Lại lên đường theo tiếng gọi tháng 7 tri ân

(PLVN) - Xuyên qua cát trắng, gió Lào của “đất lửa” miền Trung trong cái nắng tháng 7 như thiêu đốt, Báo PLVN đã thực hiện chương trình Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn - Tri ân tháng 7 miền Trung với hành trình dài thăm viếng các nghĩa trang, di tích, những tọa độ lửa và trao đến tận tay các hoàn cảnh nghèo khó những món quà sâu nặng ân tình sẻ chia…
Lại lên đường theo tiếng gọi tháng 7 tri ân

Đến hẹn lại lên, mùa Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn – Tri ân tháng 7 miền Trung năm 2020 này là mùa thứ 14 liên tiếp đã được Báo PLVN thực hiện thành công trọn vẹn. Càng rạo rực  tự hào và nhiều xúc cảm hơn, chuyến “về nguồn” lần này lại đúng vào dịp Báo PLVN kỷ niệm 35 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (10/7/1985 – 10/7/2020) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất (lần thứ 2)…

Năm nay, Đoàn công tác Tri ân – thiện nguyện hướng về miền Trung của PLVN do TS. Đào Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập dẫn đầu cùng Phó Tổng Biên tập, Phó Bí thư Đảng ủy Trần Đức Vinh và gần 60 cán bộ, phóng viên nhiều thế hệ đã vượt qua hàng trăm cây số với các điểm đến tri ân như Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia (NTLSQG) Đường 9, NTLSQG Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị… Song song với hành trình tri ân là chương trình thiện nguyện hướng về những mảnh đời khốn khó.

Tri ân những “địa chỉ đỏ”

Khởi hành từ thủ đô Hà Nội vào tinh mơ sớm 12/7, Đoàn công tác Tri ân – thiện nguyện của PLVN đã bắt đầu hành trình tri ân với quãng đường bộ xa xôi với tâm thế tự hào, rạo rực hướng thẳng về miền Trung ruột thịt.

Điểm đến đầu tiên trong hành trình bồi đắp tâm hồn của Đoàn chúng tôi là Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Những năm chống Mỹ cứu nước, đây là “yết hầu” quan trọng nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Đúng vào giai đoạn này cách đây 52 năm, 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội Võ Thị Tần thuộc C552, Tổng đội TNXP 55 đã anh dũng hi sinh trong lúc đào lấp hố bom thông đường.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh, sự hy sinh anh dũng và cuộc sống, chiến đấu của 10 nữ liệt sỹ cùng lực lượng thanh niên xung phong và quân đội, công an, cán bộ giao thông... ở ngã ba Đồng Lộc vẫn mãi trường tồn, bất tử, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Tại đây, TS. Đào Văn Hội đã dẫn đầu Đoàn công tác dâng lên trước linh hồn của 10 nữ liệt sỹ bất diệt với thời gian những nén tâm hương, những đóa hoa cúc, hoa huệ trắng thơm ngát tinh khôi. Sau phút mặc niệm, giọng đọc vang lên: “Buổi sáng ngày 24/7/1968, các chị nhận lệnh lấp hố bom gấp, sau nhiều lần tránh được bom địch phá hoại khu vực Ngã ba Đồng Lộc, một quả bom rơi ngay trước nơi các chị đang làm nhiệm vụ. Cả mười người nằm lặng dưới lớp bụi đất, không một ai đứng dậy”. Nhiều người trong đoàn đã không cầm được lòng mình.

Nhân dịp này, Tổng Biên tập Đào Văn Hội và Phó Tổng Biên tập Trần Đức Vinh đã trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và trao tặng một chiếc máy chiếu cho Ban Quản lý khu di tích này để phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu. Thay mặt Đoàn công tác, ông Trần Đức Vinh bày tỏ niềm ngưỡng vọng, tự hào khi được về dâng hương tại “địa chỉ đỏ” này.

Xúc động trước tình cảm suốt 14 năm qua của Báo PLVN, ông Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc gửi lời cảm ơn trân trọng đối với tình cảm, nghĩa cử cao đẹp của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo PLVN. Ông hy vọng Báo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp để cùng góp phần vào công tác giáo dục chính trị, truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ mai sau.

