Làm thế nào “cứu” môn Lịch sử?

(PLO) -Những lời kêu cứu về chương trình học quá tải trong đó đặc biệt là môn lịch sử không ngớt vang lên trên diễn đàn mạng xã hội, báo chí. Một cô giáo đã thư cho tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nêu 8 điều thỉnh nguyện. Vì sao môn học thiết thực, hấp dẫn gắn liền với số phận của con người lại bị học trò quay lưng ngán ngẩm, thầy cô phải kêu than?  
Đưa học sinh thăm quan bảo tàng được đánh giá là một cách học Sử dễ nhớ, hiệu quả.
Đưa học sinh thăm quan bảo tàng được đánh giá là một cách học Sử dễ nhớ, hiệu quả.

Quá tải ở một số môn là tình trạng chung của hệ thống giáo dục hiện nay. Lời kêu cứu của cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên THPT tại TP.HCM làm dư luận xốn xang: “Xin Bộ trưởng hãy nhìn vào học sinh lớp 12 trong giờ học. Có được một kẽ hở thời gian nào là các em gục xuống bàn ngủ ngay bất cứ lúc nào. Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều.

Học ở trường, học thêm ở các trung tâm và thầy cô, học ở nhà, học từ sáng đến tối không kịp ăn, không được ngủ. Học như điên như khùng, để rồi khi thi xong thì chẳng nhớ gì. Ôm mớ kiến thức ôm đồm, nhưng ra đời chẳng áp dụng được bao nhiêu”.

“Kim cổ đông tây”

Đặc biệt trong cái mớ hỗn mang quá tải ấy, tình trạng quá tải của môn lịch sử là trầm trọng nhất. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) cho rằng tình trạng học sinh quá tải trong việc học hiện nay do chương trình của bộ đề ra khối lượng kiến thức các em phải học quá nhiều. 

Thầy Du đã viết: “Xin dẫn chứng, riêng bộ môn lịch sử trong chương trình THPT, học sinh phải học tất cả các kiến thức từ lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam, từ thời xã hội nguyên thủy đến năm 2000. Sử thế giới các em phải học lịch sử của nhiều khu vực, nhiều quốc gia trên thế giới.

Sử Việt Nam các em phải học từ tổ chức nhà nước thời phong kiến đến từng chủ trương của Đảng trong thời kỳ đấu tranh cách mạng...Với rất nhiều kiến thức như thế, rất dễ hiểu vì sao các em học sinh ngán ngại môn sử.” 

Không chỉ nặng về khối lượng kiến thức bao quát cả lịch sử nhân loại, lịch sử khu vực, quốc gia từ cổ chí kim trong một cấp học, mà nội dung chương trình học lại ôm đồm những tiểu tiết chưa chứng tỏ tính thiết thực thì thử hỏi học sinh làm sao không ngán ngại?

Thầy Lê Hồng (Trường THPT Hoằng Hóa 2, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng học lịch sử chỉ cần kiến thức ít thôi, thay vào đó là những dấu mốc cần thiết hơn là tham lam, dàn trải. Nếu như bất cứ chiến dịch nào cũng theo môtíp là “nguyên nhân”, diễn biến”, “kết quả”, “ý nghĩa” thì sẽ khiến các em học máy móc, rập khuôn.

Môn lịch sử đã rất khô khan, nếu người dạy dựa quá nhiều vào sách giáo khoa thì học sinh càng khó đón nhận. Mà khi học sinh không yêu môn lịch sử, đã thế lối dạy còn theo lối mòn thì việc học sẽ càng khó khăn hơn, từ đó các bạn trẻ rời xa môn lịch sử cũng là điều dễ hiểu.

Một bất hợp lý khác của chương trình lịch sử là khối lượng kiến thức quá nhiều, từ cổ chí kim mà thời lượng dạy lại quá ít.

Một thầy giáo cho rằng, mỗi tuần một tiết sử, mà một tiết phải truyền đạt bài dài đến bốn, năm mục thì dạy sao nổi, đành phải dạy qua loa. Học sinh thì học tủ, học theo kiểu trả bài rồi đến ngày mai lại quên ngay. Cách thi của môn lịch sử vẫn nặng về kiến thức, vẫn đòi hỏi chi tiết, số liệu một cách chính xác, dù đã có đổi mới đôi chút. Học sinh sợ phải nhớ kiến thức một cách máy móc kiểu này.

