Phụ nữ cạo đầu như nhà sư
Xã Thái Học, huyện Nguyên Bình có tất cả 14 xóm, 100% là người Dao đỏ. Đồng bào nơi đây có tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao, họ thường tập trung sinh sống trên các sườn đồi, hoặc các rẻo cao trên đỉnh núi. Tập quán của đồng bào nơi đây vẫn còn duy trì các ngôi nhà sàn gỗ, mái lợp bằng lá cọ hoặc ngói âm dương. Khung cảnh bình dị của miền sơn cước vừa yên bình vừa kỳ bí. Điều mà chúng tôi tò mò muốn khám phá, đó chính là việc cạo trọc đầu của phụ nữ nơi đây.
Tại các phiên chợ, chúng tôi vẫn thường thấy phụ nữ dân tộc thiểu số trung niên cạo trọc đầu. Có người họ để đầu trọc lóc như quả bí, cũng có người do xấu hổ nên họ phải quấn khăn che kín trên đầu. Được biết đó là những phụ nữ dân tộc Dao đỏ. Đối với những người ở dưới miền xuôi nhưng chúng tôi, đây chính là nét văn hóa kỳ bí, rất cần được khám phá. Không riêng gì ở xã Thái Học mà còn có rất nhiều các bản làng vùng cao khác, phụ nữ trung tuổi người Dao vẫn cạo trọc đầu.
Anh Bàn Văn Pu (35 tuổi) là một thầy cúng trẻ ở bản Lũng Chang, xã Thái Học cho biết, ngoài những phong tục như lễ cấp sắc (tục chứng nhận cho người đàn ông trưởng thành), phụ nữ người Dao đỏ còn có tục cạo đầu. Lễ cấp sắc sẽ phải trải qua rất nhiều khâu, có khi phải tốn rất nhiều lợn, gà, tiền của, tổ chức ăn uống hai, ba ngày mới xong. Còn tục cạo tóc thì chẳng cần phải tốn kém gì cả, họ có thể tự cạo trọc đầu cho mình hoặc cạo giúp nhau.
Anh Pu nói: “Việc cạo đầu là để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Nếu không cạo tóc thì người ta cũng không biết đây là người dân tộc nào. Hiện trong bản này chỉ có những người phụ nữ từ 40 tuổi trở trên mới cạo tóc”.
Theo quan niệm xưa kia, phụ nữ người Dao đỏ cứ đến tuổi trưởng thành là họ lại cạo lông mày, rồi cạo trọc đầu cho nhau, có người họ còn nhuộm cả răng đen. Xưa kia, người dân quan niệm cạo trọc đầu, cạo bớt lông mày là nét đẹp. Bởi khi cạo hết tóc và lông mày, kết hợp với những bộ trang phục thổ cẩm của dân tộc sẽ tạo cho người phụ nữ trở nên đẹp lộng lẫy.
Đồng bào người Dao đỏ cũng quan niệm rằng, các chi tiết từ quần áo đến khuôn mặt của người phụ nữ đều phải có sự kết hợp hài hòa. Tục cạo tóc và cạo lông mày là để tăng thêm vẻ đẹp cho những người phụ nữ trên miền rẻo cao. Phụ nữ ở miền rẻo cao, phải cạo tóc như vậy mới đẹp được. Và với những người đàn ông, họ cũng đánh giá các chi tiết, nhất là vẻ đẹp rạng rỡ trên khuôn mặt của các cô gái. Theo anh Pu, người Dao Lô Giang ở Thái Nguyên họ còn cắt tóc và dùng sáp ong để sơn đầu. Nếu người nào không sơn đầu thì sẽ không được mặc trang phục dân tộc.
Để tìm hiểu kỹ về phòng tục này, chúng tôi còn tìm gặp bà Bàn Mùi Pham (60 tuổi). Khi hỏi về những nét văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là phong tục cạo tóc, bà Pham nói: “Tôi cạo tóc từ lúc 13, 14 tuổi, bây giờ cứ để dài khó chịu lắm. Ngày trước con gái cạo tóc chỉ để lại một ít tóc ở trên đỉnh đầu thôi. Người Dao chúng tôi cho rằng, đó là nơi trú ngụ các hồn vía con người, quan niệm để tóc như vậy sẽ không bị ốm đau bệnh tật. Tục cạo đầu của dân tộc chúng tôi có từ lâu lắm rồi”.
Bà Bàn Mùi Lưu (50 tuổi), người ở trong xóm góp chuyện: “Đây là một tập tục cổ truyền, tuy nhiên nó làm ảnh hưởng đến việc giao lưu gặp gỡ mọi người. Mỗi khi đi chợ, hay tham gia các lễ hội, chúng tôi thường bị mọi người trêu đỏ mặt đấy. Họ nói, đầu như quả bí, đầu nhà sư… xấu hổ lắm”.
Mặc dù bị nhiều người trêu nhưng những người phụ nữ trung tuổi ở xã Thái Học vẫn tự hào về điều đó, bởi đây là phong tục, là nét đẹp có từ ngàn đời nay. Ngày nay do xấu hổ nên những người phụ nữ Dao đỏ thường lấy khăn buộc lại. Theo bà Bàn Mùi Lưu, hiện nay những người phụ nữ trung tuổi ở trong làng cứ tóc dài là họ lại tự cắt, tự cạo cho nhau, ra đường thì đội khăn để che đi.
Bà Bàn Mùi Pham trò chuyện về phong tục cạo tóc của người Dao |
Nét văn hóa cổ
Lật tấm khăn trùm để “khoe” cái đầu trọc với PV, bà Bàn Mùi Pham cho biết, do đồng bào người Dao đỏ sinh sống trên núi cao, khô khát về nguồn nước nên khi để tóc dài không hợp vệ sinh, vướng víu. Việc những người phụ nữ họ cạo tóc là để thuận tiện cho việc gội đầu, nấu nướng.
Bà Bài Mùi Lưu cho biết thêm: “Trước đây chấy rận nhiều lắm, để tóc tốt thì chấy rận sẽ có nơi trú ngụ. Trước kia làm gì có dầu gội đầu như bây giờ, cũng không có bể chứa nước nên ai cũng phải cạo đầu”. Bà Pham cho biết, hiện con gái và phụ nữ trẻ trong bản đều để tóc dài, trông xinh đẹp và duyên dáng lắm, chỉ còn số ít những người lớn tuổi như bà Pham, bà Lưu mới cạo tóc.
Tục cạo tóc đang dần bị lãng quên do không còn phù hợp, thậm chí nó khiến “khổ chủ” cảm thấy xấu hổ khi giao lưu, buôn bán. Tuy vậy, trong những ngày lễ hội truyền thống, phụ nữ người Dao đỏ lại mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và không ít người quay lại tục cạo đầu.
Ông Triệu Tòn Sinh, Chủ tịch xã Thái Học cho biết: “Tục cạo trọc đầu của phụ nữ Dao có từ ngày xưa rồi, hiện chỉ có những người phụ nữ trung tuổi cạo tóc. Do việc truyên truyền của chính quyền địa phương nên con em người dân tộc Dao cũng không còn ai cạo trọc đầu.
Ngày xưa các cụ bắt phải cạo trọc vì lo sợ bệnh tật, bây giờ có nhiều em gái đã biết xấu hổ khi cạo tóc đi học. Hiện tại, cán bộ địa phương xã vẫn đang tích cực tuyền truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không hợp với thuần phong mỹ tục. Chúng tôi cũng mong rằng Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa, nhất là việc xây dựng quy chuẩn nếp sống văn hóa cho đồng bào dân tộc”.