Sáng ngày 13/7, điểm tiếp theo của Đoàn là Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vùng đất thiêng Vũng Chùa – Đảo Yến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Nắng nhuộm vàng rực miền đất “chang chang cồn cát nắng trưa” Quảng Bình, tiết trời nơi đất thiêng Vũng Chùa – Đảo Yến càng đẹp đến diệu kỳ. Trời rộng quang mây, biển Vũng Chùa bao đời nay vẫn thế… Nước từ đại dương xanh ngắt hắt từng con sóng nhỏ yên bình nhè nhẹ nối nhau vào bờ, nắng tháng 7 tỏa rạng lên Khu mộ Vị tướng huyền thoại - Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từng thành viên trong Đoàn nối hàng bước chậm từng bước lên nơi Đại tướng yên nghỉ để dâng lẵng hoa trang trọng, kính cẩn nghiêng mình thắp hương báo công trước anh linh người. Buổi dâng hương, dâng hoa của Đoàn đã diễn ra ấm áp, trang trọng như thế, bằng chính tấm lòng ngưỡng vọng hết mực của tập thể lãnh đạo, cán bộ và phóng viên PLVN với người con ưu tú nhất của quê hương Quảng Bình.

Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ thần thánh của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt, tên tuổi người gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) - những dấu son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc Việt. Sau khi trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng tại thủ đô Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về với đất mẹ Quảng Bình thương yêu - nơi chôn nhau cắt rốn - một cuộc trở về, cuối cùng và mãi mãi...

Đất thiêng Quảng Trị

Rời đất thiêng Vũng Chùa, Đoàn công tác của PLVN chọn theo lộ mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, vượt qua chặng đường dài xuyên qua những cánh rừng rậm Trường Sơn thăm thẳm, chợt nắng chợt mưa để đến với “đất lửa” Quảng Trị anh hùng.

Trò chuyện với nhau trên xe trong hành trình về Quảng Trị, nhóm phóng viên trẻ chúng tôi khẳng định với nhau rằng: Mảnh đất này có rất nhiều “đặc sản”, nhưng nổi tiếng nhất và để cả nước phải đau đáu nhớ về là… nghĩa trang và mộ liệt sĩ.

Bởi trên thế gian, hẳn sẽ chẳng có nơi đâu như Quảng Trị! Mảnh đất eo hẹp nằm vắt giữa miền Trung chưa đầy 5 ngàn cây số vuông lại là nơi nằm lại trong lòng đất mẹ của gần 70 nghìn liệt sĩ đã ngã xuống sau những cuộc chiến vệ quốc trường kỳ. Các anh về nằm lại, yên nghỉ vĩnh hằng trong ấm áp tình đồng chí, đồng bào ở 72 nghĩa trang từ cấp xã, huyện đến cấp quốc gia.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ thần thánh của dân tộc, Quảng Trị luôn là một trong những địa bàn chiến lược, khốc liệt nhất. Và hôm nay, sau  45 năm đất nước đã im tiếng súng bom, nhưng chưa một ai khẳng định được, đâu là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cuối cùng nơi chiến trường này…

Những ngày tháng 7 lịch sử này, đất và người Quảng Trị như dang rộng lòng ra để đón những đoàn khách, cựu chiến binh và thanh niên trở về tri ân. Có ánh hồng rực rỡ của ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa trong khói hương thiêng liêng ở khắp các nghĩa trang. Những dòng sông lung linh bởi triệu đóa hoa đăng xuôi dòng dâng lên những linh hồn bất diệt với thời gian...

Xế trưa 13/7, mặc cho trời Quảng Trị nắng như đổ lửa, Tổng Biên tập Đào Văn Hội vẫn dẫn đầu Đoàn công tác PLVN hòa cùng dòng người tri ân đi thăm viếng, dâng hương, dâng hoa các nghĩa trang, di tích và tỏ lòng ngưỡng vọng đến các thế hệ cha anh đã ngã xuống cho đất nước nở hoa.

