Chỉ nộp lại cho Nhà nước được 100 triệu trong tổng số thiệt hại đã gây ra là 2,3 tỷ nhưng bị cáo Đặng Quang Bân (SN 1964- trú tại TP Hạ Long, Quang Ninh) vẫn được Tòa cho hưởng án treo vì tình tiết “tự nguyện khắc phục hậu qủa”. Tuy bản đã bị kháng nghị nhưng nó vẫn khiến người ta phải nhớ lại hoài nghi của một vị Đại biểu Quốc hội mới đây rằng, tại sao tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng lại xử án treo nhiều?.
Hình chỉ mang tính minh họa (Internet) |
Nghỉ thai sản… phát hiện mất thép
Tháng 7/2002, Cty Gang thép Thái Nguyên (DNNN, thuộc TCty Thép Việt Nam) thành lập Chi nhánh tại Quảng Ninh, có 7 cửa hang, trong đó có Cửa hàng kinh doanh kim khí và vật tư tổng hợp Móng Cái (Cửa hàng Móng Cái), đặt tại TP.Móng Cái, do Đặng Quang Bân làm cửa hàng trưởng.
Việc thất thoát thép bị phát hiện vào tháng 10/2008 khi một nhân viên của Chi nhánh Quảng Ninh bàn giao công việc để nghỉ chế độ thai sản, thấy có hơn 618 tấn thép đã xuất bán, chưa nộp tiền vào quỹ, không có phiếu xuất hóa đơn bán hàng và Cửa hàng Móng Cái chưa giải trình được với Chi nhánh.
Cơ quan điều tra vào cuộc và phát hiện rằng, trong quá trình kinh doanh, Bân không thực hiện và thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao về chế độ quản lý tài sản như: Khi Cửa hàng Hạ Long 1 và Cửa hàng Móng Cái được sáp nhập với nhau nhưng không trực tiếp tiến hành kiểm kê kho hàng qua các kỳ kế toán xác định số liệu hàng tồn kho; báo cáo bán hàng không đúng sự thật; bán hàng không viết hóa đơn, không thu nộp tiền bán hàng theo quy định dẫn đến thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Theo xác minh của Cơ quan điều tra (CQĐT) thì tính đến ngày 31/12/2008, số thép tồn kho theo sổ sách của Cửa hàng Móng Cái phải là gần 650 tấn; tuy nhiên, thực tế trong kho lúc này chỉ còn hơn 31 tấn. Điều này đồng nghĩa với việc cửa hàng bị thiếu hụt hơn 618 tấn thép, trong đó CQĐT xác định trách nhiệm của Bân là hơn 390 tấn.
Sau khi vụ việc bị công ty phát hiện, Bân đã giải trình về việc một số khách hàng còn nợ tiền chưa thu hồi được tương ứng với gần 195 tấn thép. Hơn 195 tấn thép thiếu hụt còn lại (tương đương 2,3 tỷ đồng), Bân “chưa xác định được nguyên nhân” và được CQĐT khẳng định là “thất thoát, không có khả năng khắc phục thu hồi”.
Chính vì vậy, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố Bân về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước”. Trong quá trình điều tra, Bân đã nộp lại cho Chi nhánh Quảng Ninh được 100 triệu đồng.
Án “nằm chờ” cơ quan tố tụng
Với mức độ gây thiệt hại cho Nhà nước trong vụ án này, Bân đã bị truy tố theo khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù. Tuy nhiên ngày 22/9/2011, Bân chỉ bị Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND TP.Thái Nguyên (do Thẩm phán Nguyễn Hồng Mây làm chủ tọa) tuyên phạt 3 năm tù, cho hưởng án treo.
Tuy bản án này bị phía nguyên đơn dân sự (Cty Gang thép Thái Nguyên) kháng cáo đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự và chuyển hình phạt tù giam đối Bân nhưng Tòa cấp phúc thẩm vẫn y án. Việc cho bị cáo Bân được hưởng án treo như trên đã khiến VKSNDTC phải vào cuộc và đến ngày 27/8/2012, Viện trưởng VKSNDTC đã có Quyết định kháng nghị, đề nghị TANDTC xét xử giám đốc thẩm hủy phần quyết định về hình phạt của bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại theo hướng tăng hình phạt đối với Bân.
Theo VKSNDTC, việc Bân khắc phục được 100 triệu là không đáng kể so với số tiền Nhà nước bị thất thoát là 2,3 tỷ đồng. Việc Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm xử bị cáo 3 năm tù là quá nhẹ và cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đã gần 11 tháng kể từ khi có kháng nghị nêu trên, phiên tòa giám đốc thẩm vẫn chưa thể được tiến hành. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị”.
Mới đây, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay: “Thời gian qua, VKSNDTC đã kháng nghị được 39 vụ án kinh tế, án tham nhũng mà Tòa xử án treo. TANDTC đã xử và chấp nhận 26 trường hợp”. Như vậy là còn 13 vụ đã có kháng nghị nhưng chưa được xử giám đốc thẩm. Không biết vụ án Đặng Quang Bân có phải là một trong số các vụ chưa xử nêu trên, và có vụ án nào phải “nằm chờ” gần một năm như vụ án này?.
Khoa Lâm