Theo đó, đến 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước “có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới” với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Trong buổi công bố, một số ý kiến của cán bộ ngành nông nghiệp khá thú vị, như phải có những đột phá trong chính sách liên quan đến đất đai, hình thành các trung tâm giao dịch đất nông nghiệp để đẩy mạnh tập trung đất đai. Đất nông nghiệp không sử dụng được đưa lên hệ thống, DN nào cần, trung tâm sẽ kết nối cho DN và nông dân gặp nhau.
Cũng có những ý kiến khiến dư luận băn khoăn, như hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu, vùng xa; việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản và lâm nghiệp; hạ tầng thương mại như xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics như cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh... Băn khoăn vì đây là những dự án tầm cỡ vĩ mô, tiền đâu làm, đến khi nào mới bắt tay vào làm, mới xong?
Ngành nông nghiệp cũng cho biết sẽ hình thành hệ thống các DN đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác; phát triển hệ sinh thái ngành hàng, trong đó DN đầu tàu đảm bảo vai trò hạt nhân, phát triển hợp tác xã với chuỗi giá trị, đồng thời đổi mới, nâng cao vai trò của hội, hiệp hội… Đó cũng là việc khó không kém chuyện đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp.
Tại cuộc họp báo, một lãnh đạo ngành nông nghiệp một lần nữa nhấn mạnh những vấn đề như “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường; hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người”... Về lý thuyết và xu thế thế giới, những phát biểu đó không sai, nhưng đã nói nhiều lần, còn thực tế chưa được như kỳ vọng.
Không thể phủ nhận những đóng góp, cố gắng của ngành nông nghiệp trong những năm qua. Nhưng khi cả thế giới lao đao vì đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng. Nhiều năm qua, bất chấp những biến động thị trường, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển.
Thế nhưng vẫn còn đó tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, ở một số vựa rau của cả nước, cứ đến mùa phun thuốc là những cánh đồng lại mù mịt. Còn đó tình trạng nông dân trồng rau hai luống, một để bán, một dành riêng nhà ăn. Còn đó tình trạng nông sản Việt bị ngay chính người tiêu dùng trong nước e ngại nên nhiều người vẫn tìm đến nông sản ngoại. Còn đó tình trạng nhiều nước trên thế giới áp dụng những tiêu chuẩn kiểm tra khắt khe với nông sản Việt…
Vì thế, để “Việt Nam trở thành một trong những nước “có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới” với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường”, thì đường còn xa, còn vô số việc phải làm; và ngành nông nghiệp cần có những hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn, thậm chí cầm tay chỉ việc với từng hộ nông dân; chứ không chỉ là những kế hoạch chung chung với những sáo ngữ ồn ào.