Kỳ thú vườn 'rồng xanh' trên đỉnh trời

(PLO) - Trên “đỉnh trời” thuộc xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), ngày qua ngày ông Nguyễn Văn Tám (53 tuổi) cần mẫn chăm sóc vườn cây thanh long ruột đỏ. Trải qua ba năm chăm sóc, hiện vườn thanh long của ông Tám đã cho những lứa quả đầu tiên, thu về cả tỷ đồng mỗi năm.
Quả thanh long ruột đỏ mà ông Tám đang trồng

Vườn thanh long ruột đỏ trên non cao

Được sự giới thiệu của bà con trong xã Thạch Tượng, chúng tôi quyết vượt lên đỉnh núi để khám phá mô hình trồng cây thanh long của gia đình ông Tám. Theo anh Nguyễn Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch xã Thạch Tượng, đường lên núi rất khó khăn, phải mất một giờ mới đến nơi, chủ yếu là dốc núi và đá hộc lởm chởm. 

Ngoài mía và keo, trên đỉnh đồi này chỉ có khu vườn thanh long của gia đình ông Tám tạo nên sự lôi cuốn đặc biệt. Anh Quỳnh, Phó Chủ tịch xã Thạch Tượng cho biết: “Ông Tám là một người có nghị lực, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ. Mặc dù đường đi lên đỉnh núi rất khó khăn nhưng ba năm qua, chúng tôi nhận thấy ông Tám đã có những nét đột phá trong quá trình trồng cây thanh long. Sản phẩm của ông Tám được khách hàng ở khắp mọi nơi rất ưa chuộng. Đặc biệt, ông Tám không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”. 

Để tiện cho việc trông coi và chăm sóc, ông Tám còn xây dựng một ngôi nhà nhỏ, chủ yếu dành cho lao động ở địa phương. Thấy có phóng viên đến thăm, ông Tám liền mời chúng tôi vào nhà. Qua tiếp chuyện, ông Tám tâm sự: “Lúc đầu việc đưa cây thanh long lên đỉnh núi vất vả lắm, sợ nhất là vào những hôm trời mưa. Thời gian đầu khi tôi đưa cây thanh long lên núi, nhiều người họ ngăn cản. Bà con ở đây cho rằng chất đất và khí hậu trong vùng này không phù hợp để trồng cây thanh long”. 

Trước khi trồng, ông Tám cũng đã nghiên cứu và theo dõi các chương trình làm giàu trên VTV2, tìm hiểu qua sách báo… Ông Tám còn đi một số nơi như Mộc Châu - Sơn La, Ba Vì - Hà Nội, Hòa Bình… Ông Tám cho rằng trên đỉnh núi có khí hậu lạnh, ban đêm mùa hè nhiệt độ xuống 8 đến 10 độ C, rất thích hợp cho cây ưa lạnh phát triển. Nghĩ là làm, ban đầu ông Tám chỉ trồng thử nghiệm 6.500 gốc, không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, cây thanh long đã cho quả và đạt năng suất cao. 

Làm giàu vững bền từ thanh long

Thời gian đầu, ông Tám và người em đã mua hơn 20ha đất chuyển đổi, quyết tâm làm giàu trên đồi. Ông Tám chia sẻ rằng: “Cũng bởi kinh doanh thất bát, gặp khó khăn, chủ yếu buôn bán phân bón và vật liệu xây dựng nên tôi mới có ý tưởng chuyển sang nông nghiệp. Năm 2013, tôi mới bắt đầu đổ vốn vào để thực hiện mô hình này”. 

Ông Tám nói thêm: “Đầu tiên chúng tôi phải đầu tư 200 triệu/1ha, từ khâu làm đất đến thuê nhân công. Trong 6ha trồng thử nghiệm, chúng tôi đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng. Giống thanh long được chúng tôi đặt mua ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Lúc đó không dám đặt nhiều, bởi nếu trồng hết thì phải 20 nghìn hom mới đủ. Ban đầu hai anh em chúng tôi chỉ trồng thử nghiệm 6ha, 6.500 trụ”.

Lứa quả đầu tiên, ông Tám thu về 1,2 tỷ đồng. Hiện tại vườn thanh long của ông Tám đang ra hoa, khả quan vụ quả tới sẽ cho năng suất cao hơn. Vụ quả vừa rồi đạt 120 tấn, khách hàng đặt mua tại vườn là 10 nghìn đồng/1kg. Việc trồng thanh long là siêu lợi nhuận, giá trị kinh tế và tuổi thọ của cây có thể lên đến 10, 20 năm. Chính vì chất đất và khí hậu lạnh nên sản phẩm thanh long của ông Tám được khách hàng đánh giá có chất lượng cao hơn sản phẩm tại các vựa quả khác trên địa bàn.

