Từ đầu năm tới nay, tuy lãi suất đã giảm mạnh, nhưng tín dụng vẫn khó tăng trưởng. Vì sao vậy, thưa ông?
- Nợ xấu là một lực cản làm chi phí vốn ngân hàng tăng lên, ngân hàng không dám cho vay bởi sợ gánh thêm nợ xấu và NHNN áp dụng thông lệ quốc tế nên nợ xấu càng nhiều. Song điều quan trọng hơn với tín dụng vẫn là do cung - cầu thị trường quyết định.
|
Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
Thực tế cho thấy, một khi cầu thị trường không có thì cung vốn có đẩy ra mạnh cũng khó cho vay.
Nếu đầu ra sản phẩm không được khơi thông và sức mua chưa cải thiện thì doanh nghiệp sẽ chưa có nhu cầu sử dụng vốn vay, cho dù lãi suất vay ở mức thấp. Nói cách khác, giảm lãi suất, nhưng tồn kho tăng hoặc thanh khoản chậm thì chưa thể kỳ vọng dòng chảy tín dụng sẽ được khơi thông mạnh.
Riêng với ngân hàng, trước bối cảnh thị trường khó khăn và rủi ro nợ xấu hiện nay, chắc chắn phải kiểm soát chặt rủi ro, dù ngân hàng có thể cơ cấu, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp có dự án khả thi, có nhu cầu về vốn để tiếp tục đầu tư, sản xuất.
Như vậy, để kích cầu tín dụng thì giảm lãi suất đầu ra chưa hẳn là giải pháp tối ưu?
- Mặt bằng lãi suất hiện nay cũng đã giảm nhiều so với trước và trở lại mức của năm 2006. Vì thế, để kỳ vọng lãi suất giảm sâu thêm trong thời gian tới là rất khó.
Mặt bằng lãi suất đã dần phù hợp, nhưng nhu cầu về vốn vẫn không tăng. Điều này cho thấy, để khơi thông được dòng chảy tín dụng không chỉ có biện pháp giảm lãi suất, mà cần phải giảm tồn kho nền kinh tế. Nếu hàng hóa sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư cho sản xuất, mà có thể đem nguồn tiền nhàn rỗi gửi ngược vào ngân hàng, thay vì mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ông đánh giá thể nào về vấn đề xử lý nợ xấu của các ngân hàng hiện nay?
- Trước hết, các ngân hàng đã có ý thức hơn trong việc kiểm soát rủi ro nợ xấu và kiểm soát chặt hơn về chất lượng tín dụng. Điều này cũng có nghĩa là, các ngân hàng đã phải tự cứu mình trước.
Thứ hai, các ngân hàng hiện cũng đã được phép dùng lợi nhuận để được trích lập dự phòng, thay vì còn xa lạ như trước đây. Có thể, với cách này, các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro làm giảm lợi nhuận trước mắt, nhưng sau này, khi thu hồi được nợ các khoản dự phòng này sẽ được hoàn nhập.
Hàng năm, các ngân hàng phải dùng vài chục ngàn tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro. Chẳng hạn như năm 2011, các ngân hàng phải dùng 50.000 – 60.000 tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro và khả năng trong năm nay cũng phải dùng trên 100.000 tỷ đồng. Vì thế, lợi nhuận thu về sẽ rất ít, nhưng đảmbảo được tính an toàn cho hoạt động của các ngân hàng cũng như toàn hệ thống. Trên thực tế, môi trường khiến nợ xấu tăng còn lớn bởi kinh tế chưa hết khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp yếu.
Nợ xấu ngân hàng tập trung ở lĩnh vực bất động sản. Điều đó có đáng ngại không, thưa ông?
- Bất động sản đóng băng kéo theo hàng loạt ngành nghề khác khó khăn, công nhân thất nghiệp và thị trường đình trệ, nợ xấu ngân hàng tăng lên.
Hiện cầu về đầu tư, kinh doanh và kể cả với mua, xây dựng chưa tăng, do người dân thắt chặt chi tiêu và yếu tố tâm lý, kéo theo nhu cầu vốn vay ngân hàng giảm. Tuy nhiên, do người dân đã quen với việc tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu, nên việc bất động sản đóng băng cũng chưa phải là mọi thứ đã hết. Khi thị trường này tăng trở lại sẽ kéo theo nhu cầu khác.
Theo ông, ngành ngân hàng có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% đặt ra trong năm nay?
- Sau Tết, tín dụng thường giảm do doanh nghiệp bán được hàng nên trả nợ cũ và quý I thường để chuẩn bị vận hành cho năm sau nên tín dụng khó tăng. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ trong năm nay là quyết liệt đưa tín dụng tăng ngay từ đầu năm cho đồng vốn thực sự đi vào sản xuất.
Để tín dụng tăng được, NHNN đã yêu cầu giảm thêm 1 – 2% lãi suất. Tác động có thể chưa nhiều, nhưng quan trọng là tạo niềm tin rằng, lãi suất sẽ giảm, nên doanh nghiệp có thể yên tâm vay vốn để làm ăn. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng kỳ vọng trong năm nay có thể đạt được, nhưng quan trọng hơn là phải kiểm soát tốt chất lượng khoản vay. Nếu không kiểm soát chặt chất lượng tín dụng sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu.