Làm sao để bứt phá sau đại dịch?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022, các đại biểu đã phản ánh những rào cản trong việc thu hút vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
 Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam.
Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam.

Những nút thắt pháp lý

Tại Phiên đối thoại chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch” với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, các đại biểu thanh niên, doanh nhân trẻ đã đặt câu hỏi đến lãnh đạo các bộ, ngành về các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Cụ thể như cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài và thoái vốn, rút vốn, chuyển nhượng vốn nhanh nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào các startup Việt Nam. Cơ chế đột phá cho việc thu hút, trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp sáng tạo. Hệ thống giấy phép và các yêu cầu hành chính trong những năm đầu hình thành startup. Cơ chế, chính sách dành cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, logistics…

Ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý ThinkZone Ventures - một quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được góp vốn hoàn toàn bởi các nhà đầu tư Việt Nam, cho biết, hiện pháp luật đầu tư ở Việt Nam có rào cản nhất định, tạo nên “nút nghẽn cổ chai” trong đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Hiếu đơn cử như về thủ tục đầu tư, các cổ đông Việt Nam tại doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khi thực hiện tái cơ cấu sẽ phải thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, rồi công ty mẹ lại cần thực hiện thủ tục đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Như vậy là 2 lần thực hiện thủ tục đầu tư. Việc thực hiện các thủ tục này vẫn còn mất nhiều thời gian, công sức của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 và lần thứ 2 vào năm 2020. Sau hai lần tổ chức, Diễn đàn đã tạo không gian trao đổi, chia sẻ giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, thanh niên khởi nghiệp về cơ chế chính sách, các giải pháp hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, tạo niềm hứng khởi cho cộng đồng thanh niên khởi nghiệp…

Đồng thời, theo ông Hiếu, Nghị định 38 (hướng dẫn về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo) còn rất nhiều bất cập như: quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân; quy định chỉ cho phép có tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập, làm hạn chế số vốn góp. Đặc biệt, nghị định này quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đã tạo ra hạn chế tiếp cận vốn của doanh nghiệp. “Do đó, mặc dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, trong các văn bản hướng dẫn cụ thể về thuế thì không có quy định được ưu đãi như thế nào, áp dụng ra sao”, ông Hiếu bày tỏ.

Cùng với đó, bà Trần Đào Hạnh, đại diện Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội - BK Fund, cũng phản ánh cơ chế đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn nhiều rào cản, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Các đại biểu đã đề xuất các cơ quan quản lý xem xét, sửa đổi các quy định và nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới để đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Còn ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng cơ chế chính sách đầu tư cho đổi mới sáng tạo đã có rồi, nhưng cơ chế chính sách thúc đẩy thì có nhiều vấn đề cần giải quyết. Các ý kiến tại diễn đàn sẽ được lắng nghe tiếp thu và đề xuất sửa đổi trong thời gian tới. Tại tọa đàm, đại diện các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ KH&CN… cũng cho biết sẽ sớm cùng nhau xem xét đề nghị sửa đổi các quy định là rào cản trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cần có cơ chế đặc thù

Thông tin về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, Bộ đang phối hợp với đơn vị liên quan triển khai dự án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mục tiêu lựa chọn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ toàn bộ chi phí về giải pháp chuyển đổi số, tư vấn về các lĩnh vực, trong đó có logistics... tới năm 2025.

Theo một số ý kiến tại phiên đối thoại, cơ chế trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Những điều kiện thuận lợi trong chính sách visa hay giấy phép lao động giúp thu hút, tạo điều kiện cho nhóm chuyên gia có năng lực đổi mới sáng tạo đến với Việt Nam. Các đại biểu đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao xem xét có những cơ chế đặc thù, đột phá để tạo điều kiện thu hút, trao đổi nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định trao đổi nguồn nhân lực là vấn đề tất yếu của các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn; bên cạnh đó, nhiều lao động Việt Nam chưa có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu công việc.