Đường đi vào vườn thanh long của gia đình ông Tám

Gian nan tìm giải pháp đưa thanh long xuống núi

Để thuận tiện cho việc tưới cây, ông Tám còn ngăn các mạch nước, đào ao, dùng máy bơm hút nước từ ao lên một cái bình chứa lớn. Từ bình chứa này, ông Tám lại sử dụng một hệ thống dẫn nước ngầm. Từ hệ thống nước ngầm, ống được đưa đi khắp trên các triền đồi. Với hệ thống dẫn nước này rất thuận tiện cho lao động tưới cây. 

Ông Tám cười rồi bảo: “Vụ thanh long vừa rồi, gia đình tôi rất vui vì khách hàng họ đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Lúc quả mới chín, chim chóc khắp nơi kéo về. Tuy nhiên, sau khi vườn thanh long chín rộ, đỏ lừ cả một góc trời, chim sợ đến nỗi không dám đến”. Chính vì quả đẹp nên các mối hàng của ông Tám họ đổ về rất đông, chủ yếu là khách ở Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Mộc Châu (Sơn La)… 

Do quả chín đẹp, đỏ nên ông Tám phải thuê lao động ở địa phương hái quả. Cũng may là có đông khách mua nên thanh long của ông Tám không bị hư hại, không ảnh hưởng đến chất lượng. Đặc biệt, gia đình không dùng thuốc bảo quản thực vật. Ông Tám luôn chú trong đến chất lượng, quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng.     

Cũng theo ông Tám, thời điểm trước khi trồng năm 2013, thanh long có giá là 50 nghìn/1kg, bán cất là 35 nghìn. Vào đầu năm nay, quả thanh long to và đẹp có giá là 18 nghìn/1kg, bây giờ thị trường xuống nên chỉ còn 16 nghìn đồng. Hiện giá bán tại vườn là 10 nghìn đồng/1kg, hiệu quả kinh tế vẫn cao gấp nhiều lần so với trồng mía. 

Ngoài thanh long, ông Tám còn trồng thêm 1000 gốc cam, vài hécta mía… Ông Tám cho rằng, nếu sau này có đường tốt, ông sẽ cho xây dựng trang trại chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn, kết hợp nuôi ong lấy mật, đồng thời thụ phấn cho hoa. Với ông Tám, không có việc gì khó chỉ sợ mình không có quyết tâm. Nếu mô hình này thành công, ông Tám sẽ đầu tư và nhân rộng quy mô cho bà con cùng làm. Sắp tới ông Tám đang có dự kiến sẽ mở rộng diện tích, tập trung trồng thanh long ruột tím. Hiện nay thanh long ruột tím đang chiếm được ưu thế trên thị trường nên rất dễ bán.  

Trao đổi với Phó Chủ tịch xã Thạch Tượng, anh Nguyễn Trọng Quỳnh cho biết: “Đây là thôn Tân Lập, có 98 hộ dân. Diện tích đất 02 chuyển đổi có 120ha tính từ đầu dốc vào đây. Do núi có độ nghiêng từ 17 đến 18 độ nên đường đi rất khó. Ở quanh đây chỉ có khoảng 10 chủ đất, chủ yếu là người ở Thạch Quảng vào mua đất. Để làm được mô hình kinh tế độc đáo này phải là người có tiền mới làm được. Ở đây chỉ có những người có tiềm năng về tài chính thì họ mới đủ tiềm lực để đầu tư”. 

Theo lời anh Quỳnh, tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn nhưng vì đường sá khó khăn nên bà con ở trong vùng không ai dám mạo hiểm. Nếu có các chương trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm thì sẽ đỡ hơn nhiều. Qua đây tôi cũng mong Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của bà con, nhất là việc phát triển kinh tế.

Việc những cá nhân dám nghĩ, dám làm, vượt lên chính mình để phát triển kinh tế cũng chính là động lực để thúc đẩy nền kinh tế nông thôn phát triển. Đặc biệt phải có những người đi đầu trong các mô hình phát triển kinh tế như ông Tám. Các cấp, ngành liên quan cần có chiến lược đầu tư bền vững cho người dân. Cần tạo điều kiện đầu tư đường cho bà con phát triển kinh tế, nhất là những vùng có tiềm năng như ở xã Thạch Tượng. Điều này sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, qua đó sẽ thúc đẩy mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế cho địa phương.

Đọc thêm