Làm du lịch từ… nông nghiệp

(PLVN) -Là đất nước với hơn 70% dân số ở nông thôn và sở hữu nền sản xuất nông nghiệp bền vững, lâu đời, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Nếu khai thác tốt thế mạnh, giá trị khác biệt, nổi bật của nông thôn đây sẽ là hướng đi có tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho nền công nghiệp không khói nước nhà.
Du lịch canh nông đang rất được ưa chuộng. (Ảnh: kinhtenongthon.vn).
Du lịch canh nông đang rất được ưa chuộng. (Ảnh: kinhtenongthon.vn).

Mô hình du lịch tiềm năng

Lãnh thổ Việt Nam với 3 phần núi, 4 phần biển và 1 phần ruộng đã hình thành nên dải đất hình chữ S 7 vùng sinh thái khác biệt. Với lợi thế riêng có, ít quốc gia có được, Việt Nam có thể phát triển được cả sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Sở hữu đất đai, nguồn nước, khí hậu thích hợp cùng với truyền thống nông nghiệp hàng nghìn năm đã tạo ra tiềm năng cho nhiều lĩnh vực gắn với nông nghiệp.

Trong đó đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái đang là hướng đi được quan tâm. Những giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại không chỉ đơn thuần là thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác như định hình nền nông nghiệp xanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn.

Theo Tổng cục Du lịch, những năm qua, tại nhiều địa phương, các tổ chức, cá nhân đã triển khai đầu tư, khai thác du lịch nông nghiệp, đồng thời xây dựng và triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trong đó, du lịch canh nông đang được đẩy mạnh. Du lịch canh nông là loại hình du lịch mới phát triển trong thời gian gần đây, với mô hình nổi bật là các trang trại sinh thái, hay các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức những hoạt động trải nghiệm về nông nghiệp, làng quê. Nổi bật có thể kể đến như: tour thăm mô hình làng quê; tham quan nông trường; du lịch miệt vườn, chợ nổi; trải nghiệm vườn rau thủy canh, trồng hoa công nghệ cao; trải nghiệm trang trại;…

Trong đó, các hoạt động trải nghiệm tại trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi với nhiều mức độ khác nhau. Mức 1, khách được xem quá trình sản xuất và được thưởng thức sản phẩm, sau khi được hướng dẫn viên và người dân địa phương giới thiệu quy trình, dụng cụ cho khách, cuối cùng khách được ăn thử. Chẳng hạn như làm hồng treo gió, kẹo dừa, bánh tráng,… Mức 2 là du khách trải nghiệm thực tế ở một vài công đoạn, cùng tham gia sản xuất như cùng với nông dân thu hoạch hoa tươi trong nhà kính ở Đà Lạt, cùng trồng rau ở làng rau Trà Quế, Hội An, cùng hái lá thuốc với người Dao ở Lào Cai, cùng thu hoạch tôm trên vịnh Hạ Long. Cuối cùng du khách được thưởng thức thành quả do chính mình vất vả làm ra.

Mức cao nhất là khi du khách lưu trú trong thời gian vài ba ngày, khi đó du khách trở thành một thành viên của cộng đồng, được sinh sống, trải nghiệm trong môi trường thường nhật mà cộng đồng ấy trải qua kể cả lối sống sinh hoạt giống như người bản xứ. Đây cũng là mức mà du khách, nhất là khách nước ngoài thích thú nhất. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, ở dài ngày hơn cho các trải nghiệm thực tế.

Tuỳ từng địa điểm và trình độ tổ chức mà mỗi nơi có một cấp độ khác nhau, hiện các tour du lịch canh nông chỉ đang dừng ở mức 1 - 2, còn mức cao nhất mới thấy được ở tỉnh Lâm Đồng. Nhìn lại năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông và trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình kết hợp du lịch với sản xuất nông nghiệp. Sau hơn 8 năm, trải qua nhiều khó khăn, thất bại, đến nay tỉnh Lâm Đồng đang đi đầu cả nước với mô hình canh nông, trở thành loại hình du lịch đặc sắc với các trang trại nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, trà... hấp dẫn, thu hút rất đông du khách.

Ngoài Lâm Đồng, mô hình này xuất hiện ở Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Tiền Giang… Tuy nhiên, xét trên tổng thể, những khu vực có đủ khả năng khai thác du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp ở nước ta không nhiều. Theo thống kê của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), đến hết năm 2022, cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận và gần 1.500 điểm du lịch đang hoạt động mà chưa được công nhận, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn.

Từ thống kê cho thấy loại hình du lịch nông thôn của nước ta đa dạng, tận dụng được lợi thế nông nghiệp tuy nhiên lại đang phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược. Tình trạng này khiến cho các mô hình du lịch nông nghiệp không phát huy hết giá trị vốn có và không đủ sức hấp dẫn để phát triển bền vững.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia về du lịch cho rằng, cần có quy hoạch bài bản, có doanh nghiệp đủ tầm để dẫn dắt, giúp điểm đến được nâng tầm và có giá trị hơn. Đồng thời cần có quy hoạch và hành lang pháp lý cụ thể để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn đầu tư vào du lịch nông nghiệp. Có như vậy, du lịch nông nghiệp mới ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và “giữ chân” du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.

Sản phẩm độc đáo, cộp mác Việt Nam

Sản phẩm OCOP phát triển du lịch. (Ảnh: Phương Nghi)

Sản phẩm OCOP phát triển du lịch. (Ảnh: Phương Nghi)

Bên cạnh mô hình du lịch tiềm năng, nhiều địa phương còn tận dụng lợi thế nông nghiệp và văn hoá bản địa để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, cộp mác Việt Nam. Với chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - OCOP), tại mỗi địa phương, xã phường đều đã xuất hiện những sản phẩm đặc trưng, bảo đảm chất lượng để đến tay du khách.

Mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, xu hướng phát triển du lịch khác nhau và một xu hướng hiện nay đã và đang hình thành phát triển là du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP. Hiện nay, chương trình OCOP tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, TP đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn và nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn. Tại nhiều địa phương hướng xây dựng các sản phẩm làng nghề OCOP là cầu nối thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Nếu trước đây các sản phẩm du lịch đặc trưng của Việt Nam không có nhiều, hầu hết đều tập trung ở một vài địa điểm du lịch lớn, chất lượng sản phẩm còn đơn điệu không thu hút, “giữ chân” du khách được lâu thì giờ đây, sản phẩm OCOP đã tháo gỡ cho vấn đề này, việc đa dạng các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản vùng miền, nhất là phát triển các sản phẩm OCOP và đưa vào các điểm tham quan, nghỉ dưỡng đã được triển khai thực hiện và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Từ đó không những góp phần nâng cao giá trị kinh tế mà còn tận dụng được lợi thế nông nghiệp của đất nước và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung của địa phương.

Có thể thấy, tiềm năng và lợi thế nông nghiệp có sẵn là yếu tố quan trọng giúp con đường phát triển ngành Du lịch gắn với nông nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nếu muốn tiến xa hơn nữa lợi thế đó là chưa đủ, ngành Du lịch cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, mang đặc trưng vùng, miền và theo định hướng của thị trường, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

Đọc thêm