“Làm lính một tuần”- học và rèn

Giáo dục quốc phòng An ninh (GDQP- AN) là một môn học chính khóa trong chương trình dạy học cấp THPT. Nhưng để giúp  học sinh nhận thức đúng về nghĩa vụ công dân, kỹ năng quân sự cần thiết và đặc biệt, để tạo được sự hứng thú cho học sinh trong môn học này lại không hề đơn giản. Mô hình “Học kỳ quân đội” và “Tuần lễ GDQP- AN” được nhắc tới trong Hội nghị tổng kết công tác giáo dục QP- AN của TP Hà Nội mới đây sẽ là một kinh nghiệm hay để các trường học tập…

Giáo dục quốc phòng An ninh (GDQP- AN) là một môn học chính khóa trong chương trình dạy học cấp THPT. Nhưng để giúp  học sinh nhận thức đúng về nghĩa vụ công dân, kỹ năng quân sự cần thiết và đặc biệt, để tạo được sự hứng thú cho học sinh trong môn học này lại không hề đơn giản. Mô hình “Học kỳ quân đội” và “Tuần lễ GDQP- AN” được nhắc tới trong Hội nghị tổng kết công tác giáo dục QP- AN của TP Hà Nội mới đây sẽ là một kinh nghiệm hay để các trường học tập…

Một số hoạt động trong “Tuần lễ GDQP – AN và hoạt  động ngoại khóa” của Trường THPT Hồ Xuân Hương
Một số hoạt động trong “Tuần lễ GDQP – AN và hoạt động ngoại khóa” của Trường THPT Hồ Xuân Hương

Trải nghiệm để học…

Theo đánh giá của Hội đồng GDQP- AN TP Hà Nội thì hiện nay, ngoài việc cử hàng trăm giáo viên giảng dạy môn GDQP- AN đi tập huấn, các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đã đảm bảo đủ sách giáo khoa GDQP- AN và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc dạy học, đáp ứng cơ bản yêu cầu thực hiện nghiêm việc dạy và học môn học theo phân phối chương trình 1 tiết/tuần.

Góp phần nâng cao hiệu quả việc giảng dạy môn học này, trong những năm qua, một số trường trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện việc “học gắn với thực hành”, tạo sự đổi mới trong cách giảng dạy, được các em học sinh ưa thích. Ở đây, nếu như phần kiến thức về lý thuyết do các thầy cô giáo (đã được tập huấn) của trường truyền đạt thì phần phần thực hành kỹ năng quân sự sẽ  do các cán bộ quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia giảng dạy.

Sự đột phá và mạnh dạn trong việc giảng dạy môn học GDQP- AN ở cấp học THPT, tạo sức hút cho học sinh có lẽ là việc tổ chức học dã ngoại để các em “vào vai” một người lính thực sự. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt- Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Xuân Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, “đối với một trường tư thục thì việc giảng dạy môn học GDQP- AN sẽ gặp khó khăn hơn so với các trường công lập: khuôn viên học tập, cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế, giáo viên còn lúng túng trong giờ thực hành.Vì vậy, giờ học tại trường của các em cũng chủ yếu là lý thuyết. Còn kỹ năng, thao tác trên thực địa thì các em chỉ được làm quen qua hình ảnh của máy chiếu”

“Gỡ khó” và cũng là để tạo hứng thú cho học sinh, vừa tạo cho các em có môi trường rèn luyện, vui chơi, hoạt động ngoại khóa qua sự trải nhiệm, giảm bớt áp lực của những giờ học đầy căng thẳng, Ban lãnh đạo Trường Hồ Xuân Hương quyết định tổ chức “Tuần lễ GDQP – AN và hoạt động ngoại khóa” tại một đơn vị quân đội chính qui.

Vậy là đợt đầu tiên (năm học 2009-2010), được sự đồng ý của cha mẹ học sinh, học sinh và Trung đoàn 88, nhà trường đã đưa gần 400 học sinh đi học tập dã ngoại 1 tuần tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Phát huy hiệu quả, năm học tiếp theo, học sinh toàn trường tiếp tục đợt dã ngoại tại Trung đoàn 692,  Sư đoàn 301- Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Và ngay trong tháng 1 vừa qua, đợt hành quân dã ngoại lần thứ 3 cũng đã kết thức với nhiều kỷ niệm đáng nhớ của cả cô lẫn trò .