NTLSQG Trường Sơn tọa lạc trên vùng một đồi núi đẹp ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Đây là chốn yên nghỉ của hơn 10 vạn anh hùng liệt sĩ trong 10 khu vực chính với tổng diện tích mộ rộng 23.000m2. Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông - đường chiến lược huyết mạch giải phóng miền Nam.

Tháng 7 năm nào cũng thế, NTLSQG Trường Sơn đông nghịt người. Huyền sử Trường Sơn gắn liền với câu chuyện xây dựng nghĩa trang này với những mối lương duyên; chuyện các quản trang vẫn nghe rõ mồn một giọng hát của các TNXP, rồi tiếng điều lệnh hành quân mỗi đêm khuya vắng; cây bồ đề tự nhiên mọc như dang tay ôm lấy, chở che tượng đài chính ở trung tâm nghĩa trang; câu chuyện về mạch nước ngầm trong khu hồ vọng cảnh dù nằm trên đồi cao và có năm thời hạn hán đến đỉnh điểm, vẫn không bao giờ vơi cạn…

 Những câu chuyện lạ kỳ đến khó tin mà nếu ai muốn xác thực, hãy tìm những người quản trang nơi này – có vài người từng là cựu chiến binh chiến đấu trên Trường Sơn Đông này. Họ sẵn sàng ngồi cả ngày để kể và nói rằng, đó là phúc âm trời ban cho hơn 1 vạn anh linh các liệt sĩ yên nghỉ nơi đây.

Rời Trường Sơn, đoàn chúng tôi lên NTLSQG Đường 9 ở một dải đất cao nơi phía Tây TP Đông Hà. Đây là một trong 2 nghĩa trang lớn nhất cả nước, cũng là nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ, các anh chị hy sinh chủ yếu trên các chiến trường Tây Trường Sơn Quảng Trị và Đường 9 – Nam Lào.

Sau khi dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại khu tưởng niệm trung tâm của nghĩa trang này, chúng tôi tỏa đi đến từng mộ phần, dâng những nén tâm hương. Giữa bạt ngàn cây, bạt ngàn mộ, bạt ngàn hoa, bạt ngàn hương khói tỏa mờ, Tổng Biên tập Đào Văn Hội hướng dẫn những phóng viên trẻ của Báo về một mộ phần đặc biệt, có kích cỡ lớn nhất trong nghĩa trang này nằm ở phía Đông.

Đó là mộ phần chung của một tiểu đội giữ Cứ điểm 241 Tân Lâm (thuộc huyện Cam Lộ). Trong trận chiến cuối cùng ấy, họ quyết không rời hầm chiến đấu để giữ cứ điểm. Một quả bom dội trên nóc hầm, họ nằm xuống bên nhau dưới đống đổ nát. Hài cốt của họ hòa lẫn vào nhau và lực lượng cất bốc đã không thể phân biệt để tách rời họ được…

Điểm đến tri ân cuối cùng của chúng tôi trong chiều 13/7 là Thành cổ Quảng Trị - nằm dung dị bên dòng sông Thạch Hãn êm đềm. Thành cổ ban đầu được đắp bằng đất. Đến năm 1827, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch.

Nhưng nhắc nhớ tên Thành cổ Quảng Trị một cách dội vang hơn cả là trận chiến 81 ngày đêm giữa lực lượng của quân dân ta với quân Mỹ - ngụy Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực. Sau 81 ngày đêm mùa hè rực lửa 1972, Mỹ - ngụy đã trút xuống mảnh đất thị xã Quảng Trị nhỏ bé này 328.000 tấn bom, đạn (bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống 2 thành phố lớn của Nhật Bản 1945). Để giữ từng tất đất thiêng Thành cổ, hàng ngàn chiến sĩ của ta đã ngã xuống, hầu hết đang trong độ tuổi đôi mươi - đẹp nhất đời.

Một nhà báo thời chiến lúc ấy đã viết rằng: “Mỗi m2 đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ là 1m2 máu”. Thành cổ cháy, mùa hè cháy, đất cháy, người cháy… Hơn 80% chiến sĩ của ta đã ngã xuống do sức ép của bom đạn quân thù.

