đề nghị, cần xác định nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đối với các dự án bổ sung vào Chương trình năm 2018 để đảm bảo số lượng tối đa khoảng 30 dự án, tương đương với số lượng dự án Quốc hội đã thông qua, cho ý kiến trong năm 2017. Đồng thời, cần rà soát các dự án đã có trong Chương trình năm 2018 theo Nghị quyết số 34/2017/QH14, nhằm đề xuất chuyển một số dự án sang Chương trình năm 2019 để ưu tiên cho các dự án luật khác cấp bách, cần phải sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong năm 2018.