Lại xuất hiện "bệnh lạ' WHO đã vào cuộc, Bộ Y tế Việt Nam lên tiếng cảnh báo

(PLVN) - Ngành y tế Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến dịch bệnh; khi có diễn biến mới sẽ phối hợp đánh giá nguy cơ đề xuất ứng phó phù hợp với căn bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại Congo.
Dịch bệnh 'bí ẩn' tại Congo khiến 406 trường hợp mắc, trong đó có 31 ca tử vong. Ảnh: The New York Times

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Cộng hòa Dân chủ Congo đã ghi nhận 406 trường hợp mắc một bệnh chưa rõ nguyên nhân, trong đó có 31 trường hợp tử vong.

Các triệu chứng của căn bệnh chưa được xác định là sốt, nhức đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ thể. Bệnh lạ đang lan rộng trong khu vực y tế Panzi ở tỉnh Kwango, phía Tây Nam Congo.

WHO đã cử các chuyên gia đến Cộng hòa Dân chủ Congo để điều tra đợt bùng phát một căn bệnh lạ ở đang lây lan chủ yếu ở trẻ em, nghiêm trọng nhất là những trẻ bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ dưới năm tuổi.

Liên quan đến sự việc này, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã tăng cường những biện pháp kiểm tra sức khỏe đối với tất cả chuyến bay đến từ các trung tâm trung chuyển của châu Phi.

Tại Việt Nam, TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin, sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động thực hiện giám sát dựa vào sự kiện với thông tin về dịch bệnh tại Cộng hòa Dân chủ Congo; phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và đầu mối IHR các quốc gia cập nhật, chia sẻ thông tin về dịch bệnh.

"Trường hợp có các diễn biến mới, Cục Y tế dự phòng sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ để đề xuất các đáp ứng phù hợp, bao gồm việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

Cũng theo ông Đức, hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá mức độ nguy cơ đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng tại khu vực xảy ra dịch là cao trên cơ sở các thông tin về hạn chế trong cung cấp, tiếp cận dịch vụ y tế; tỷ lệ tiêm chủng thấp; điều kiện đời sống, lương thực, giao thông tại địa bàn rất khó khăn.

Việc ghi nhận thông tin ban đầu về chùm ca bệnh trong các cụm gia đình cho thấy, khả năng lây lan trong các hộ gia đình. Tuy nhiên, ở cấp quốc gia của DRC, nguy cơ được coi là trung bình do đợt bùng phát hiện tại có tính chất cục bộ trong khu vực Panzi, tỉnh Kwango, mặc dù vẫn có khả năng lây lan sang các khu vực lân cận.

Với cấp độ khu vực và toàn cầu, WHO đánh giá mức độ nguy cơ thấp và chỉ lưu ý việc giám sát tại biên giới với quốc gia láng giềng gần khu vực xảy ra dịch là Angola.

WHO nhấn mạnh rằng căn bệnh mới xuất hiện trong bối cảnh quốc gia này đang chịu áp lực từ nhiều dịch bệnh khác, đặc biệt là mpox (bệnh đậu mùa khỉ), với hơn 47.000 ca nghi ngờ nhiễm và hơn 1.000 ca tử vong.

Đọc thêm