Các anh nằm xuống, máu xương hòa lẫn vào nhau, thấm lên từng nắm đất. Bởi vậy, các công trình của Thành cổ không thể phục dựng lại được. Nơi đây được xây thành một khu di tích tưởng niệm và tri ân. Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho các anh… 

Khi đoàn chúng tôi vào dâng nén tâm hương, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, giọng đọc trầm vọng của hướng dẫn viên vang lên từ phía sau 2 câu thơ của một cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại Quảng Trị khi mới 15 tuổi 49 ngày và được phong tặng Dũng sỹ diệt Mỹ - nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Đứng bên bến thả hoa Thành cổ nhìn về phía hạ nguồn, chúng tôi tự hỏi: Phải chăng, một phần cốt hài của các anh đã hòa theo dòng phù sa sông Hãn, về tưới tắm cho những ruộng đồng đơm hoa, những làng quê phong nẫm?

Song song với các hoạt động dâng hương, dâng hoa tại 3 nghĩa trang “đặc biệt” ở mảnh đất Quảng Trị, Đoàn công tác Báo PLVN đã cung tiến tri ân lên anh linh các anh hùng liệt sĩ 4 cây hoa giấy tại NTLSQG Trường Sơn; 4 cây hoa giấy khác cũng được dâng lên NTLSQG Đường 9, trong đó có 2 cây được ghép vào nhau để tạo thành cổng hoa tâm linh ở phía mặt tiền nghĩa trang này. Tại Thành cổ Quảng Trị, Đoàn đã cung tiến 2 cây hoa mẫu đơn (hoa trang).

Được biết, số cây hoa cung tiến nói trên được Văn phòng Báo PLVN khu vực Bình Trị Thiên tại Thừa Thiên Huế tìm kiếm cẩn thận và chọn lựa rất kỹ càng từ nhiều vùng cây cảnh nổi tiếng trong khu vực để tỏ lòng thành nguyện với thế hệ ông cha đã ngã xuống cho đất nước bình yên, nở hoa độc lập.

Tại địa chỉ đỏ mà Đoàn công tác Báo PLVN đến bày tỏ tấm lòng ngưỡng vọng tri ân, Ban quản lý các di tích, nghĩa trang đều bày tỏ tấm lòng ghi nhận sâu sắc đến hoạt động tri ân – thiện nguyện thường niên suốt 14 năm qua và tấm lòng sâu nặng ân nghĩa của Báo đối với miền Trung ruột thịt.

Nghiêng mình xuống với phận đời khốn khó

Tối 13/7, trên hành trình thực hiện Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn – Tri ân tháng 7 miền Trung, Đoàn công tác của Báo PLVN đã tới TP Huế. Tại đây, Đoàn tiếp tục sứ mệnh truyền tải pháp luật, sẻ chia với những cán bộ Tư pháp còn khó khăn.

Dự chương trình, có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban ngành của 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Về phía Báo PLVN có TS. Đào Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập và ông Trần Đức Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập và đông đảo các cán bộ, phóng viên của Báo.

Tại buổi lễ tri ân, Báo PLVN đã trao tặng 2 Mái ấm tư pháp, mỗi mái ấm trị giá 70 triệu đồng cho anh Hà Văn Bình - cán bộ Tư pháp xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) và anh Hồ Văn Hang - cán bộ Tư pháp xã Ba Nang, huyện Đakrông (Quảng Trị). Món quà tuy không lớn nhưng là niềm khích lệ, động viên lớn lao với cá nhân 2 cán bộ ngành Tư pháp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 2 tỉnh này.

Thay mặt đoàn công tác của Báo PLVN, Phó Tổng biên tập Trần Đức Vinh bày tỏ niềm xúc động và vinh dự khi tháng 7 lại được trở về với dải đất miền Trung đầy hào hùng để tri ân các anh hùng liệt sỹ, gia đình chính sách. Thông qua mỗi chuyến đi, Ban Biên tập Báo PLVN muốn khơi gợi, giáo dục cho các cán bộ, phóng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng yêu nước, tinh thần sống trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Ông Vinh cũng chia sẻ thêm: “Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Báo PLVN ra số đầu tiên, Báo PLVN đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần 2. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những thành tích đặc biệt xuất sắc của Báo trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mà còn đối với các chương trình xã hội hóa, trong đó có chương trình tri ân của Báo PLVN. Qua đó, đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng XHCN”.

