Ký ức kinh hoàng của thuyền viên lao xuống biển để thoát thân

Mặc dù đã ở nhà mình, nhưng những thuyền viên liều mình nhảy khỏi tàu cá bỏ trốn vẫn chưa hết giật mình mỗi khi nghĩ về những trận đòn roi trên thuyền như “nô lệ”. Họ không dám nghĩ đến chuyện đi xuất khẩu lao động lần nữa...

Mặc dù đã ở nhà mình, nhưng những thuyền viên liều mình nhảy khỏi tàu cá bỏ trốn vẫn chưa hết giật mình mỗi khi nghĩ về những trận đòn roi trên thuyền như “nô lệ”. Họ không dám nghĩ đến chuyện đi xuất khẩu lao động lần nữa...

Trần Văn Dũng chưa hết bàng hoàng về giây phút quyết định nhảy xuống biển
Trần Văn Dũng chưa hết bàng hoàng về giây phút quyết định nhảy xuống biển

Ký ức kinh hoàng

Trần Văn Dũng (SN 1991) sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm 5, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Từ bé đã quen với biển, học hết lớp 9 Dũng đã phải theo cha lênh đênh trên biển cả mưu sinh. Nghề sông nước cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình, không có tiền tích cóp. Cuối năm 2012, thấy bạn bè đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đài Loan (Trung Quốc) gửi được tiền về cho gia đình, Dũng bàn với gia đình xin đi XKLĐ với mong muốn có vốn để làm ăn sau này.

Nộp hồ sơ với chi phí 17 triệu đồng, Dũng được đưa đến làm việc tại một tàu đánh bắt cá của Đài Loan thời hạn 2 năm, mức lương 400 USD/tháng. Theo thỏa thuận, 50 USD được chủ tàu giữ lại làm tiền ăn, còn 350 USD sẽ được gửi về cho gia đình. Mừng rỡ vì số tiền tuy không nhiều nhưng nếu ở quê cũng chẳng làm ra, Dũng hồ hởi bắt tay vào công việc. Tuy nhiên, từ khi lên tàu anh mới biết được những điều kiện làm việc không đúng với điều khoản của hợp đồng. Mỗi ngày phải làm việc 18 tiếng đồng hồ, thường xuyên bị thuyền trưởng và máy trưởng đánh đập và chửi mắng.

“Khi mới bắt đầu lên tàu, em cũng mừng lắm vì được làm công việc như nghề ở quê mình làm nên không bỡ ngỡ, nhưng lại được phân công ngồi đan giàn câu từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới được nghỉ. Tháng thứ 2 em cùng mọi người được phân công đánh bắt cá cả đêm, ngoài giờ ăn vào các buổi thì mỗi người chỉ được nghỉ ngơi tắm, rửa, ngủ… 5 tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể khi giàn câu bị đứt thì không ai được ngủ nữa”, Dũng kể.

Theo Dũng, trên tàu có 10 người Việt Nam trong tổng số 20 người, 8 thuyền viên là người Indonesia, 2 thuyền viên là người Philippines. Tất cả làm việc giới sự chỉ đạo của 1 thuyền trưởng và 1 máy trưởng người Đài Loan. Các thuyền viên chỉ được ngủ từ 12h cho đến khoảng gần 18h là phải dậy ăn tối và… đánh cá.

“Ăn xong là mọi người tranh thủ ngủ ngay, làm việc suốt đêm nên ai cũng đã quá mệt, nên dễ ngủ lắm. Mỗi ngày làm quần quật 18 tiếng đúng là không còn đủ sức nữa, nhưng lên tàu rồi nên anh em cũng bảo nhau cố gắng làm việc”, Dũng kể.

Ngoài ra, theo Dũng, các thuyền viên trên tàu còn thường xuyên bị thuyền trưởng và máy trưởng người Đài Loan đánh đập tàn nhẫn bằng những vật dụng bằng sắt cứng gây tổn thương. Dũng cho biết thêm: “Những thuyền viên bị đánh liên tục, mà không biết vì lý do gì. Đặc biệt là những lúc lỡ làm sai việc được giao chúng em bị đánh nặng nhất”.

“Vượt ngục” trốn sự tra tấn phó mặc vận may

“Khi đó em và mọi người làm việc được khoảng 3 tháng, một lần em không biết làm gì đó trái ý với thuyền trưởng nên bị ông ấy đánh hộc máu mồm và chảy máu mũi rất nhiều. Một lần có một người Indonesia bị thuyền trưởng và máy trưởng dùng búa và ka-lê đánh gần bị thương khắp mặt mũi và cơ thể…”, Dũng kể.

Không thể chịu nổi cuộc sống cùng cực trên con tàu “địa ngục” đó, Dũng cùng 3 thuyền viên người Việt bàn kế hoạch “vượt ngục”, khi con tàu chuẩn bị cập cảng đảo Tahiti vào ngày 3/8. Nhân lúc thuyền trưởng, máy trưởng sơ ý, 4 thuyền viên đã nhảy xuống biển để trốn khi con tàu cách bờ hơn 4 hải lý.

Trong lúc lao xuống biển tìm cách thoát thân, 4 thuyền viên chỉ kịp mang theo 2 chiếc áo phao, may mắn là những người làm nghề sông nước nên mới bơi và chống chịu được với cái đói và cái rét giữa biển khơi. Sau hơn 2 giờ lênh đênh gần như tuyệt vọng, được 4 thuyền viên gặp được Đội tuần tra của Cảnh sát biển cứu giúp, họ mới biết mình còn sống.

Dũng nhớ lại: “Trước hai khi tàu chuẩn bị cập cảng, bọn em bàn ở lại làm việc tiếp cũng chết, mà nhảy xuống biển cũng chết, nên 4 anh em liều mình nhảy xuống tìm một vận may đến với mình mà không dám chắc là mình có thể thoát chết”. Gieo mình xuống biển khơi Dũng cũng như những người khác đều không diám nghĩ ngày trở về quê hương.

Bà Trần Thị Ngọc – mẹ Dũng xót xa khi nghe tin con bị đánh đập trên tàu: “Ở nhà hắn ngoan ngoãn lắm, có nghịch thì cũng chỉ nhắc nó vài câu là nó nghe thôi chứ không dùng đòn roi. Rứa mà qua đó bị người ta đánh đập, nếu biết trước thì tui không cho hắn đi rồi, khổ cũng được nhưng thấy con mình bị đánh mẹ mô mà không xót…”.

Sau khi được cảnh sát biển cứu 4 thuyền viên được Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) liên hệ đưa về nước. Sau mấy ngày trốn thoát và được cứu sống đưa về nhà, sức khỏe Dũng đã bình phục, nhưng những ký ức của những ngày sống như “nô lệ” trên tàu thì có lẽ không bao giờ quên.

Cùng bỏ trốn với Dũng còn 3 thuyền viên người Việt khác: một người quê ở Qùy Châu (Nghệ An), một thuyền viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), một người ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Ngô Toàn

Đọc thêm