Kỳ thú lễ hội búp bê hoa cúc

(PLO) - Ngày 9/9 hàng năm được biết đến là Hội “Choyo” hay Hội Cúc Hoa tại Nhật Bản. Lễ hội này bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng xem trọng số 9 của người Trung Quốc nhằm biểu thị cho con số may mắn, tức  ngày May mắn.
Những con búp bê khoác áo hoa tươi như các em bé đang nô đùa
Những con búp bê khoác áo hoa tươi như các em bé đang nô đùa

Hội Cúc Hoa

Ở Nhật Bản, có nhiều sự kiện truyền thống trong năm, một trong số đó là “Ngũ hội giao mùa”. Ở buổi ban đầu, 5 lễ hội này là cách mà dân gian tổ chức để ăn mừng đuổi tà ma quỷ quái ngay thời điểm chuyển giao các mùa. 

Sau đó các lễ hội trở thành những sự kiện chính thức dưới chính quyền quân sự phong kiến Tokugawa Shogunate vào thế kỷ 17. Ngũ hội giao mùa có thể kể là các lễ hội: “Hội cháo với 7 dược thảo mùa Xuân, ngày 7 tháng Giêng”, “Hội các cô gái, ngày 3 tháng 3”, “Hội các chàng trai, ngày 5 tháng 5”, “Hội sao, ngày 7 tháng 7”, “Hội Cúc Hoa, ngày 9 tháng 9”.

Cúc hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc, tuy nhiên, cúc hoa và hoa anh đào đều trở thành những loài hoa chính thức của người Nhật. Cúc hoa được người Nhật gọi là hoa Cát Tường, biểu thị cho sự trường thọ, thanh xuân bất tử, cũng được sử dụng làm dược thảo chữa bệnh.

Hoa cúc còn được cho là gắn kết với Hoàng gia Nhật, cánh hoa cúc được dùng làm hình tượng của Huy chương Nhật Bản. Hoàng gia Nhật thường tổ chức một bữa yến tiệc thịnh soạn chỉ để thưởng ngoạn hoa cúc nở rực rỡ vào đúng ngày Hội Cúc Hoa (Choyo).

Ngày này, các cuộc triển lãm búp bê hoa cúc cũng như các hội chợ hoa cúc diễn ra tưng bừng tại nhiều nơi trên đất Nhật.

Một kiệt tác tán hoa cúc tinh xảo
Một kiệt tác tán hoa cúc tinh xảo 

 Búp bê hoa cúc

Nghệ thuật thiết kế những con búp bê hình người hoặc hình thú xinh xắn bằng nguyên liệu từ chính hoa cúc đã có một lịch sử hết sức độc đáo. Nghệ thuật này đã đạt đến một trình độ thượng thừa vào cuối thời kỳ Minh Trị (1868-1912) tại khu phố Dangozaka của thủ đô Tokyo. 

Trong triển lãm búp bê hoa cúc Hirakata, một sự kiện hoa đầy ấn tượng tổ chức vào mùa Thu ở Nhật Bản kể từ năm 1910, các bậc thầy thủ công chế tác nên 50 con búp bê sống động như những bà mẹ nhân hậu, sắp đặt lên một sân khấu kịch nghệ truyền thống Nhật Bản. 

Vào đầu thế kỷ 20, công ty đường sắt Nhật Bản bắt đầu tài trợ kinh phí cho các lễ hội búp bê hoa cúc này. Vào năm 1974, hơn 850.000 du khách nô nức đổ về Tokyo để tận mắt chiêm ngưỡng những con búp bê hoa cúc Hirakata hết sức tinh xảo. 

Nhưng gần đây, số lượng người xem đã giảm chóng mặt bởi bậc thầy búp bê hoa cúc Toshiyuki Murase đã tạ thế từ năm 2000. Mặc dù thầy đã có công đào tạo nên một nhóm nhỏ các thợ học việc lành nghề, nhưng phần lớn họ không quan tâm nhiều lắm tới những chi tiết vi diệu trong nghề thủ công đòi hỏi sự chính xác và đắt tiền này. (50 con búp bê hoa cúc có giá thành chế tác xấp xỉ 100 triệu Yên!)

Năm 1999, một vài thợ thủ công Hirataka đã trình diễn tay nghề tết hoa cúc của họ tại Longwood Gardens (quần thể vườn cảnh lớn và ngoạn mục nhất nước Mỹ tại Philadelphia, Mỹ) và đại diện vườn cảnh này sau đó đã đăng bài trích dẫn về sự kiện này: 

“Trước khi rời Nhật Bản, các nghệ nhân đã làm sẵn những cái khung người bằng tre, thảm rơm và khuôn mặt búp bê bằng vật liệu composite sơn vẽ. Những bộ khung này đã được vận chuyển bằng tàu thủy tới Longwood, để khoác quần áo bằng hoa cúc sống nhằm mô tả nét quyến rũ, duyên dáng của nữ giới quý tộc triều đình Nhật vào thế kỷ thứ 6. 

