Kỹ nghệ khiến xà bông Việt từng “bóp chết” mỹ phẩm Pháp?

(PLO) - Tên tuổi và sản phẩm của Trương Văn Bền một thời nổi tiếng và là niềm tự hào của nhiều người, nhất là ở trong Nam. Ông là cha đẻ của trào lưu “Người Việt dùng hàng Việt” đã chỉ ra và làm gương cho nhiều người đi sau để khuếch trương tiềm năng tháo vát sáng tạo, tinh thần của người Việt Nam trong kinh tế và thương mại.
Hình ảnh “Cô Ba” trong hiệu xà bông lấy nguyên mẫu từ vợ của ông chủ
Hình ảnh “Cô Ba” trong hiệu xà bông lấy nguyên mẫu từ vợ của ông chủ
Quốc dân Đảng và phong trào người Việt dùng hàng Việt
Nói đến Trương Văn Bền là nói đến Xà bông Việt. Trương Văn Bền thành lập xưởng chế dầu ở Chợ Lớn sản xuất các loại dầu ăn, dầu công nghiệp từ năm 1928. Và bắt đầu từ năm 1932 mở thêm nhà máy làm xà bông từ dầu nông sản. 
Vào thời gian này và trước đó, hầu hết xà bông dùng trong nước và ở Đông Dương là nhập cảng từ Pháp. Chỉ có một số ít xà bông làm từ các xưởng nhỏ thủ công ở Chợ Lớn với chất lượng kém nên có giới hạn rất nhỏ và càng không thể cạnh tranh và so sánh với xà bông nhập từ Marseille (Pháp).
Trương Văn Bền đã đảo ngược tình thế này. Tên của ông gắn liền với xà bông Việt Nam, xà bông “Cô Ba”. Hãng xà bông của ông tọa lạc trên đường Rue de Cambodge (nay là Chợ Kim Biên, Quận 5). Công ty có tên gọi Trương Văn Bền và các con – Dầu và Xà bông Việt Nam. 
Một số mẫu mã loại xà bông từng đánh bại hàng ngoại nhập
Một số mẫu mã loại xà bông từng đánh bại hàng ngoại nhập 
Xưởng dầu ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1500 tấn dầu dừa, và hãng xà bông Trương Văn Bền sản xuất khoảng 600 tấn xà bông, 10 tấn glycerine trong năm 1943. Vào thời kỳ khó khăn ở nhiều nước do chiến tranh thế giới thứ hai, đây là công ty quan trọng nhất, sản xuất nhiều dầu và xà bông nhất trên toàn cõi Đông Dương.  
Xà bông Việt Nam và xà bông thơm “Cô Ba” được nhiều người ưa chuộng vì chất lượng tốt và giá phải chăng cho mọi người tiêu dùng. Trên thị trường, hai loại này sau đó đã đánh bại xà bông nhập từ Pháp. Xà bông “Cô Ba” còn được dùng rộng rãi ở Lào và Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong, một số nước châu Phi.
Trương Văn Bền không tự tìm hiểu và học hỏi để trở thành chuyên viên làm xà bông có chất lượng tốt như nhiều người lầm tưởng. Ban đầu ông gửi một kỹ sư giỏi qua Paris để tìm hiểu kỹ thuật làm xà bông với một kỹ sư người Pháp ở nhà máy làm xà bông Mazet. Lúc đó đã có hai nhà máy làm xà bông của Pháp ở Saigon do các ông Mazet và Boris làm chủ. 
Trong hồi ký của ông, viết về sự chọn lựa tên sản phẩm, ông nhớ lại: “Tôi đang tìm kiếm tên nào kêu, dễ gọi, dễ nhớ để đặt tên cho xà bông mà chưa kiếm ra. Ngoài Bắc, phong trào cách mạng Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu nổi lên nhiều chỗ và đã bị thất bại đau đớn, đến lúc Tây xử tử họ ở Yên Bái thì mười người như một, trước khi đút đầu vô máy chém đều bình tĩnh hô to: “Việt Nam vạn tuế” gây một luồng dư luận sôi nổi ở trong nước và thế giới.
Tôi không bỏ lỡ, vội chụp lấy vụ này, lấy tên Việt Nam đặt cho xà bông, gọi Savon Việt Nam để nêu lòng ái quốc trong xứ, xà bông Việt Nam là của người Việt làm cho người Việt, người Việt yêu nước phải dùng đồ Việt Nam”.
Về sự chọn lựa biểu tượng của xà bông Việt Nam, ông đã dùng hình ảnh của một người con gái đẹp Việt Nam rất đậm chất dân gian Nam Bộ là “cô Ba”. Không biết trong trường hợp nào ông đã dùng hình ảnh của một người phụ nữ “cô Ba” với nét đẹp có duyên Nam bộ, nhưng biểu tượng này của vùng đất miền Nam đánh trúng tâm lý dễ dàng nhận diện và quen thuộc của con người trong vùng. Đây đã là một yếu tố quan trọng để sản phẩm của ông được tiếp nhận rộng rãi. 
