Cơ hội từ nguồn năng lượng miễn phí
“Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng gió lớn - thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Có nhiều lý do để chúng ta xem sự giàu có về loại năng lượng độc lập, ổn định, cạnh tranh và sạch này là tín hiệu tích cực:…”- ông Chris Beaufait - Chủ tịch Vestas Châu Á-Thái Bình Dương khẳng định.
Theo ông Chris Beaufait, với một nền kinh tế năng động và tăng trưởng liên tục, nhu cầu điện của Việt Nam hiện nay tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 10% mỗi năm, trong khi điện gió không đòi hỏi nhiều thời gian lắp đặt và xây dựng. Với khả năng nhanh chóng thi công và đưa vào khai thác, điện gió có thể giúp Việt Nam bắt kịp tốc độ tăng trưởng nhanh nhu cầu điện lực trong cả ngắn và dài hạn.
Đại diện đến từ Vestas cũng khẳng định. gió là nguồn năng lượng miễn phí giúp Việt Nam đảm bảo tốt hơn vấn đề an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá và khí quốc tế. Mặt khác, điện gió có thể giúp loại bỏ một số thách thức mà thủy điện gặp phải liên quan đến hiện tượng thay đổi khí hậu theo mùa. Điện gió không bị chi phối bởi các yếu tố đầu vào như nguồn nước hay hiện tượng hạn hán và giúp cân bằng sản xuất điện phục vụ tăng trưởng công nghiệp và giúp bảo tồn nguồn nước phục vụ các nhu cầu nông nghiệp.
Đặc biệt, gió tạo ra nguồn điện tái tạo và không phát thải khí các-bon, qua đó giúp Việt Nam đảm bảo và duy trì tương lai tăng trưởng bền vững và thực hiện những cam kết mà Việt Nam đã đưa ra khi thông qua Hiệp định Paris - văn bản có hiệu lực trên toàn cầu kể từ ngày 31/10/2016.
Được biết, trong nhiều thập kỷ qua, Đan Mạch đã duy trì được đà tăng trưởng kinh tế mà không tăng tiêu thụ năng lượng trong khi vẫn cắt giảm được lượng phát thải khí C02. Qua đó, Đan Mạch đã trở thành điển hình kết hợp song song giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội trên nền tảng một nền kinh tế xanh.
Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Charlotte Laursen, những chính sách và chiến lược mà Đan Mạch xây dựng và triển khai đều hỗ trợ lĩnh vực phát triển này và những thành quả đã đạt được là vô cùng ấn tượng.
“Trong nhiều năm qua Việt Nam và Đan Mạch đã và đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Phát triển của Danida. Và mặc dù nhiều chương trình của Danida tại Việt Nam đang bị tạm dừng nhưng chúng tôi vẫn có thể hỗ trợ các dự án năng lượng gió trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ vốn kinh doanh của Danida thông qua các khoản vay ưu đãi. Chúng tôi vẫn sẽ là đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững”- Đại sứ Charlotte Laursen khẳng định.
Khai phá tiềm năng
Năm 2016, nhà máy điện gió đầu tiên do Vestas thực hiện tại Việt Nam- Nhà máy điện gió Phú Lạc 1 đã hoàn tất thi công. Dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và sử dụng 12 tua bin gió mẫu Vestas V100-2MW.
“Trong quá trình phát triển và thi công dự án, Vestas đã hợp tác chặt chẽ trong vai trò đối tác với EVN TBW (chủ đầu tư dự án) và Hydrochina (nhà thầu EPC) để giúp Việt Nam xây dựng thành công nhà máy điện gió công suất 24 MW cung cấp nguồn điện sạch, độc lập và ổn định cho người dân địa phương. Với vai trò là đơn vị khai thác dịch vụ, Vestas sẽ đảm bảo hoạt động của nhà máy điện trong nhiều năm tới thông qua nhóm dịch vụ trong nước của chúng tôi…”- đại diện Vestas khẳng định.
Nhà máy điện gió thứ hai, nhà máy điện Hương Linh 2 có công suất 30MW đang được thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017. Đây là dự án đầu tiên trong lĩnh vực điện gió giữa DN đóng vai trò là khách hàng và đối tác của Vestas: TCty Tân Hoàn Cầu - DN đã đặt hàng 15 tua bin gió mẫu V100-2.0 MV với Vestas vào đầu năm nay và điều quan trọng là DN này đã xem năng lực chuyên môn về công nghệ và bề dày thành tích của Vestas là yếu tố quyết định trong việc ký kết đơn hàng.
“Vestas tin tưởng rằng hai dự án Phú Lạc và Hương Linh 2 có thể trở thành những điển hình tiêu biểu nhất giúp Chính phủ, các đơn vị tài trợ vốn, các đơn vị phát triển, nhà cung ứng và nhà thầu thay đổi cách nhìn về hoạt động phát triển điện gió tại Việt Nam, qua đó tạo cơ sở cho việc hiện thực hóa hoàn toàn tiềm năng điện gió của Việt Nam...”- ông Chris Beaufait - Chủ tịch Vestas châu Á-Thái Bình Dương khẳng định.
Theo các chuyên gia đến từ Đan Mạch, mặc dù điện gió có một tương lai rất sáng sủa cũng với các yếu tố động lực thị trường rất tích cực đã xuất hiện từ lâu nhưng cho tới hiện tại ở Việt Nam chỉ có 158 MW điện gió được đưa vào khai thác. “Đương nhiên, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức trong quá trình xây dựng một ngành điện gió phát triển đầy đủ và những thách thức này cần phải được nhận diện và giải quyết. Với vai trò là DN tiên phong và đầu tàu trong lĩnh vực điện gió, Vestas cam kết giúp Việt Nam khai thác hết tiềm năng điện gió của mình…”- đại diện Vestas cam kết.
Đây chính là lý do DN đến từ Đan Mạch này quyết định thành lập một pháp nhân mang tên Vesta Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội và ủng hộ dự án thành lập Hiệp hội Điện gió Quốc gia do Hội đồng Điện gió Toàn cầu triển khai. “Từ thực tiễn vai trò của các Hiệp hội Điện gió Quốc gia tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, Vestas tin tưởng rằng việc thành lập Hiệp hội Điện gió Quốc gia độc lập và tự chủ về tài chính sẽ giúp phát triển tri thức và năng lực, chia sẻ những thực tiễn tốt nhất trên thế giới và đóng vai trò là diễn đàn đối thoại giữa chính phủ và các DN trong ngành…”- Chủ tịch Vestas châu Á-Thái Bình Dương khẳng định.
Được biết, Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam năm 2011 đã đề ra mục tiêu đưa tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện toàn quốc lên 7% vào năm 2020 và 10% vào năm 2030 không bao gồm thủy điện. Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Charlotte Laursen, gió đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu này. “Việt Nam may mắn được thiên nhiên ưu đãi khi sở hữu tài nguyên gió dồi dào nhất khu vực. Tôi tin tưởng rằng Đan Mạch đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc hiện thực hóa, thậm chí là vượt xa cả các mục tiêu đã đề ra”- Đại sứ khẳng định.
Ngành điện gió của Đan Mạch hiện nay có sự tham gia hoạt động của hơn 350 DN và đã tạo việc làm cho hơn 30.000 người. Các DN hoạt động trong ngành năng lượng gió trên thế giới đã dịch chuyển các đơn vị nghiên cứu và phát triển quan trọng tới Đan Mạch và không quốc gia nào trên thế giới có thể bắt kịp Đan Mạch về mức độ tập trung của các DN hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị điện gió ..