Đến tận bây giờ Bác sỹ (BS) Tiến Dũng vẫn không thể quên được khuôn mặt đầy u ám của cha, sau một tuần "con gái rượu" của ông và cũng là đứa em út thân thương của anh bị mất vì bạo bệnh. Sau cả tuần suy nghĩ, ông gọi anh ra chái nhà rồi ngậm ngùi khuyên con đi học ngành y.
Bác sĩ Dũng ân cần thăm hỏi gia đình bệnh nhân |
Theo định hướng của gia đình, Dũng quyết định thi vào Trường Đại học Y Hà Nội. Năm đầu Dũng học hành rất chểnh mảng vì thấy toàn môn học thuộc. Sang năm thứ hai, với mong muốn giúp đỡ nhiều người bệnh, anh mới tập trung vào việc học. Với quyết tâm này, Dũng luôn đứng đầu khóa học về tổng số điểm, đồng thời cũng dành luôn vị trí “Thủ khoa” Nội trú với số điểm 41, vượt xa người đứng thứ hai (36 điểm).
Với thành tích cao ngất ngưởng đó, Dũng được tự lựa chọn chuyên ngành nội trú. Lúc bấy giờ Sản khoa là chuyên ngành “hot” nhất, nhưng với suy nghĩ: “Sản không phải là bệnh, khi đẻ xong người ta còn vui vẻ, hạnh phúc…, như thế mình không giúp được nhiều cho người bệnh, thế là mình “hồn nhiên” chuyển sang khoa Nhi”, anh chân thành chia sẻ.
Từ ngày vào khoa Nội trú Nhi, gắn bó với các bệnh nhi, BS Dũng bắt đầu yêu trẻ em. Và anh càng yêu các em hơn khi chính thức bước chân vào làm việc tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai. “Mỗi ca bệnh là một kỷ niệm, sau thành công là một niềm vui”, BS Tiến Dũng quan niệm.
Mọi áp lực, mệt mỏi trong công việc cũng tiêu tan khi anh tận mắt chứng kiến một "trùm" xã hội đen" nổi tiếng một thời của Thủ đô ngày ngày đến viện chăm sóc con, bón cho con từng thìa cháo, nhỏ nước mắt xót thương sau mỗi lần con gái yêu của mình lên cơn sốt…
Vâng, cuộc sống là vậy. Và trong sâu thẳm trái tim của con người, luôn có chỗ cho lòng nhân ái, tình yêu thương và sự chia sẻ. Chính vì suy nghĩ này, BS Dũng càng thấy yêu công việc của mình hơn. Và anh luôn sẵn sàng đón nhận những niềm vui mới, cũng như những nỗi buồn trong công việc. Càng yêu thương bệnh nhân, anh càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn và anh không cho phép mình được lùi bước trước khó khăn.
Để cứu được hàng ngàn bệnh nhi, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Phải luôn thận trọng và cố gắng không để xảy ra sai sót khi khám và chữa bệnh cho bệnh nhân. Đồng thời phải luôn rèn luyện, nghiên cứu, học hỏi để khắc phục những hạn chế, tìm ra cái mới, cứu chữa cho những trường hợp bệnh khó hơn…”. Quyết tâm này đã hỗ trợ anh rất lớn trong công việc; giúp anh giải quyết thành công những ca bệnh nan y tưởng chừng không thể cứu sống được.
Nhắc đến BS Nguyễn Tiến Dũng là các cán bộ, nhân viên Khoa Nhi, BV Bạch Mai nhớ đến trường hợp cháu bé mới 8 tháng tuổi bị suy hô hấp nặng. Thời điểm bấy giờ (1983-1984), trang thiết bị khám chữa bệnh vô cùng thiếu thốn, lạc hậu. Nhưng, để cứu sống cháu bé, trong điều kiện máy thở cho trẻ em không có, BS Dũng đã phải mày mò, nghĩ ra sáng kiến nối thêm dây máy để giảm áp lực cấp cứu cho bé. Sáng kiến khoa học của anh đã được lãnh đạo BV khen thưởng và đánh giá rất cao.
Không thể không nhắc tới trường hợp bệnh nhi được sinh khi mẹ bé nhiễm cúm A/H5N1, được cứu sống nhờ quyết định kịp thời trong điều trị của TS. Dũng. Đây cũng là trường hợp mắc cúm A/H5N1 đầu tiên trên thế giới được dùng Tamiflu khi vừa lọt lòng. Tiếp theo là ca thông tim thành công trên bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam (mới 2 ngày tuổi), do Khoa Nhi BV Bạch Mai phối hợp với Viện Tim mạch Quốc gia thực hiện và BS Dũng là một trong những BS trực tiếp chỉ đạo mổ cấp cứu ca bệnh này.
Gần đây nhất là thành công của BS Dũng khi cứu sống em bé chỉ vỏn vẹn chưa đầy 700 gr từ người mẹ bị suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết và đã ngừng thở… Cảm phục các BS, đặc biệt là BS Dũng – người đã chỉ đạo và trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật phức tạp này, đem đến niềm vui to lớn cho gia đình mình, cha bệnh nhi đã quyết định đặt tên con là Hoài Thương để mãi mãi nhớ về câu chuyện này…
Với mong muốn hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, TS. Nguyễn Tiến Dũng đã nghiên cứu và đưa ra ý tưởng về sự phối hợp giữa hai hệ thống Sản – Nhi, dựa trên hai chuyên khoa của BV. Và những phối hợp đồng điệu, nhuần nhuyễn và hợp lý giữa hai khoa này đã dẫn đến thành công vang dội. Đây cũng là cơ sở vững chắc trong sự thành công trong điều trị của những ca bệnh nan y, tưởng chừng khoa học đã bó tay thời gian gần đây.
Cũng từ ý tưởng khoa học, đầy ý nghĩa này, mô hình hệ thống Sản – Nhi đã được manh nha hình thành và sẽ được xây dựng trong phạm vi cả nước. Nó cũng là động lực thúc đẩy BS Dũng triển khai tiếp những ý tưởng và công việc khác...
Đoan Trang