Làm gì để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long?

(PLVN) - Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất trù phú, tươi đẹp nức tiếng phương Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Thế nhưng, nhiều năm qua, nơi đây vẫn chưa trở thành một điểm đến có sức hút mạnh với du khách, nguyên nhân do đâu?
Đồng bằng sông Cửu Long có ưu thế về thiên nhiên tươi đẹp, địa hình sông nước nhưng cần đổi mới để thu hút du khách
Đồng bằng sông Cửu Long có ưu thế về thiên nhiên tươi đẹp, địa hình sông nước nhưng cần đổi mới để thu hút du khách

Chưa tạo được bản sắc 

Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sản vật trù phú, văn hóa miền sông nước, tính cách người dân phóng khoáng, miền Tây Nam Bộ là một vùng đất đáng mến, đáng yêu trong lòng người dân cả nước. Tuy nhiên, về mặt du lịch, nơi này vẫn chưa phát huy được hết sở trường của mình, còn bị đánh giá kém phát triển nhất trong 7 vùng du lịch cả nước.

Năm 2018, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đón hơn 40 triệu lượt du khách, tăng 16,8% so với năm 2017. Trong đó, có hơn 3 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2019, khu vực này đón 47 triệu lượt du khách, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 30 nghìn tỷ đồng.

Con số này cho thấy, lượng du khách đến với vùng đất này không phải là nhỏ, thế nhưng tỉ lệ khách quốc tế đến đây rất thấp so với tổng số khách, đặc biệt, doanh thu so với lượng khách lại thấp. Làm một phép so sánh nhỏ, năm 2019 tỉnh Khánh Hòa đã đón 7,2 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ khách du lịch ước được 27.000 tỷ đồng.

Như thế, có thể thấy, về mặt điểm đến, ĐBSCL có sức hút nhất định đối với du khách trong nước, có thể khiến du khách phương xa tìm đến, nhưng lại chưa đủ sức hút đối với khách ngoại. Đặc biệt, du khách đến du lịch nơi đây ít tiêu tiền, nói một cách khác, du lịch ĐBSCL chưa đủ hấp dẫn khiến du khách chi tiêu nhiều, cũng không giữ chân du khách được lâu, dẫn đến du lịch có số lượng khách nhiều nhưng doanh thu không cao.

Khá nhiều hội nghị xúc tiến du lịch diễn ra tại khu vực ĐBSCL trong những năm qua đã chỉ ra những nguyên nhân cụ thể. Đó là việc thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng; đang thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch để tạo ra chuỗi toàn vùng…

Từ nhiều năm nay, nhận định chung của du khách về đặc điểm du lịch vùng này là “đẹp mà không lạ”. Đi du lịch ĐBSCL, chỉ cần đến một địa phương là có thể không đến các tỉnh khác nữa, vì cách làm du lịch của tỉnh nào cũng na ná nhau, khai thác lợi thế sẵn có của thiên nhiên: Các tour du lịch vườn cây trái, tour chèo thuyền, tour chợ nổi…

“Bỏ quên” tiềm năng du lịch trang trại 

Những năm gần đây, du lịch trang trại đang là một hình thức được ưa chuộng của cộng đồng du lịch quốc tế. Sau khi đã trải qua những hình thức như du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, mua sắm… người ta lại muốn tìm về với đời sống nông thôn, được sống như những nông dân thực thụ, thưởng thức khí hậu trong lành, thiên nhiên yên bình và những nông sản sạch.

Đà Lạt là một thành phố du lịch đã tận dụng địa hình, khí hậu tự nhiên để phát triển hướng du lịch nông trại thành công trong những năm gần đây. Có thể kể đến một số trang trại thu hút đông du khách như: Cầu Đất Farm, Trang trại rau và hoa Vạn Thành, Fresh DaLat…

Mỗi một nông trại như thế thu hút một lượng khách, đem đến doanh thu không nhỏ cho Đà Lạt hàng năm. Tỉnh Lâm Đồng có đến 23 điểm du lịch canh nông nổi tiếng được công nhận, ngoài ra còn vài chục điểm du lịch canh nông lớn nhỏ do người dân tự phát làm. Và trong các tour du lịch Đà Lạt cũng không thể thiếu tour du lịch trang trại - nét đặc biệt của du lịch Đà Lạt.

Nhắc đến Đà Lạt để thấy, khu vực miền Tây Nam Bộ cũng có rất nhiêu ưu thế về khí hậu, địa hình, văn hóa nông nghiệp để có thể phát triển mô hình du lịch trang trại. Thế mạnh của miền Tây là cây trái xum xuê, sản vật phong phú, sông nước tươi đẹp và đặc biệt là văn hóa sống phóng khoáng, “tài tử” của người dân Nam Bộ. Những năm qua cũng có nhiều mô hình du lịch trang trại ra đời tại đây, nhưng hầu hết đều “đi lên” từ kiểu du lịch nhà vườn, hoặc resort kết hợp cảnh quan vườn tược. 

ĐBSCL còn rất thiếu cách làm du lịch trang trại theo kiểu chuyên nghiệp, có thể học hỏi từ Đà Lạt như công trình trang trại dựa vào địa hình tự nhiên để xây dựng thật đẹp, nên thơ, hữu tình, có cả góc “sống ảo” cho du khách chụp ảnh.

