Việc định giá có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xử lý tài sản, định giá đúng trình tự thủ tục và đúng giá trị của tài sản giúp cho quá trình xử lý tài sản thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Tuy nhiên, Luật THADS năm 2014, Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về thẩm định giá của từng ngành, từng cơ quan, gây lúng túng cho cơ quan THADS.
Định giá tài sản kê biên hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 98 Luật THADS năm 2014. Theo đó, trong trường hợp ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được về giá thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên.
Ngoài ra, Luật THADS cũng quy định Chấp hành viên thực hiện xác định giá trong trường hợp không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định; tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá.
Thực tế cho thấy trường hợp đương sự thỏa thuận được về giá thì ít khi xảy ra việc yêu cầu định giá lại hoặc khiếu nại về giá. Đối với trường hợp Chấp hành viên xác định giá hoặc thực hiện định giá theo trình tự thủ tục luật định thì thường xảy ra tình trạng các bên đương sự không đồng ý với giá đã định, cho rằng giá quá cao hoặc giá quá thấp, không phù hợp với giá thực tế trên thị trường. Khoản 8 Điều 2 Thông tư 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 1/8/2016 đã có quy định giải quyết vấn đề này.
Các quy định nêu trên đã quy định rõ phạm vi công việc và trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc định giá tài sản kê biên, định giá lại tài sản kê biên. Do vậy, nếu Chấp hành viên để xảy ra thiếu sót, vi phạm liên quan đến chuyên môn dẫn đến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích của đương sự và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan có đơn khiếu nại, tố cáo thì được các cơ quan THADS giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, có thể thấy phạm vi trách nhiệm của Chấp hành viên chủ yếu liên quan tới các công việc trước và sau khi có kết quả thẩm định giá và xác định giá trong trường hợp pháp luật quy định liên quan đến đương sự chứ không có chức năng thẩm định giá tài sản kê biên để thi hành án. Vì vậy, các khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan THADS mà thuộc thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp thẩm định giá và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giá, tài chính.
Cụ thể, theo Điều 8 Luật giá năm 2012 thì Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định. Còn theo quy định tại Điều 9 Luật giá năm 2012 thì cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Ngoài Luật giá năm 2012, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá hiện nay còn có Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá, Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định Thẩm định viên về giá và các doanh nghiệp thẩm định giá phải tôn trọng và chấp hành đúng quy định của Luật giá, các văn bản hướng dẫn và các quy định pháp luật khác có liên quan trong quá trình hành nghề thẩm định giá.
Vì vậy, việc khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giá, tài chính. Do đó, khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá trên địa bàn thì cơ quan THADS không thụ lý giải quyết mà chuyển khiếu nại, tố cáo cho doanh nghiệp thẩm định giá trả lời theo chức năng, nhiệm vụ và chuyển cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giá, tài chính giải quyết theo thẩm quyền.