Làm sao để thượng tôn pháp luật?

(PLVN) -  Xây dựng pháp luật là yêu cầu tất yếu của Nhà nước, chấp hành pháp luật là ý thức, trách nhiệm của công dân. Việc thượng tôn pháp luật có vị trí, vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình bình chọn tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” của Báo Pháp luật Việt Nam- Một Chương trình hướng đến việc nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội.
Chương trình bình chọn tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” của Báo Pháp luật Việt Nam- Một Chương trình hướng đến việc nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội.

Đặc biệt, trong xu thế hội nhập hiện nay, việc giáo dục nâng cao ý thức pháp luật, chấp hành pháp luật không chỉ là yêu cầu mà còn là trách nhiệm của mọi công dân. Đó là tinh thần “thượng tôn pháp luật” - thước đo trình độ phản ánh trình độ dân trí và là cơ sở để “xóa bỏ” tội phạm trong xã hội.

Không “ngồi” trên luật

Theo Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Thượng tôn pháp luật” là cách sử dụng từ Hán Việt, mà khi được diễn đạt thuần túy theo từ ngữ tiếng Việt thì có nghĩa là “pháp luật là trên hết” và nếu diễn đạt theo thuật ngữ trong ngành luật học thì là “sự nghiêm minh của pháp luật”.

“Thượng tôn pháp luật” hàm ý là tất cả mọi thành phần trong xã hội của một quốc gia, lãnh thổ phải tôn trọng và chấp hành triệt để luật pháp của quốc gia, lãnh thổ đó. Một khi luật pháp đã được ban hành thì toàn xã hội phải lấy nó làm chuẩn mực để hành xử theo cho phù hợp, không phân biệt thành phần, địa vị xã hội, không một ai có quyền “ngồi” trên pháp luật.

Bên cạnh đó, “Thượng tôn pháp luật” hay “pháp quyền” chỉ mối quan hệ giữa Nhà nước và pháp luật. Theo đó, mặc dù pháp luật do các cơ quan nhà nước đặt ra song nó phải giữ vai trò thượng tôn đối với Nhà nước và các cơ quan nhà nước. Trong Nhà nước không có sự thượng tôn pháp luật thì tất yếu không có Nhà nước pháp quyền, Luật sư Hiếu nhấn mạnh.

Ở nước ta, với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật vì thế ngày càng được đảm bảo thực thi, người dân có một cái nhìn tổng quan và chính xác về pháp luật, để từ đó, chấp hành, tuân thủ và thực hiện pháp luật một cách tự giác, chủ động và nghiêm chỉnh.

Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng dẫn chứng, việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự của công dân Việt Nam. Theo đó, công dân Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định trong Luật đều có thái độ chấp hành nghiêm túc, trách nhiệm đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Từ đó tạo nên một hệ thống quân đội kỉ cương, vững mạnh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh.

Bên cạnh đó, nhiều vụ tham nhũng của các cán bộ công chức nhà nước như tham nhũng liên quan đến đất đai, tiền đóng góp của nhân dân... đã bị người dân khiếu nại, tố cáo. Nhân dân ủng hộ nhiệt tình với các chủ trương của Chính phủ trong việc giải quyết dứt khoát, không tránh né dù đối tượng có cương vị, trọng trách cao đến đâu, cũng có nghĩa rằng nhu cầu công bằng xã hội được dư luận xã hội quan tâm, tán thành, ủng hộ, không chỉ đem lại quyền lợi cho người dân mà thể hiện tính dân chủ của Nhà nước. Điều này cũng cho thấy nhận thức về pháp luật của người dân đang được củng cố và nâng cao.

Cũng theo Luật sư Hiếu, bên cạnh những mặt tích cực trong thực tiễn thượng tôn pháp luật ở nước ta hiện nay thì trong thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật. Mặc dù có sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, đường lối chính trị đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ các cá nhân, tập thể cố ý làm trái các quy định pháp luật. Điều này cho thấy ý thức pháp luật của những bộ phận này chưa cao, kém hiểu biết và ảnh hưởng xấu tới sự ổn định và trật tự xã hội.

Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng.

Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng.

Giải pháp là gì?

Để đảm bảo pháp luật được thực thi, tinh thần thượng tôn pháp luật được nâng cao, Luật sư Hiếu đã đưa ra một số giải pháp cụ thể.

Theo đó, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện Ngày pháp luật Việt Nam (9/11) nhằm khẳng định sự tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội và sự phát triển của quốc gia, đánh dấu bước phát triển của dân tộc. Qua đó, làm cho ý thức thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào đời sống, vào hành vi, hoạt động của mọi công dân, của cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Mặt khác, để pháp luật thật sự đi sâu vào cuộc sống, tôn vinh tinh thần thượng tôn pháp luật, làm cho ngày pháp luật ngày càng sinh động, thiết thực. Các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, các tổ chức quần chúng cần tích cực tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Làm cho pháp luật thật sự được lan tỏa sâu rộng, nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực hưởng ứng mạnh mẽ, hiểu pháp luật để “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, đưa pháp luật vào cuộc sống và bắt kịp với sự phát triển tích cực của xã hội. Góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cũng theo Luật sư này, để mỗi người dân tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật thì trước tiên mỗi người cần phải có đủ kiến thức, hiểu biết về pháp luật. Vì vậy, công tác bồi dưỡng, giáo dục, tuyên truyền pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân là hết sức quan trọng. Đồng thời, cần kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với hướng dẫn áp dụng pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật.

“Ý thức pháp luật của người dân được hình thành từ hai yếu tố, đó là tri thức pháp luật và tình cảm pháp luật. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân chỉ có thể được nâng cao khi công tác phổ biến pháp luật cho nhân dân được tiến hành thường xuyên, kịp thời và có tính thuyết phục” - Luật sư Hiếu nhấn mạnh.

Đọc thêm