Việt Nam hiện tiếp nhận 4 đối tượng lao động nước ngoài vào làm việc gồm: nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động có kỹ thuật cao. Hiện có khoảng 100.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thẳng thắn nhìn nhận còn một số rào cản về vấn đề cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, rà soát kỹ Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam để đề xuất với Chính phủ có những sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện và tạo điều kiện phù hợp nhất.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia

Ông Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam được đánh giá cao có nền chính trị - xã hội ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh liên tục cải thiện; Đảng và Chính phủ tạo điều kiện, môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; dân số trẻ đang trong độ tuổi thanh niên... Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức như là vấn đề cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn, nguồn lao động tay nghề cao, kỹ năng tiếp thu công nghệ cao từ cách mạng 4.0 vẫn còn hạn chế.

Ông Toni Eliasz, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhìn nhận, Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa đem lại các giải pháp số hóa dựa trên dữ liệu như công nghệ y tế, phân tích dữ liệu bigdata, dịch vụ web, công nghệ bảo mật…

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dẫn câu chuyện “bóp nát quả cam” của Trần Quốc Toản để nhấn mạnh tinh thần, động lực khởi nghiệp của thanh niên. Khởi nghiệp bắt đầu từ ý tưởng, chứ không phải bắt đầu từ dự án. Mục đích, sản phẩm khởi nghiệp giải quyết được vấn đề gì cho xã hội. Ý tưởng chỉ xuất hiện từ một người, nhưng hoàn thiện ý tưởng đó thì cần có một đội ngũ…

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, khởi nghiệp là hành trình hội tụ nhiều yếu tố, chứ không chỉ riêng tiền. Người trẻ cần xác định cần tiền hay cần vốn, trong vốn bao hàm tiền, kiến thức, kỹ năng, thái độ, vốn sống... và phải có suy nghĩ khác biệt.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các bạn thanh niên phải tự hỏi làm thế nào để lấy lại thời gian 2 năm đã tổn thất do dịch bệnh. Phó Thủ tướng cho rằng, không có cách nào khác là phải làm kinh tế và tạo mọi điều kiện cho người dân làm kinh tế và phải làm kinh tế liêm chính.

Do đó, cần tiếp tục nuôi dưỡng, thôi thúc tinh thần làm giàu chính đáng trong mỗi thanh niên nói riêng cũng như người dân Việt Nam nói chung và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như cải thiện các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế như chỉ số về môi trường kinh doanh, về phát triển bền vững, về sự phát triển của thị trường...; đồng thời thể hiện cam kết hỗ trợ của Chính phủ và sự tăng cường chất lượng pháp lý.

Lưu ý quá trình khởi nghiệp luôn tiềm tàng những khó khăn, với độ rủi ro cao, Phó Thủ tướng cho rằng ngay từ đầu quá trình khởi nghiệp sáng tạo, thanh niên nên chú trọng đến những tiêu chí phát triển bền vững như xanh, sạch, an toàn.... Đồng thời ưu tiên phát triển những mô hình có sự lan tỏa, đóng góp cho việc phát triển cộng đồng như nông sản sạch, du lịch cộng đồng... Và hơn hết, khởi nghiệp cần duy trì tâm thế về trách nhiệm đối với xã hội.

Tham gia phần đối thoại, ông Phạm Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết rất đồng ý với những đề xuất, kiến nghị của các nhà khởi nghiệp trẻ. Theo ông Hiếu, khung thể chế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất quan trọng vì nó cho phép có thúc đẩy đổi mới sáng tạo hay không.

Ông Hiếu chia sẻ: “Tôi từng gặp một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (có phần mềm cho tương tác trên toàn thế giới) nhưng cái họ băn khoăn không phải là thị trường hay sự cạnh tranh sản phẩm mà băn khoăn nhất là rủi ro pháp lý. Họ không biết sản phẩm của mình phải tuân thủ luật pháp nào. Sản phẩm đó có phải xin giấy phép không khi nó thay đổi từng giây, nộp thuế thế nào... Họ muốn tuân thủ luật nhưng rất khó vì không có quy định”.

Ông Hiếu cho rằng: “Cần đẩy mạnh quyền tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, không hạn chế, chứ không thể không có luật là vi phạm. Nếu thúc đẩy mạnh sẽ tạo ra được môi trường đổi mới sáng tạo”. Ông Hiếu cho biết, khi sửa luật và đề nghị các cơ quan liên quan cần rà soát toàn bộ quy định liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để kiến nghị sửa đổi những quy định có nguy cơ gây ra rào cản, hạn chế sáng tạo đổi mới; cần mạnh dạn xóa bỏ thì sẽ có môi trường kinh doanh tốt.

Đọc thêm