Nhóm nghệ nhân Nhật sẽ “phù phép” cho những con ma-nơ-canh cứng ngắc thành những con búp bê làm từ hoa cúc sống với kích cỡ như người thật, trông rất sống động. 

Chính giữa bộ khung mỗi con búp bê sẽ là một khối xoắn làm từ rễ và thân cây cúc sống, chỉ để lại những bông hoa ở mặt ngoài khung, mang lại cho người xem một ấn tượng khó phai. 

Hàng ngày các nghệ nhân tưới nước và chăm sóc cầu kỳ nhằm kéo dài thời gian tươi lâu của các búp bê hoa. Sự thăng hoa và tàn úa của Kiku Ningyo (búp bê hoa cúc) phản ánh các mùa trong văn hóa nhân loại. 

Chân dung 3 con búp bê làm từ hoa cúc sống động như người thật
Chân dung 3 con búp bê làm từ hoa cúc sống động như người thật

Thứ nghệ thuật vô giá

Với Kiku ningyo, nghệ thuật búp bê làm từ hoa cúc sống đã thoát lên được phong cách sống của người Nhật. Việc thưởng lãm cảnh quan xinh đẹp, độc đáo và ban sơ trên đất nước Nhật Bản – một đất nước với những truyền thống văn hóa và lịch sử trải dài hàng ngàn năm- hầu như đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân. 

Trong văn hóa Nhật Bản, việc kết hợp kỹ thuật rối và vẻ đẹp kiêu kỳ của các loài hoa đã làm nên nghệ thuật toàn bích. Những đồn điền trồng hoa cúc đầu tiên xuất hiện trên đất Nhật cách đây không lâu; trước đó vào năm 1804, thủ đô Tokyo đã bắt đầu tạo tác những con búp bê như người thật gọi là Kiku-ningyo – búp bê hoa cúc sống, được “ăn bận” quần áo sang trọng làm từ hoa tươi  được trồng ngay trên đất. 

Việc chế tác những con búp bê này đòi hỏi một kỹ thuật thượng đẳng, sự kiên nhẫn của các nghệ nhân sau thời gian dài khổ công học nghệ và cố gắng rèn luyện kỹ năng từ thế hệ này sang thế hệ khác.   

Một con búp bê được gắn hoa cúc cầu kỳ
 Một con búp bê được gắn hoa cúc cầu kỳ 

Những cuộc triển lãm “búp bê hoa” được tổ chức tại thành phố Nihonmatsu gần Tokyo. Nihonmatsu là trung tâm hoa lớn nhất Nhật Bản, trồng hàng ngàn loài hoa cúc khác nhau với đủ hình dạng và kích thước, từ những bông cúc nhỏ xíu tới những cây cúc cao với đường kính hoa lên tới hơn 20cm! 

Những con búp bê kỳ vĩ được khoác những bộ cánh lộng lẫy với các gam màu tươi sáng và thanh thoát, mỗi năm thu hút nhiều hơn lượt khách tới tham quan. 

Kiku-shi sẽ tạo nên hình dạng “cơ thể” rối bằng các cây tre mềm được phủ ngoài bằng rơm. Tiếp đó là công đoạn thú vị nhất trong nghệ thuật làm búp bê. Để tạo nên những cái cây búp bê hoa cúc, người ta dùng rất nhiều các thân cành và hoa cúc nhỏ xếp đặt đan xen vào nhau hết sức tinh xảo, cầu kỳ. 

Những bông hoa càng già càng tốt vì chúng sẽ lưu giữ sự tươi mát và trẻ trung, được cắt khỏi thân gốc, rũ sạch đất cát, lá và đoạn gốc được bọc kỹ càng trong một thứ rêu ẩm ướt, gọi là Nemaki. Kế đến các cây cúc sẽ được đặt trong một bộ khung, hoa cúc được xếp sao cho phù hợp với khung, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Ruột những con búp bê được nhồi đầy rễ và thân cây, bao phủ ngoài bằng hàng trăm bông cúc tươi mơn mởn. Mỗi con búp bê có từ 100 đến 150 cây cúc gộp thành; các yếu tố khác như thắt lưng, khăn choàng làm bằng vải sẽ được thêm vào công đoạn trang trí sau cùng. 

Tất cả những tác phẩm nghệ thuật độc đáo sau đó được mang ra triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn. Con búp bê “sống” là nhờ công đoạn chăm sóc chu đáo sau khi đã được định hình khung: hoa phải luôn luôn có hơi nước bám vào, các cây khô héo sẽ được thay thế mới hàng ngày. 

Nghệ thuật làm búp bê bằng hoa cúc sống đã trở thành một ngành thủ công và nghệ thuật truyền thống đặc sắc và duy nhất của Nhật Bản. Thật không may, hiện chỉ còn rất ít bậc thầy thủ công là giữ những bí mật riêng về nghệ thuật chế tác búp bê hoa cúc. 

Nhưng nghệ thuật luôn sống mãi với thời gian, và cứ mỗi mùa thu đến, các nghệ nhân lại dâng hiến cho đời những kiệt tác bất hủ nhằm tôn vinh sắc đẹp của mùa thu…/. 

Đọc thêm