Theo thống kê từ đầu tháng 8 đến nay đã có 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó đa phần là các ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) bao gồm: Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank và VPBank. Ngoài ra, có một ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank cũng chính thức tăng lãi suất huy động.
Trong đó, HDBank tăng mức lãi suất huy động cao nhất với mức lãi suất cao nhất đang áp dụng tại ngân hàng này là 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với điều kiện khách hàng gửi khoản tiết kiệm tối thiểu từ 500 tỷ đồng trở lên. Cũng với khoản gửi từ 500 tỷ đồng và gửi kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất được áp dụng là 7,7%năm.
Loạt ngân hàng còn lại đều tăng lãi suất cho các kỳ hạn, kể cả kỳ hạn 1 tháng. Cụ thể, sau 3 tháng giữ nguyên, CB đã chính thức tăng lãi suất huy động, mức tăng 0,4%/năm các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng và 0,3%/năm các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên; Dong A Bank cũng tăng 0,8%/năm kỳ hạn 12 và 13 tháng và tăng thêm 0,5%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng kể từ 8/8.
VIB cũng tăng thêm lãi suất khi huy động trực tuyến. Theo công bố trên website ngân hàng này, kỳ hạn 1 - 2 tháng được tăng thêm lãi suất 0,1%/năm lên 3,2%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng cũng tăng thêm 0,1%/năm lên 3,5%/năm. Các kỳ hạn trên 6 tháng được tăng thêm 0,2%/năm. Hiện, lãi suất kỳ hạn 6 - 11 tháng đã lên mức 4,6%/năm, kỳ hạn 12 - 18 tháng lên 5,1%/năm. Tính đến đầu tuần này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã đạt 6%/năm, kỳ hạn 18 tháng đạt 6,1%/năm.
Sacombank tiếp tục tăng lãi suất huy động với mức tăng cao nhất lên đến 0,4%/năm từ ngày 5/8. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,3%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng 0,3%/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 - 7 tháng được Sacombank điều chỉnh tăng thêm tới 0,4%/năm, lên mức 4,9%/năm. Đây cũng là mức lãi suất mới đối với tiền gửi kỳ hạn từ 8 - 11 tháng sau khi các kỳ hạn này tăng thêm 0,3%/năm.
Mới nhất, sáng 8/8, VPBank tăng 0,5%/năm lãi suất đối với kỳ hạn gửi tiền 1 tháng và 0,2%/năm các kỳ hạn còn lại. Trước đó, trong tháng 7/2024, có 19 ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Như vậy, tính đến thời điểm này (9/8), PVcombank đang là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất trong toàn hệ thống với mức lãi suất 9,5% cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Tuy nhiên, mức tiền gửi để được hưởng lãi suất này khá cao khi ngân hàng này yêu cầu số tiền gửi tối thiểu là 2.000 tỷ đồng. Tiếp sau đó là HD Bank với mức lãi suất kỳ hạn tương đương là 8,1% cho số tiền gửi tối thiểu từ 500 tỷ đồng.
Việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất đã mang đến một tín hiệu khá tốt bởi trước đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, do lãi suất ngân hàng quá thấp nên dòng tiền đã đi “chệch hướng”, thay vì chảy vào sản xuất kinh doanh lại được mang đi “trú ẩn”.
Đáng chú ý, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất nhưng trần lãi suất huy động và cho vay vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, lãi suất cho vay sẽ khó tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh Chính phủ kiên trì các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm vay vốn để tiếp tục kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, chia sẻ với PLVN, đại diện một doanh nghiệp cho rằng, giai đoạn vừa qua, lãi suất tiết kiệm “hạ nhiệt” xuống mức rất thấp nhưng doanh nghiệp cũng chưa “mạnh dạn” vay vốn bởi dù lãi suất huy động hạ thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa “ổn định” như doanh nghiệp mong muốn. Bởi hầu hết các doanh nghiệp đều mong có một chính sách về lãi suất cho vay dài hơi để doanh nghiệp yên tâm vay vốn sản xuất và mở rộng kinh doanh.