16 cuộc đời được hồi sinh
Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, trung bình một năm tại bệnh viện ghi nhận khoảng 1.000 bệnh nhân tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó có 5-6 bệnh nhân chết não/ngày nhưng mỗi năm chỉ có 4-5 trường hợp chết não hiến tặng mô tạng.
Điều đáng ngạc nhiên là chỉ trong gần 1 tháng (từ ngày 16/5 đến ngày 13/6/2018) đã có 4 người chết não hiến tặng mô tạng cho 16 bệnh nhân (gồm 8 quả thận, 4 lá gan, 4 quả tim), trong đó có 2 quả tim được vận chuyển từ Hà Nội vào BV Trung ương Huế để ghép cho 2 bệnh nhân. Hiện, 2/3 số bệnh nhân được ghép tạng đã xuất viện. “Đây là con số kỷ lục với chúng tôi khi có tới bốn người hiến tạng chết não chỉ trong chưa đầy một tháng. Tín hiệu trên cho thấy, quan niệm của người dân về việc hiến tạng hiện nay đã có sự thay đổi, họ đã nhận thấy nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng với cộng đồng”, GS Giang chia sẻ.
Là một trong 4 bệnh nhân được ghép gan từ nguồn hiến tạng của người chết não tại BV Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân Đỗ Hải T (65 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ bản thân cảm thấy rất hạnh phúc như được sống cuộc đời thứ hai để làm những gì mình chưa thực hiện.
“Bác sĩ thông báo tôi chỉ sống được bằng từng ngày, vì từ năm 2005, tôi được chẩn đoán viêm gan virus, bệnh nặng thêm dẫn tới xơ gan. Bởi vậy khi nhận được tin có người hiến gan, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng, hân hoan và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống. Trước khi mổ tôi như một ngọn đèn có thể tắt bất cứ lúc nào, người mệt mỏi, da vàng, chỉ nằm một chỗ, phải truyền máu để duy trì sự sống. Sau khi ghép tỉnh dậy tôi đã khóc, khóc vì mình được sống lại lần nữa. Tôi cảm thấy cơ thể của mình rất khác biệt, ba ngày sau ghép da và mắt không còn vàng”, bệnh nhân T tâm sự.
Cùng chung niềm vui, anh N.P.T, 40 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội, phát hiện mắc viêm gan virus B năm 2010, anh cũng kiên trì đi khám và dùng thuốc suốt 4 năm. Tuy nhiên do thấy sức khỏe tốt, không có biểu hiện gì, anh bỏ điều trị thuốc kháng virus, bệnh tiến triển nặng hơn. Bác sĩ chẩn đoán anh bị xơ gan giai đoạn 4, suy gan, chức năng gan hầu như không còn. Chia sẻ cảm xúc sau khi ca ghép thành công, người nhà bệnh nhân cho biết, gia đình cảm thấy quá hạnh phúc và may mắn vì hơn một tháng chờ đợi, anh T đã được ghép gan trong khi nhiều người mắc bệnh nan y như anh vẫn không có tạng để ghép.
Sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của hàng trăm bác sĩ
Chia sẻ thêm về việc ghép tạng, GS Trần Bình Giang cho biết: “Việc ghép tạng phải đạt yêu cầu cao nhất, đó là hòa hợp miễn dịch với người được ghép. Do đó, các bác sĩ cần tới sự hỗ trợ của Trung tâm điều phối về ghép tạng - nơi có các máy móc, các công cụ tính toán kết quả phù hợp nhất, bệnh nhân có khả năng ghép tạng thành công cao nhất để cứu chữa. Tuy vậy, vẫn có trường hợp khi tạng đến nơi, bệnh nhân không ghép được vì các lý do khác nhau. Do đó, chúng tôi phải tính toán chuẩn bị danh tính và địa chỉ bệnh nhân phù hợp tiếp theo để chuyển tạng đến đó ghép, tránh làm lãng phí nguồn tạng hiến. Thông thường, nếu có 1 quả tim ghép, chúng tôi sẽ chuẩn bị danh sách khoảng 2 bệnh nhân để phòng ngừa xảy ra các tình huống không thuận lợi”.
Theo GS Giang, vấn đề khó khăn lớn nhất của ngành ghép tạng hiện nay, là việc nguồn tạng hiến luôn khan hiếm. Số lượng người hiến, cho tạng hiện nay dù đã nhiều hơn trước nhưng so với nhu cầu vẫn còn rất rất ít. Đơn cử như tại BV Việt Đức, mỗi ngày có 4-6 bệnh nhân chết não do tai nạn giao thông nhưng gần chục năm qua, chỉ có 40 người chết não hiến tạng. Trong khi đó, 1 người chết não, nếu họ tình nguyện hiến tạng trước đó sẽ có thể cứu giúp được rất nhiều người khi họ có thể cho đi 2 quả thận, 2 lá gan, 2 lá phổi, 1 quả tim, 2 giác mạc, gân, cơ và van tim.
“Với ghép thận, ghép gan, có thể lấy từ người hiến sống nhưng chúng tôi không khuyến khích điều này. Mong muốn của chúng tôi vẫn là nhận tạng từ người hiến chết não. Y học đã chứng minh, khi chết não tức là bệnh nhân đã chết, không thể sống lại. Tại Việt Nam, quy trình đánh giá chết não rất chặt chẽ và trải qua nhiều khâu hơn so với nhiều nước trên thế giới”, GS Giang nhấn mạnh.
Với việc làm chủ kỹ thuật ghép tạng, GS Trần Bình Giang cho biết, 16 ca ghép tạng vừa qua đều thực hiện suôn sẻ, thời gian mổ rút ngắn hơn, việc truyền máu giống như các ca mổ thông thường, bệnh nhân hồi phục nhanh và đặc biệt là sự phối hợp giữa các đơn vị ngày càng nhịp nhàng hơn, hình thành mạng lưới đơn vị ghép tạng. Hầu như các ca mổ được rút ngắn thời gian truyền máu, một số ca ghép gan chỉ còn truyền 1- 2 đơn vị máu. Thời gian thở máy sau mổ rút ngắn còn 3- 4 giờ đồng hồ. Đặc biệt, bệnh nhân có thể xuất viện sớm, từ 10 ngày sau mổ, không cần nằm dài cả tháng như trước.
Có thể thấy, trình độ ghép tạng của nền y học Việt Nam hiện không thua kém so với thế giới. Thậm chí, tại BV Việt Đức có những ca hiến ghép tạng từ người cho chết não được triển khai khẩn cấp ngay trong đêm, bệnh viện đã tiến hành cùng lúc 5 bàn mổ lấy và ghép tạng, đồng thời huy động hơn 100 nhân viên y tế tham gia. Đối với 16 ca ghép kỷ lục trong một tháng qua, có ba ca tiến hành ghép cấp cứu, 2/4 số ca thực hiện vào ban đêm và 1/4 số ca thực hiện vào ngày nghỉ. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức điều phối, chia sẻ nguồn tạng cho những bệnh viện khác trên cả nước.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng BV Hữu nghị Việt Đức cho biết thêm, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau ghép tại BV Việt Đức tiệm cận với thế giới. Từ năm 2010 đến nay, đã có 40 bệnh nhân chết não hiến tạng tại BV Việt Đức. Đã có hàng trăm bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối đã được ghép tạng thành công từ người hiến chết não. So với thế giới, tỉ lệ sống sau ghép tạng của Việt Nam tương đương, thậm chí cao hơn. Đơn cử, tỷ lệ người ghép gan có thể sống từ sau 5 năm là 75% và sau 10 năm là 68%.