Nhà nước không quản lý pháp nhân doanh nghiệp
Dự thảo Luật đã được đưa ra lấy ý kiến các Bộ, ngành cũng như đối tượng doanh nghiệp (DN) chịu điều chỉnh của Luật này. Tại các cuộc góp ý, lấy ý kiến, hầu hết đại diện các DN đều cho rằng, dự thảo Luật cần phải xác định rõ khái niệm vốn nhà nước để DN có thể có được những quyết định trong phần trách nhiệm và phần vốn của mình; Đồng thời, phân định rõ ràng, vốn nhà nước chỉ nên được đề cập ở DN cấp 1 (DN trực tiếp), không nên còn tồn tại vốn nhà nước ở DN cấp 2 (tức là các DN được đầu tư bởi DN cấp 1) để bảo đảm có sự công bằng cũng như cạnh tranh với các đối tượng DN khác.
Tiếp thu các góp ý này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật mới nhất được đánh giá là mang tính “đột phá” so với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN trước đây. Trong đó, có nhiều quan điểm mới mang tính “cởi trói” cho DN có vốn đầu tư nhà nước, được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy hiệu quả đầu tư và tạo cơ chế thông thoáng cho DN nhà nước (DNNN) phát triển.
Cụ thể, dự thảo Luật đã quy định quản lý vốn nhà nước tại DN theo hướng mới hoàn toàn là nhà nước chỉ quy định thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng phần vốn góp của nhà nước tại DN (theo dòng vốn đầu tư phù hợp với thẩm quyền của tỷ lệ sở hữu vốn góp tại DN) với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác, không quản lý trực tiếp pháp nhân DN, để DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường và các quy định của pháp luật DN như các loại hình DN khác.
“Đây là nội dung căn bản và đổi mới toàn diện về phương thức, cách thức cũng như cách đặt vấn đề tại hồ sơ dự thảo Luật, bảo đảm theo thông lệ quản trị quốc tế” - đại diện Bộ Tài chính nhận định.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, việc xác định nhà nước với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác (theo dòng vốn đầu tư phù hợp với thẩm quyền của tỷ lệ sở hữu vốn góp tại DN) sẽ tạo điều kiện để DN chủ động trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh như các DN thuộc mọi thành phần kinh tế khác; DN được chủ động hơn trong việc ra quyết định kinh doanh khi nhà nước chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư thay vì can thiệp sâu vào hoạt động điều hành; Giảm sự phụ thuộc vào cơ quan quản lý trong các quyết định hàng ngày; DN có thể linh hoạt hơn, chủ động hơn trong việc huy động và sử dụng vốn; tạo điều kiện bình đẳng hơn khi cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, DN sẽ tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN theo đúng chiến lược, kế hoạch và mục tiêu được giao; Ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hiệu quả kinh doanh và việc sử dụng vốn đầu tư, vì vậy tăng cường động lực để đổi mới và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Vốn nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp
Trong cuộc thảo luận ở tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tại Kỳ họp thứ 8, Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, sửa đổi luật cần tính đến cơ chế đánh giá tổng thể mục tiêu đạt được của DNNN, không đi sâu vào các hành vi cụ thể của DNNN, cần có các quy định đủ thông thoáng, đủ tin tưởng vào đội ngũ doanh nhân vì sự phát triển chung của đất nước.
Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với các nguyên tắc nêu trong dự thảo luật, nhưng cần bổ sung làm rõ các nguyên tắc “tiền vốn nhà nước đã đầu tư cho DN phải trở thành vốn của DN” (nếu quy định vốn của nhà nước thì phải quản lý theo Luật Ngân sách); Đồng thời bổ sung quy định nhà nước trở thành người sở hữu cổ phần tương ứng với tỷ lệ vốn góp. Cùng với đó, cần phân định rõ quản lý vốn nhà nước như thế nào, tránh tình trạng can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN. Theo đó, phân định rõ quản lý hoạt động đầu tư tiền của nhà nước vào DN có quyền có thoái vốn, tái cấu trúc vào DN khác hay không; tiền vốn của nhà nước dùng vào mục đích nào, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ra sao?
Về quy định quyền quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh, một số đại biểu cho rằng, nhà nước chỉ quyết định chiến lược và đề ra một số chỉ tiêu cụ thể cần đạt được như chỉ tiêu về lợi nhuận, chỉ tiêu bảo toàn vốn, chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ định hướng nhà nước. Còn kế hoạch sản xuất kinh doanh - hành động để thực hiện chiến lược phải do DN tự quyết định. Tuy vậy, dự thảo luật vẫn quy định nhà nước quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.