Đó là một trong những nội dung trong đơn kêu cứu mà anh Nguyễn Văn Tuấn – nhân viên kỹ thuật thuộc Phòng Hành chính của Cty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM gửi đến Báo Pháp luật Việt Nam nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi.
Chỉ tại trình ký lúc giám đốc đang… “nóng”
Anh Nguyễn Văn Tuấn vào làm việc tại Cty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM (AISC), địa chỉ 142 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM bằng hợp đồng không xác định thời hạn kể từ ngày 1/1/2009, công việc là nhân viên bảo trì điện. Theo trình bày của anh Tuấn, trong suốt thời gian đó anh luôn hoàn thành công việc được giao, không bị kỷ luật hay có vấn đề gì về chuyên môn và đạo đức.
“Cho đến ngày 1/4/2013, ông Thuận – Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính kêu tôi vào đưa tờ hóa đơn mua vật tư sửa máy lạnh và nói Giám đốc Vinh không ký. Ông Thuận kêu tôi vào giải thích với ông Vinh. Tôi liền vào phòng ông Vinh để giải thích, nhưng run rủi sao là gặp ngay lúc ông Vinh đang có chuyện gì đó nên rất “nóng”. Ông Vinh nói: “Tôi không ký thanh toán, không nói nhiều”. Sau đó tôi cố giải thích nhưng Giám đốc Vinh đứng dậy đẩy tôi ra ngoài và còn đòi đánh lộn với tôi…” – anh Tuấn kể.
Tưởng sự việc chỉ dừng lại ở đó, nhưng ngay trong ngày hôm đó Giám đốc Phạm Văn Vinh đã ký thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với anh Tuấn, nội dung: “Từ ngày 5/4/2013, ông Tuấn không còn nghĩa vụ và trách nhiệm phải vào Cty với bất cứ lý do nào”. Cùng ngày, ông Vinh cũng ký thông báo gửi Ban bảo vệ Sở Tài chính TP.HCM (nơi AISC đặt trụ sở) để “kiểm soát việc ra vào của ông Tuấn”? Đến ngày 15/5/2013, Giám đốc Vinh đã ký Quyết định số 05913 cho nhân viên Tuấn thôi việc?
Trái pháp luật
Trao đổi với phóng viên (PV) anh Tuấn bức xúc cho rằng những căn cứ mà AISC đưa ra làm lý do sa thải anh là hết sức mơ hồ, thông báo chấm dứt hợp đồng ngày 1/4 căn cứ Điều lệ Cty và quyền hạn của Giám đốc nhưng không hề chỉ ra được sai phạm của người lao động.
Đồng quan điểm với anh Tuấn, một cán bộ Liên đoàn Lao động TP.HCM phân tích, việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải (là hình thức nặng nhất với người lao động) chỉ được áp dụng khi: người lao động có các hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, sử dụng ma túy, tự ý bỏ việc 5 ngày trong một tháng… theo Điều 126 Bộ luật Lao động. Trong trường hợp này, AISC sa thải nhân viên mà không lập Hội đồng xử lý kỷ luật, không có biên bản, sự tham gia của Công đoàn; đặc biệt là không có các lý do chính đáng theo Điều 126 là hoàn toàn sai trái.
Làm việc với PV về vụ việc này, ông Phạm Văn Vinh – Giám đốc AISC cũng thừa nhận đã sa thải người lao động trái pháp luật. Ông Vinh cho rằng, do đây là lần đầu tiên đuổi việc nhân viên nên chưa có… kinh nghiệm(!).
Giải thích với PV, ông Vinh và ông Thuận cũng liên tục đưa ra lý do cho rằng nhân viên Tuấn có ý thức kỷ luật kém, thường xuyên gây gổ với mọi người, đi trễ, vi phạm giờ làm… Tuy nhiên, khi PV yêu cầu các vị này trưng ra bằng chứng thì ông Vinh chỉ đưa ra được một bản kiểm điểm vì lý do đi làm trễ của nhân viên Tuấn.
Được biết, anh Tuấn đã nộp đơn lên Tòa án nhân dân Q.3 đề nghị giải quyết buộc AISC phải nhận anh trở lại làm việc và bồi thường thiệt hại.