Và cũng chẳng xa lạ gì, hình ảnh người phụ nữ ấy chính là người vợ của ông. Trước kia, trong phòng làm việc của ông tại công ty Xà Bông Việt Nam có tượng bằng đồng đen, là hình vợ ông dùng làm mẫu cho hình trên hộp xà bông.
“Ông tổ” của những “mánh khóe” khuếch trương sản phẩm
Với sự ra đời của hãng xà bông Trương Văn Bền ở Nam Kỳ năm 1932, Việt Nam hãnh diện có được một xưởng công nghệ quy mô, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trong thời kỳ phôi thai.
Trong sự tiếp thị sản phẩm trên thị trường cạnh tranh lúc đầu và sau này cho đến khi ông mất, để khuếch trương thương hiệu, Trương Văn Bền đã khôn khéo sáng tạo không kém những doanh nhân nổi tiếng hiện nay như Bill Gates của Microsoft. 
Trên báo chí ở Việt Nam, từ khi xà bông Việt Nam được sản xuất vào năm 1932, trong mục quảng cáo thường đăng “Dùng xà bông xấu, mục quần áo”, hoặc “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam”. Trong các cuộc triển lãm được mở cửa hàng năm tại các tỉnh và Sài Gòn, bao giờ gian hàng của ông Bền cũng được thiết kế ấn tượng nhất với mô hình một cục xà bông khổng lồ gây được sự chú ý và tò mò đặc biệt của người xem. 
Chưa dừng lại ở đó, tại các gian hàng còn có bán xà bông gọi là chào hàng với giá rẻ hơn bên ngoài đến 25%. Trương Văn Bền còn đưa nhãn hiệu xà bông của mình vào những loại hình nghệ thuật dân tộc được người Việt yêu thích như vọng cổ, thơ lục bát đề cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước... khiến cho từ giới bình dân đến trí thức người Việt đều biết đến sản phẩm của ông.
Sau đây là là vài đoạn trong nhật ký của ông Trương Văn Bền: “Thấy xà bông bán chạy tôi làm thêm một chảo nữa. Nay nhiều thêm thì phải làm quảng cáo dữ mới bán được. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Việt Nam về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, chúng xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán, chỉ trừ khi nào món đồ ấy đã được thông dụng đem cho chúng một mối lợi hàng ngày thì chúng mới chịu mua. 
Trương Văn Bền một thời là “vua xà bông” Việt Nam
 Trương Văn Bền một thời là “vua xà bông” Việt Nam
Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Việt Nam bán không? Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu: “Sao không buôn xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”. 
Hết người này tới người khác, riết rồi chủ tiệm cũng phải để ý lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất của xà bông Việt Nam, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu xà bông Việt Nam. Nói tóm lại tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà bông Việt Nam bán chạy lắm”.
Trương Văn Bền nói tiếp: “Nhờ sức mạnh của quảng cáo, xà bông Việt Nam tiến phát mau lắm, chỗ nào cũng buôn, ai nấy cũng dùng. Thấy mối lợi như vậy, nhiều người lóa mắt cũng làm xà bông để tranh giành, như Bà Đốc phủ Mầu ra xà bông “Con Cọp”, Balet ra xà bông “Nam Kỳ” cũng hình đầu người đàn bà, Nguyễn Phú Hữu ra xà bông “3 sao” ở Cần Thơ... nhưng tranh đua không lại xà bông Việt Nam, đều bị thất bại, bỏ cả. Số sản xuất của xà bông Việt Nam lần lần lên tới 200 tấn, bán khắp Sài Gòn, lục tỉnh, Trung kỳ, Bắc kỳ, Lào, Campuchia. 
Năm 1941, tôi chịu cho sở binh lương một ít lợi quyền, nên bán được giá cao, chở đi Madagascar, Réunion... Mấy xứ thuộc địa Pháp này vẫn mua xà bông Pháp, nay chiến tranh giao thương bế tắc nên phải mua của tôi”. 
Trương Văn Bền mất đã lâu, một thời quá khứ ngang dọc vang danh của nhà kỹ nghệ và doanh nhân nổi tiếng Việt Nam nay chỉ còn là ký ức. Một nghĩa cử tốt đẹp ít nhất chúng ta nên có để nhớ tới một trang lịch sử doanh nghiệp rất đáng tự hào, gương sáng cho tương lai và thế hệ mới ngày nay trong thời đại toàn cầu hóa. Cần ghi lại, phổ biến, khuyến khích học hỏi tinh thần doanh thương, mạo hiểm trên doanh trường nhưng đầy trách nhiệm với xã hội của Trương Văn Bền, người tiên phong mở đường cho công kỹ nghệ doanh thương Việt Nam.  

Đọc thêm