Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển 800 căn NƠXH giai đoạn 2021 - 2025 và 1.400 căn giai đoạn 2026 - 2030. Về tiến độ, trong giai đoạn 2021 - 2024, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án NƠXH, đã khởi công dự án nhà ở cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng) vào tháng 6/2023, cung cấp 371 căn hộ (303 căn NƠXH, 68 căn hộ thương mại).
Trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh sẽ khởi công thêm 4 dự án với tổng số 1.323 căn NƠXH. Như vậy, tuỳ theo điều kiện cụ thể về thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng dự kiến phát triển từ 980 - 1.626 căn NƠXH, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu.
Ở giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh dự kiến triển khai thêm 3 dự án gồm: Khu đô thị mới số 6 - Trại Mát (phường 11, TP Đà Lạt) với khoảng 1.000 căn NƠXH; Khu NƠXH tại đường tránh phía Nam (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) với khoảng 1000 căn NƠXH; Khu dân cư đồi An Tôn (phường 4, TP Đà Lạt) với khoảng 230 căn NƠXH.
Như vậy, trong giai đoạn 2026 - 2030, trên địa bàn tỉnh dự kiến phát triển từ 1.200 - 2.230 căn NƠXH. Từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển thêm 2.180 - 3.856 căn NƠXH, phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% chỉ tiêu được giao tại đề án 1 triệu căn hộ NƠXH.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, để hoàn thành mục tiêu phát triển NƠXH vướng mắc 4 khó khăn:
Thứ nhất, quá trình lập hồ sơ, thẩm định chủ trương đầu tư kéo dài do vị trí xây dựng NƠXH chưa phải là đất sạch, phải khảo sát đánh giá sơ bộ phương án bồi thường, GPMB để đề xuất cơ chế thực hiện, điển hình là dự án NƠXH CC5, Kim Đồng, Sào Nam ở Đà Lạt; công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương của nhà đầu tư phải chỉnh sửa nhiều lần; công tác phối hợp của các sở, ngành, địa phương khi được lấy ý kiến thẩm định hồ sơ đề xuất dự án đầu tư chưa thật sự hiệu quả…
Thứ hai, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mất nhiều thời gian do trình tự thủ tục được quy định ở nhiều Luật, Nghị định, Thông tư nên địa phương gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định. Đặc biệt, các dự án NƠXH phải tiến hành mời quan tâm, sau đó mới tổ chức đấu thầu. Theo quy định, quy trình thực hiện đầy đủ các bước từ khi lập hồ sơ năng lực kinh nghiệm đến bước phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mất khoảng 205 ngày (chưa gồm thời gian lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ sơ bộ năng lực kinh nghiệm; đánh giá và phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ năng lực kinh nghiệm nhà đầu tư; lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư); cơ quan tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá hồ sơ dự thầu chưa có kinh nghiệm thực hiện, dẫn đến thời gian thực hiện tại mỗi bước đều chậm, kéo dài.
|
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng. |
Thứ ba, các dự án triển khai trong bối cảnh quy định pháp luật có sự thay đổi. Cụ thể, theo Nghị định 35/2023/NĐ-CP, chủ đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để cho thuê, cho thuê mua, bán được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định, không còn ưu đãi được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng NƠXH (gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Do đó, phải lập lại toàn bộ hồ sơ đề xuất dự án đầu tư để phù hợp với quy định mới.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ 1/1/2024), Nghị định 23/2024/NĐ-CP, thì lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định quản lý ngành, lĩnh vực (trong đó có quy định dự án NƠXH). Do đó, phải rà soát lại các điều khoản chuyển tiếp; một số Nghị định, Thông tư hướng dẫn có sự thay đổi biểu mẫu.
Thứ tư, là khó khăn trong công tác GPMB. Thời gian qua, các địa phương đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất tại các dự án NƠXH trên địa bàn, nhưng tiến độ thu hồi đất còn chậm so với lộ trình đã được UBND tỉnh thống nhất. Việc GPMB hiện nay rất khó khăn do giá đất tăng, khó khăn trong việc thẩm định giá đất, kinh phí bồi thường GPMB tăng cao, thời gian thực hiện kéo dài, chậm triển khai bồi thường, thu hồi đất.