Đồng thời, cần kết hợp cả thế mạnh hiếm có tại các vùng khác, đó là lối sống thân thiện, cởi mở, hào sảng của người dân. Dựa vào thiên nhiên để tạo nên sản phẩm đẹp, hút khách, dựa vào dân để tạo nên cái “hồn” của du lịch trang trại, đó có lẽ là cách làm mà miền Tây Nam Bộ nên hướng đến để ghi những dấu ấn rõ nét với du khách trong và ngoài nước.

Thật tiếc vì vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước lại chưa thể cho ra đời những mô hình du lịch trang trại hấp dẫn, đặc sắc. Làm tốt điều này, miền Tây Nam Bộ không chỉ quảng bá hình ảnh du lịch, tăng doanh thu từ du khách, mà còn góp phần quảng bá cho nét đẹp của nông thôn Việt, chất lượng nông sản Việt. 

Sắp tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Cần Thơ sẽ tổ chức đoàn farmtrip để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đến những điểm du lịch có chương trình mới và tham quan tàu cao tốc của Công ty Mai Linh Tây Đô. Trên cơ sở này sẽ xúc tiến liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL sau dịch Covid-19.

Hy vọng, sẽ có nhiều hơn những kế hoạch, chương trình nhằm chuyên nghiệp hóa du lịch trang trang khu vực miền Tây, góp phần giúp vùng đất này tăng tốc du lịch trong thời gian tới.

Liên kết vùng tạo sức mạnh

Nếu nhìn nhận rõ, dù cùng chung hệ thống kênh rạch, sông ngòi, nhưng mỗi một tỉnh, thành ở ĐBSCL lại có một nét riêng, có những điểm đến nổi bật khác nhau. Ví dụ như Cần Thơ là đô thị hàng đầu của vùng, sở hữu nền ẩm thực phong phú, đặc trưng sông nước; An Giang lại có địa hình đồi núi với nhiều ngọn núi “thiêng” cùng đền thờ có tiếng; Kiên Giang ngoài sông nước còn có thêm địa hình giáp biển với nhiều giai thoại lịch sử kì thú…

Các tỉnh ĐBSCL cũng đã nỗ lực để tạo nên những sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, có lẽ về mặt truyền thông chưa hợp lý, nên các sản phẩm mới tiếp cần du khách chưa nhiều. Hơn nữa, đại dịch cùng hạn mặn vừa qua đã khiến du lịch vùng này gặp phải rất nhiều khó khăn, thiệt hại. 

Mới đây, trong tháng 5, một hội nghị kích cầu du lịch và giới thiệu sản phẩm mới đã được tổ chức tại Cần Thơ nhằm tìm ra những hướng đi để đối mới du lịch miền Tây. Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đã có chung ý kiến về sự thiếu độc đáo, na ná giống nhau giữa du lịch các tỉnh ĐBSCL. Và hướng đi, cũng là phương hướng mong muốn của du lịch miền Tây thời gian qua, chính là liên kết vùng.  

Nhiều tour du lịch là sản phẩm của liên kết vùng cũng đã được đưa ra: Tour tham quan Cần Thơ - Phú Quốc để du khách trải nghiệm cả sông nước lẫn biển, tour Cần Thơ - Châu Đốc để trải nghiệm sự trù phú của hai đô thị phát triển hàng đầu của khu vực này, kết hợp du lịch tâm linh… Nhiều công trình văn hóa, nhiều mô hình du lịch mới cùng với mức giá ưu đãi, hấp dẫn cũng sẽ được công bố trong thời gian tới.

Quả thật, chỉ có khai thác sâu tiềm năng du lịch địa phương, xây dựng bản sắc riêng, đồng thời liên kết vùng hợp lý, tạo ra những sản phẩm liên kết vùng có sức hấp dẫn, mới lạ thì mới gây được sự chú ý của du khách, giữ chân được du khách. Hy vọng rằng, sau nốt trầm do đại dịch tạo ra, vùng đất “Chín Rồng” sẽ được thay áo mới, khởi sắc và phát triển mạnh mẽ về du lịch..

Ông Phạm Thế Triều - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL An Giang: “Các phương tiện thông tin đại chúng cứ nói rằng du lịch ĐBSCL na ná, trùng lặp nhau. Nói như vậy là không công bằng với một vùng du lịch non trẻ như ĐBSCL bởi mỗi địa phương đều có những nét đặc sắc riêng. Thời gian qua, các tỉnh, thành trong khu vực đã và đang tìm cách khẳng định mình thông qua những sản phẩm khác biệt, đặc thù và hấp dẫn”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc  Sở VHTT&DL Cần Thơ: “Do ảnh hưởng dịch Covid-19, 5 tháng đầu năm 2020 khách đến Cần Thơ chỉ khoảng 1,4 triệu lượt, giảm 66,5%. Doanh thu từ du lịch khoảng 799 tỉ đồng, giảm 59,1% so với cùng kỳ năm 2019. Để giải quyết tình trạng này, đề nghị các đơn vị trong ngành du lịch cùng thực hiện một số giải pháp.

Thứ nhất, kích cầu du lịch (dự kiến thực hiện từ tháng 6) bằng việc xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu giảm giá, khuyến mãi, nâng cao chất lượng sản dịch dịch vụ… Thứ hai, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, lạ, hấp dẫn phù hợp thị hiếu khách nội địa cũng như tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội.

Thứ ba, tham gia các cuộc quảng bá, xúc tiến du lịch của thành phố nhằm thu hút khách đặc biệt là khách nội địa tới thành phố Cần Thơ”...

Đọc thêm