Nhân dịp này, Phó Tổng biên tập Trần Đức Vinh đã gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Báo để giúp Báo hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tạo nên thành công của báo trong suốt thời gian qua. Đồng thời cũng bày tỏ mong muốn Lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm nhiều hơn nữa tới Báo PLVN nói chung và Văn phòng đại diện của Báo PLVN tại Thừa Thiên Huế nói riêng để cán bộ, phóng viên tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, vừa góp phần phát triển địa phương vừa chung tay xây dựng xã hội.

Ấn tượng và cảm kích với tấm lòng của những người làm báo PLVN, ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế bày tỏ sự ghi nhận về chương trình Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn – Tri ân tháng 7 miền Trung của Báo PLVN đã góp phần động viên, đóng góp cho sự phát triển của địa phương nói chung, ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế và tình Quảng Trị nói riêng. Sự đóng góp của Báo PLVN đã giúp lan tỏa hình ảnh địa phương, lan tỏa tinh thần sẻ chia, góp phần tạo nên tiếng nói đồng thuận về địa phương. Thời gian tới, ông Hà mong muốn Báo PLVN sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời nêu các gương người tốt, việc tốt, cách làm hay đồng thời chia sẻ một số khó khăn để địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngày càng phát triển.

Đoàn cán bộ, phóng viên nhiều thế hệ của Báo PLVN chúng tôi đã qua những ngôi nhà mà khi hỏi về người đàn ông, họ chỉ lên tường có tấm bằng Tổ quốc ghi công, đôi mắt ngơ ngác của đứa con bị nhiễm chất độc da cam – dioxin, không biết cha mình. Vỡ đất trồng khoai nghe tiếng chát chúa, lưỡi cuốc trúng mảnh bom…

Miền Trung – tiếng gọi về khúc ruột không thể cắt lìa và quá đỗi thân thương. Và bao đời nay vẫn thế, mùa nắng hạn như xối lửa trên đầu, gió lùa khô họng, mưa rét thì giông gió bão bùng. Và qua mỗi lần thiên tai khốn khó, cả 2 đất nước lại hướng lòng về sẻ chia “gừng cay muối mặn” dìu nhau qua hoạn nạn.

Miền Trung - nơi sở hữu và lưu giữ quá nhiều di tích, chứng tích lịch sử về chiến tranh cách mạng. Đâu đâu trên dải đất này, mỗi thớ đất khô cằn nắng cháy, khắt khét gió Lào ấy đều gói trọn, cất chứa cả một phần sử liệu oai hùng để con cháu đời sau mãi mãi tạc ghi. Và ở đó, những người dân gan góc, kiên vững vượt thiên tai, gian lao, gây dựng quê hương. 

Chuyến đi bồi đắp tâm hồn – Tri ân tháng 7 miền Trung năm 2020 là một hành trình rất dài, nhưng trong mỗi cán bộ, phóng viên PLVN chẳng ai thấy mệt mỏi. Suốt 14 năm qua, càng đi thì lòng càng như thêm thôi thúc hơn. Đoàn công tác chúng tôi trở về  khi các mộ phần đã được thắp sáng bởi ánh hồng rực rỡ của ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa trong hương khói linh thiêng tỏa mờ. Những dòng sông chiến trận xưa đã lung linh bởi triệu đóa hoa đăng xuôi dòng dâng lên những linh hồn bất diệt với thời gian.

Chúng tôi đã nghĩ nhiều về lớp ông cha đã yên nghỉ nơi đây để giữ chắc chủ quyền, khát vọng sống hòa yên của dân tộc bao đời. Và chúng tôi cũng nhận ra rằng: Nghĩa trang đâu phải là nơi chết chóc? Mà chính những cái chết hoá thành bất tử đã phục sinh cho cõi sống… Và đó, chính là nơi làm ta thêm thiết tha yêu, thêm ắp đầy trong huyết quản niềm tự hào về Tổ quốc, đất nước, hồn cốt dân tộc người Việt…

Miền Trung ơi, xin hẹn tháng 7 năm sau.

Đọc thêm