Vẫn còn háo hức sau đợt sinh hoạt ngoại khoá này, một nhóm học sinh lớp 12A2- trường THPT Hồ Xuân Hương cho hay, “ngoài việc thu nhận những kiến thức quân sự thì chúng em đã co những giây phút đầy ý nghĩa bên thầy cô và các bạn. Chúng em rèn luyện trưởng thành hơn, chín chắn hơn, sống hòa nhập hơn với các "đồng chí" của mình” .

Đánh giá về sự giúp đỡ của đơn vị quân đội, bà Nguyệt cho hay, “Bằng những kinh nghiệm trong công tác huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 692 đã truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhất đến các em học sinh. Phía học sinh, các em đã rất miệt mài với những bài học nâng cao phần thực hành, được rèn luyện nếp ăn, ở, sinh hoạt, tinh thần trách nhiệm, tính cộng đồng trong một môi trường tập thể.

...và để trưởng thành

Được trải nghiệm cuộc sống của người lính không chỉ là mong muốn của học sinh THPT mà còn là niềm ao ước của nhiều học sinh “nhí” cấp Trung học cơ sở. Nắm bắt nhu cầu này, từ vài năm nay, các Trung tâm thanh, thiếu niên (Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh) cũng đã phối hợp cùng nhiều đơn vị quân đội tổ chức “Học kỳ trong quân đội” cho nhiều học sinh lứa tuổi khác nhau. Cũng như các anh chị mình, các thiếu nhi khi tham dự chương trình này không chỉ nắm bắt cơ bản về kiến thức quốc phòng mà còn được học tính kỷ luật, ý thức tự giác, trung thực, dũng cảm, trách nhiệm, chia sẻ yêu thương và có ý chí vươn lên khắc phục khó khăn trong cuộc sống.

Em Nguyễn Hữu Phước, lớp 8- Trường THCS Phan Đình Giót nhớ lại  "Học kỳ quân đội" của mình: “Trước đây, chúng chỉ biết đời sống của các anh bộ đội qua phim ảnh, sách báo. Nay thì em đã được sinh hoạt và huấn luyện như một chiến sĩ. Hạn chế chơi game, xem ti vi nhưng em đã được học băng bó vết thương, tháo lắp súng, tập võ. Chúng em còn học được cách gấp chăn, màn, và nhiều việc khác mà em chưa từng làm”.

Những “cậu ấm, cô chiêu” ở thành phố được làm tập quen dần với cuộc sống trong quân ngũ, với giờ giấc sinh hoạt quy củ và tự giác trong học tập, rèn luyện đã khiến ngày càng nhiều phụ huynh học sinh đăng ký cho con mình tham gia “học kỳ quân đội”. Tới đây, TƯ Đoàn và các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng sẽ thống nhất để nghiên cứu cụ thể, phối hợp xây dựng chương trình khung của “Học kỳ quân đội”, phù hợp với từng độ tuổi, và đảm bảo sự nhất quán khi áp dụng.

Gọi ý về việc tổ chức mô hình giáo dục kiến thức QP- AN, tại Hội nghị tổng kết công tác giáo dục QP- AN của TP Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng GDQP- An TP Hà Nội cũng đã đề nghị, các Sở, Ban ngành của Thành phố nghiên cứu, triển khai mô hình “Học kỳ quân đội” hoặc “Tuần lễ GDQP – AN và hoạt động ngoại khóa” của trường THPT Hồ Xuân Hương trên đây, góp phần đổi mới hình thức và phương pháp GD kiến thức QP-AN trên địa bàn thành phố. Bà Ngọc nhấn mạnh “các trường phải vận dụng kiến thức mà học sinh đã tiếp thu vào thực tế ở  trường mình, đơn vị mình. Ngay từ việc nhỏ như giữ gìn an toàn trật tự trong trường học, lớp học mình…

Khoa Lâm

Đọc thêm