Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội; Đại sứ quán một số nước, nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng nhiều cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên các thế hệ đã đến dự. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi lẵng hoa chúc mừng Nhà trường nhân sự kiện trọng đại này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Độc lập hạng Nhì vào Cờ truyền thống của nhà trường |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những thành tích to lớn của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội đã đạt được trong suốt 35 năm qua đối với sự nghiệp đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học pháp lý của đất nước. Phó Thủ tướng khẳng định: “Trường ĐH Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo đại học luật đầu tiên của Nhà nước ta. Qua 35 năm hình thành và phát triển, với rất nhiều gian nan, vất vả, nhất là ở những năm đầu thành lập, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, Trường ĐH Pháp lý Hà Nội trước đây và nay là Trường ĐH Luật Hà Nội đã trở thành trung tâm đào tạo luật có chất lượng và uy tín, góp phần cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước ta, đặc biệt là cho các cơ quan tư pháp. Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ giảng viên lớn mạnh với hàng trăm giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ… Nhà trường đã tạo ra hàng trăm ngàn sinh viên, học viên các chuyên ngành luật ở các trình độ, hệ đào tạo khác nhau. Các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý: “Vui mừng trước những kết quả đạt được nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại của Nhà trường. Chất lượng đào tạo chưa ngang tầm, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Kết quả nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn. Tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ có thời điểm chưa cao. Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá, làm rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan để đưa ra giải pháp khắc phục, tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới...”.
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật như Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp và Trường ĐH Luật Hà Nội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Một là, cần phấn đấu tạo được sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cả về chuyên môn và ngoại ngữ, tập trung phát triển một số ngành đào tạo mũi nhọn, ngang tầm với khu vực, từng bước tiếp cận với trình độ của các nước tiên tiến, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ pháp luật giỏi, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia theo luật pháp quốc tế. Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo; kết hợp đào tạo trên giảng đường với thực tiễn cuộc sống. Việc đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu xã hội.
Tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là các nước tiên tiến để trao đổi khoa học, đào tạo nâng cao cho cán bộ, giảng viên phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế. Quan tâm hơn nữa hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật cho Lào và Campuchia, trong đó cần hết sức chú trọng đến chất lượng đào tạo.
Hai là, cần tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học; tập trung nghiên cứu sâu về các vấn đề pháp lý mang tính thời sự, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, như: tổ chức thi hành Hiến pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Trường cần phát huy lợi thế là một cơ sở đào tạo luật lớn, phải tạo ra được một diễn đàn để giao lưu, trao đổi, đề xuất những sáng kiến, ý tưởng, giải pháp mới trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường phải gắn với thực tiễn đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Ba là, cần quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp sư phạm đổi mới. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là một người khơi dậy ngọn lửa của tình yêu công lý, đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu người, yêu nghề trong tâm hồn các em sinh viên. Trường phải làm tốt không chỉ trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phổ biến giáo dục pháp luật mà còn cả trong công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, sinh viên, tạo môi trường sư phạm tốt cho sinh viên.
Bốn là, Trường cần tạo được sự quan tâm, thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách; chú trọng các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cao theo nhu cầu xã hội. Trường phải thực sự trở thành một kênh quan trọng để phổ biến pháp luật sâu rộng ra ngoài xã hội. Mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên cũng phải tự giác chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, làm gương cho mọi người về ý thức chấp hành pháp luật, thể hiện rõ tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Năm là, cần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, phát huy dân chủ thực sự trong mọi hoạt động của Nhà trường, trước hết là tập thể Ban Giám hiệu, Đảng ủy phải làm gương trong công tác giữ gìn đoàn kết nội bộ; cần phải xác định đoàn kết là yếu tố đóng vai trò quyết định trong mọi thành công của Trường. Nhà trường cũng cần tiếp tục chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có kế hoạch hỗ trợ Đại học Luật Hà Nội về cơ sở vật chất; đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để xây dựng Trường thực sự trở thành một trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật, trong đó giải pháp hàng đầu là xây dựng đội ngũ giảng viên; có cơ chế thu hút giảng viên tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và các hoạt động thực tiễn khác để làm phong phú bài giảng; giúp sinh viên được tiếp cận sớm với hoạt động nghề nghiệp tương lai.
Gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, những gì Trường ĐH Luật Hà Nội đạt được trong thời gian qua là rất to lớn, tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ cũng như sự mong đợi, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân thì Trường ĐH Luật Hà Nội còn phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường chụp ảnh lưu niệm với cựu sinh viên, học viên |