Làm sao “gỡ” hành lang pháp lý cho “ngân hàng số”

(PLVN) - Khẳng định ngân hàng số là đích cuối cùng của các ngân hàng nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, không biết đến bao giờ các ngân hàng Việt Nam mới đến đích…
Một bộ phận khách hàng muốn giao dịch trực tiếp với nhân viên ngân hàng hơn là thao tác trên máy. (Ảnh minh họa)
Một bộ phận khách hàng muốn giao dịch trực tiếp với nhân viên ngân hàng hơn là thao tác trên máy. (Ảnh minh họa)

Xu thế tất yếu…

Tại Diễn đàn “Tương lai chiến lược ngân hàng số (NHS) tại Việt Nam” do BCSI tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thùy Dương (Phó Tổng Giám đốc EY Việt  Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Fintech, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, đến năm 2025, dự kiến có khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới.

Về hiện trạng chuyển đổi số (CĐS), khảo sát trong ngành ngân hàng tại Việt Nam cho thấy, phần lớn các  tổ chức tín dụng (TCTD) có nhận thức về CĐS; trong đó, có 42% đang xây dựng chiến lược CĐS, 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược CĐS tích hợp với chiến lược kinh doanh, 11% đã phê duyệt và triển khai chiến lược CĐS riêng.

Phần lớn các TCTD tham gia khảo sát hiện đang triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số như chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử. Hiện, có tới 41,2% TCTD kỳ vọng triển khai dịch vụ đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số.

Các ngân hàng còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ. Theo đó, có tới 73% TCTD số hóa quy trình hoạt động liên tục, 47,6% TCTD số hóa hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, 42,8% TCTD thực hiện chữ điện tử và số hóa chữ ký nội bộ…

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng. 

Dẫn khảo sát của Ngân hàng Nhà nước tại các ngân hàng thương mại, ông Hòe cho biết, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm từ 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ NHS, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, NHS chính là cái đích cuối cùng của các ngân hàng!” - ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện sáng tạo và CĐS quả quyết. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý: “CĐS là quá trình với nhiều cấp độ hướng tới NHS đích thực…”.

Khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý!

Theo các chuyên gia, NHS tại Việt Nam đang ở giai đoạn hình thành với nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, việc xây dựng NHS hiện đang đối mặt với không ít thách thức. 

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc EY Việt  Nam đã có sự so sánh giữa NHS với ngân hàng truyền thống và cho rằng việc tối ưu hóa chi phí là cái các ngân hàng đang phải cân nhắc. Nếu giao dịch mà cứ quay tít thì khách hàng cũng không đủ kiên nhẫn. Do vậy, công nghệ ngân hàng phải luôn luôn đổi mới…

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, đầu tư vào công nghệ rất không hiệu quả và một trong lý do là công nghệ thay đổi rất nhanh, chưa kể đội ngũ nhân lực sử dụng công nghệ. Nhưng khó khăn lớn nhất trong việc triển khai NHS là hành lang pháp lý đang rất thiếu ở Việt Nam. Khảo sát của Viện Chiến lược Ngân hàng thì có 84% ý kiến từ các TCTD cho rằng khó khăn, thách thức lớn cho quá trình số hóa ngân hàng là hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ…

Theo ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng ban, Ban nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: “Chúng ta có nhiều khung pháp lý nhưng chưa đủ triển khai NHS. Cốt lõi phải sửa đổi Luật, Nghị định về vấn đề này và cần phải sớm để hoàn thiện!”.

Cũng theo ông Hùng, khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển NHS còn chậm ban hành, mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như về chứng thực chữ ký số; xác định danh tính khách hàng; còn khung pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn đang thiếu…

Chuyên gia này đề nghị cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) có giới hạn; hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số (nạp, rút tiền mặt từ Tài khoản số; phát triển người dùng. Hỗ trợ thực hiện dịch vụ NHS có thu phí...); chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng; quy trình nghiệp vụ giao dịch điện tử qua ngân hàng, giám sát hoạt động NHS…

“Với những khó khăn này không không biết bao giờ các ngân hàng Việt Nam mới đến đích. Đúng như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói, Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải cuộc cách mạng về công nghệ mà trước hết là cuộc cách mạng về thể chế …” - TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phát biểu…

Đọc thêm