Phát triển công trình xanh - Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn

(PLVN) -  Ngày 4/10, tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng quốc gia, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024 với chủ đề “Phát triển công trình xanh - Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn”.

Khắc phục những khó khăn trong việc phát triển công trình xanh

Phát biểu tại Phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết: "Trong những năm vừa qua, Việt Nam là một trong số các quốc gia luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cùng với tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra nhanh với mức tăng bình quân hàng năm trên 1%".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Phiên toàn thể.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Phiên toàn thể.

Quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh cũng kéo theo những áp lực về nguồn cung tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải, tác động đến môi trường và gia tăng các ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu.

Đứng trước những thách thức toàn cầu và của quốc gia, Đảng, Nhà nước. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về cơ chế, chính sách; về Quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức các hội thảo giới thiệu, phổ biến văn bản, quy chuẩn, tiêu chuẩn, công nghệ mới, vật liệu mới, tổ chức các khóa đào tạo, tăng cường năng lực về tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình để đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng, công trình xanh cho các địa phương.

Theo số liệu thống kê, đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt khoảng 500 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2. Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, loại hình công trình đạt chứng nhận công trình cũng được mở rộng sang nhiều loại hình công trình, bao gồm cả công trình có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về công trình xanh, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ về công trình xanh còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án công trình xanh hạn chế.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành: Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh trong đó có các dự án công trình xanh; Quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; Nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2025.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tổ chức triển khai và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc áp dụng các tiêu chí công trình xanh trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư, phát triển các dự án nhà ở xã hội theo tiêu chí công trình xanh; nghiên cứu để công bố suất vốn đầu tư cho đầy đủ các loại hình công trình để tạo điều kiện cho các chủ thể xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh,...

Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng tại Việt Nam

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã vạch ra Kế hoạch giảm phát thải KNK trong ngành Xây dựng.

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng phát biểu tại Phiên toàn thể.

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng phát biểu tại Phiên toàn thể.

Đối với tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng, các giải pháp đề ra là tận dụng nhiệt thải phát điện; Sử dụng máy nghiền hiệu suất cao; Các giải pháp giảm tiêu thụ điện khác.Đối với các quá trình công nghiệp xi măng, giải pháp là tối ưu hóa quá trình đốt; Giảm tỉ lệ clinker trong xi măng bằng việc sử dụng phụ gia khoáng hóa thiên nhiên và chất thải từ các ngành công nghiệp khác; Sử dụng chất thải chứa năng lượng làm nhiên liệu thay thế nhiên liệu tự nhiên.

Đối với quá trình vận hành tòa nhà, giải pháp là sử dụng thiết bị làm mát (điều hòa, tủ lạnh) hiệu suất cao; Cải tạo, sửa chữa công trình theo hướng giảm phát thải KNK.Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành kiểm kê KNK theo quy định của pháp luật và xây dựng Báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK cấp lĩnh vực…

Đại biểu trình bày tham luận tại sự kiện.

Đại biểu trình bày tham luận tại sự kiện.

Tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã trình bày một số tham luận với các nội dung: Phong trào Xây dựng Công trình Xanh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới; Dự báo cung - cầu và tương lai của các công trình, bất động sản xanh trước những cải cách về chính sách phát triển công trình xanh; Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng: Từ định hướng đến các giải pháp kiến trúc cho công trình; Phát triển công trình xanh thông qua nguồn tín dụng xanh từ các ngân hàng thương mại.

Đọc thêm