Làm gì để bảo đảm cân bằng giới tính?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Tổng cục Dân số, tính đến hết năm 2022, cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình cả nước, cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng. Trong tương lai, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao ngay từ lần sinh đầu tiên ở các gia đình. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao ngay từ lần sinh đầu tiên ở các gia đình. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Tiềm ẩn nhiều hệ lụy xã hội

Cảnh báo này được đưa ra tại Tọa đàm “Mất cân bằng giới tính khi sinh và khuyến nghị quản lý nhà nước” do Tổng cục Dân số - Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức mới đây.

Theo Tổng cục Dân số, tính đến hết năm 2022, tỷ số này ở nước ta là 112,1 bé trai/100 bé gái. Cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình cả nước (112 bé trai/100 bé gái). Một số địa phương có tỷ số này cao như Sơn La (117 bé trai/100 bé gái), Nghệ An (116,6 bé trai/100 bé gái), Hà Nội (112,7 bé trai/100 bé gái)… Hiện 6 trên 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước đều có tình trạng này, đặc biệt tại Đồng bằng sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Bộ Y tế đánh giá, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở nước ta đang trở nên nghiêm trọng. Tình trạng này tăng cao ngay từ lần sinh đầu tiên ở các gia đình, cao hơn hẳn ở những lần sinh sau, đối với những gia đình chưa có con trai, đặc biệt với những gia đình có hai con gái và chưa có bé trai nào. Đáng lưu ý, mức độ mất cân bằng cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao hơn và điều kiện kinh tế khá giả.

Hậu quả của tình trạng MCBGTKS là việc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó. Dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ giới, khiến nhiều đàn ông phải sống độc thân.

Không chỉ thế, theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng MCBGTKS sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Việc trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai với nam giới do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai, nhất là trên thực tế, các xã hội này đều có hệ thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) và trước kia hầu hết nam giới đều lập gia đình…

Lồng ghép cách giải quyết vào nhiều lĩnh vực

Thực trạng đáng quan ngại trên đòi hỏi cần các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Nhưng trước hết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cần phải được hiểu thấu đáo. Theo Tổng cục Dân số, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng gốc rễ và cốt lõi là do định kiến giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ ăn sâu vào từng người dân Việt; xuất hiện từ khi chuẩn bị kết hôn, trước khi có con và có con, đến lúc qua đời. Bên cạnh đó, lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi cũng là nguyên nhân chính được chỉ ra.

Để giải quyết vấn đề này, hệ thống chính sách và pháp luật Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng, điều chỉnh để đạt mục tiêu đề ra Việt Nam đến năm 2030 sẽ đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109 bé trai/100 bé gái. Đây cũng là mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra. Bên cạnh đó, Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế; có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi lạm dụng khoa học - công nghệ trong chẩn đoán giới tính thai nhi, can thiệp lựa chọn giới tính trước khi sinh…

Tuy nhiên để làm được điều đó, Nghị quyết cũng chỉ rõ phải tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao, nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới. Tổng cục Dân số cũng nhận định mục tiêu này rất khó khăn, khi từ nay đến đó, mỗi năm phải giảm 0,4 điểm phần trăm, trong khi 8 năm trước, với nhiều nguồn lực và tác động, nhưng mỗi năm chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm.

Ở góc độ pháp luật, để giải quyết tình trạng MCBGTKS nói chung và nguyên nhân gây ra do hành vi lựa chọn giới tính thai nhi nói riêng, thời gian qua, Việt Nam đã sớm có chính sách cảnh báo, can thiệp, đơn cử như Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 đã nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức và đã cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, lồng ghép giải quyết vấn đề MCBGTKS vào các lĩnh vực khác như bình đẳng giới, pháp luật dân sự (các quy định về thừa kế, con gái cũng có quyền thừa kế cùng hàng con trai), pháp luật đất đai (vợ chồng cùng đứng tên nhà, đất), quy định cấm thông báo giới tính thai nhi khi khám thai…

Năm 2022, Ngân hàng Thế giới đã tiến hành nghiên cứu “Lựa chọn giới trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam: Dự báo cơ cấu dân số và khuyến nghị chính sách”, có nhiều khuyến nghị liên quan đến công tác xây dựng chính sách pháp luật để giải quyết MCBGTKS. Đó là khuyến nghị xử lý các mâu thuẫn chính sách trong dự thảo Luật Dân số thông qua nới lỏng các chính sách điều chỉnh mức sinh; tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế; ưu tiên các chính sách chống chuộng con trai; xử lý hậu quả lâu dài của lựa chọn giới tính. Bên cạnh đó, tăng cường bảo hiểm xã hội để chống chuộng con trai thông qua tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội cho nhóm người cao tuổi; tăng chi cho an sinh xã hội; mở rộng bảo hiểm xã hội sang khu vực phi chính thức; thu hẹp khoảng cách giới về tuổi nghỉ hưu…

Đọc thêm