Làm gì để “biến rừng thành vàng”?

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng chúng ta đang sống trên đống vàng, rừng không có lỗi mà chúng ta có lỗi là không “biến rừng thành vàng”… Theo Bộ trưởng, với những tiềm năng hiện nay, giá trị của rừng phải cao gấp 10, gấp 100 lần nữa mới xứng đáng với hai chữ “rừng vàng”.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, giá trị của rừng phải cao hơn nhiều. (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Rừng không chỉ có gỗ

Tọa đàm “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 4/4 vừa qua đã thu hút sự tham gia của đông đảo các diễn giả là cơ quan quản lý, chủ rừng cũng như các doanh nghiệp, tổ chức đang có hoạt động khai thác giá trị của rừng. Tọa đàm diễn ra sau khi Thủ tướng ký Quyết định 208/QĐ-TTg ban hành Đề án phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 hôm 29/2 vừa qua.

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, việc phát huy giá trị của rừng đã được thực hiện từ lâu nhưng đơn lẻ và đề án ra đời sẽ giúp quá trình này được thực hiện tổng quát hơn.

“Điểm mới của đề án là tích hợp được đa giá trị trong phát triển kinh tế rừng. Khi phát triển rừng bền vững, nhiều giá trị thì sẽ có nguồn lực để tái đầu tư cho bảo tồn và phát triển sinh kế cho người dân…” - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn không giấu được niềm vui khi đề cập đến Đề án vừa được Chính phủ phê duyệt. Ông nhận định, Đề án đã rất đầy đủ nội dung, nếu thực hiện tốt không chỉ nâng cao giá trị của rừng mà còn giúp ngành lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững. “Đề án đã đề cập đến vấn đề kinh tế lâm nghiệp theo quan điểm mới, trong đó bao gồm cả dịch vụ từ rừng” - ông Tuấn nói.

Khẳng định cần tập trung vào phát triển rừng gỗ lớn, truy xuất nguồn gốc và chứng chỉ cho rừng, ông Tuấn lưu ý, giá trị kinh tế lâm nghiệp còn là lâm sản và dịch vụ rừng, cần phát triển mạnh mẽ dịch vụ rừng, để làm sao có thể nâng được kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản lên con số 18 - 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Đưa ra con số 77 tỷ USD quy mô thị trường mỹ phẩm và thực phẩm trên thế giới, GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cũng lưu ý, tương lai của rừng không chỉ là nguyên liệu gỗ dùng để chế biến, xuất khẩu mà cần nghiên cứu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng của rừng, tập trung vào các loài dược liệu, cây bản địa với những tính năng sinh học riêng biệt. Đó chính là một trong những con đường làm giàu bền vững từ rừng, bên cạnh khai thác các giá trị từ du lịch sinh thái rừng…

Tiếp cận đa chiều

Trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng ở huyện Krông Bông (Đắk Lắk).

(Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Krông Bông)

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS cho biết, để khai thác giá trị đa dụng của rừng, tạo thu nhập cho người dân dưới tán rừng, công ty thực hiện mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán keo lai.

“Bình thường, người dân trồng cây keo lai chỉ khoảng 5 năm là thu hoạch, nhưng chỉ cần để đến 8 năm thì giá trị tăng gấp đôi. Trong 3 năm chờ gỗ lớn, người dân làm gì để sống? Giải pháp của chúng tôi là trồng nấm linh chi dưới tán keo lai, thời gian 4 tháng có thể thu hoạch, như vậy một năm có thể thu hoạch 3 lần. Theo tính toán, 1m2 trồng nấm linh chi có thể cho thu hoạch 10 triệu đồng…” - ông Thế chia sẻ.

Bên cạnh lâm sản, việc phát huy các giá trị phi vật thể như văn hóa, tri thức bản địa trong du lịch cũng là một tiềm năng lớn trong hệ sinh thái rừng.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Greenforest cho biết, Công ty đang tổ chức những tuyến trải nghiệm để tận hưởng không gian của rừng. Để tránh nhàm chán trên quãng đường hàng chục cây số, khách du lịch sẽ được tìm hiểu về những loại cây, thảo dược trên đường đi.

Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ông Vũ Đức Quyền chia sẻ, vườn đang tổ chức nhiều hoạt động du lịch, phát huy giá trị văn hóa, tri thức bản địa bên cạnh giá trị sẵn có từ rừng. “Bảo vệ rừng phải dựa vào cộng đồng nên phát triển du lịch cộng đồng dựa vào người dân là tất yếu. Khi người dân có thu nhập ổn định thì rừng được bảo vệ tốt hơn - ông Quyền phân tích.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ, trong chuyến công tác đến Phần Lan, ông có đề xuất đi thăm một cánh rừng. Điều ông bất ngờ là người Phần Lan bán muối trên rừng. Để tăng giá trị cho muối, người dân đã đưa các thảo dược vào muối. Bộ trưởng nhấn mạnh về cách tiếp cận đa chiều để khai thác giá trị của rừng. Đó là kết nối giữa rừng với biển…

Trong khi đó, khi đến thăm đảo Cát Bà (Hải Phòng), quan sát du khách nước ngoài, Bộ trưởng rất trăn trở khi thấy du khách nước ngoài sau khi tham quan rừng trên đảo thì không có sản phẩm lưu niệm nào để mua về. “Phải chăng chúng ta cần có thêm sự khéo léo, những tư duy mới để có những sản phẩm khai thác được giá trị ngoài lâm sản?” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT gợi ý.

Chia sẻ về góc độ đa dụng trong giá trị của hệ sinh thái rừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu cứ khu biệt giá trị vào lâm sản thì sẽ sớm cạn kiệt, câu chuyện sẽ giống như thủy sản dưới biển. “Chúng ta phải lùi ra xa để nhìn vào rừng, gắn được cấu trúc giá trị từ nhiều góc độ. Khi không gian giá trị được mở rộng thì ai cũng có được lợi ích, không còn xung đột và sẽ tìm cách để bảo vệ, phát triển rừng...” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với những tiềm năng hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thẳng thắn cho rằng giá trị của rừng phải cao gấp 10, gấp 100 lần nữa mới xứng đáng với hai chữ “rừng vàng” và “muốn làm được điều đó, cần “thổi” được hồn, đưa được những câu chuyện vào những sản phẩm từ rừng để tăng giá trị…”.

Đọc thêm