Càng “cải tiến” càng thêm rối

Cô Hoàng Thị Thu Hiền cũng phản ánh tình trạng bất ổn từ giáo viên tới phụ huynh, học sinh về những thay đổi liên tục trong giáo dục, đặc biệt là trong phương pháp dạy và học. “Dạy học theo “Nghiên cứu bài học” chưa đâu vào đâu lại chuyển sang “Tích hợp liên môn”, rồi phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Liệu sau đó có còn phương pháp “nhào bột”, “làm bánh” nữa hay không?”. 

Đối với môn Sử thì cải cách hiện nay là “liên môn” lồng ghép Sử với các môn khác mà giới Sử học phẫn nộ gọi là xóa bỏ môn Sử. Từ thực tế giảng dạy, thầy Du cho rằng “các trường THPT đang cố gắng thực hiện trong mệt mỏi.

Mỗi một bộ môn đều có chức năng khoa học riêng, cách tiếp cận ở mỗi bộ môn khác nhau, vì vậy việc cố gắng ghép các kiến thức trùng nhau đó thành chuyên đề chẳng những không giảm tải cho học sinh, mà còn tăng thêm khối lượng kiến thức và sự mệt mỏi của giáo viên”

Từ thực trạng rối rắm, mệt mỏi ấy, một số thầy cô đã kiến nghị rất nhiều giải pháp như: giảm tải chương trình học, chọn những điểm mốc, những nhân vật lịch sử quan trọng làm nội dung giảng dạy, xóa bỏ sự lồng ghép liên môn, cần chấm dứt áp đặt những quy định về phương pháp dạy theo hình mẫu từ bên trên đưa xuống mà để người thầy tự do chủ động giảng dạy theo phương pháp của mình. 

Có ý kiến phải gắn học với thi. Thầy Hồng đề nghị “Thực tế cho thấy học sinh hiện nay có tư tưởng thực dụng. Chỉ quan tâm học các môn mà các em dùng nó để xét tuyển vào đại học. Từ đó dẫn đến vấn đề học lệch. Nay đề nghị, trong kỳ thi THPT, tất cả các môn mà học sinh học ở phổ thông đều phải thi. Tuy nhiên, để giảm tải và không gây áp lực cho học sinh, tôi xin đề nghị môn sử cũng như các môn khác (ngoại trừ văn, toán) thi bằng hình thức trắc nghiệm trong 60 phút”.

Ý kiến khác của nhà nghiên cứu lịch sử Cao Tự Thanh lại cho rằng phải giải quyết dứt điểm hai chuyện, một là xác định rõ mục tiêu của giáo dục nói chung và xác định rõ mục đích của việc dạy sử trong nhà trường nói riêng.  

Học Sử để giải thích lịch sử

Vậy phải xác định mục tiêu giáo dục nói chung là gì? Ông Thanh nói: “Tôi nghĩ phải dạy người ta học để làm việc, sau này qua công việc họ sẽ tự học và được dạy cách làm người”.

Riêng với môn lịch sử, ông Thanh cho rằng: “Dạy sử học sử thì mục đích không phải là khen chê tốt xấu, đánh giá công tội, mặc dù cũng cần có định hướng về thái độ. Cái cần nhất cũng không phải là liệt kê những chuyện đã xảy ra trong lịch sử mà là giải thích tại sao những chuyện ấy đã xảy ra như thế, có như thế mới trang bị được cho người học những tri thức cần thiết về tính quy luật, tính ngẫu nhiên vân vân của lịch sử…

Nói cách khác, học sử không phải là tụng kinh thuộc lòng về diễn biến của lịch sử mà suy nghĩ để hiểu vì sao có sự kiện lịch sử đó cũng như hệ quả của nó với các chu kỳ tiếp theo”.

Với quan niệm này thì không nhất thiết bắt học sinh phải học lịch sử cổ kim đông tây, quốc gia, quốc tế. Chương trình học chỉ cần xác định khung kiến thức thiết yếu, gần gũi, liên quan đến Việt Nam. Nhưng ai sẽ là người lọc khung kiến thức cần thiết và lý giải khách quan, khoa học các hiện tượng lịch sử cho học sinh, trong khi bao chương trình, phương pháp học mới đều bị kêu ca?

Hãy thử nhìn lại chương trình giáo dục Việt Nam đầu tiên nói chung và chương trình lịch sử đầu tiên của Việt Nam nói riêng, còn được gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn. Chương trình này khi ấy được biên soạn ra đời chỉ trong vòng mấy tháng với số nhà giáo đếm chưa đầy hai bàn tay: Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim, Bùi Kỹ… Người có học vị cao nhất chỉ là thạc sĩ còn lại là những nhà giáo bình thường. Thế nhưng đây là nền tảng cho chương trình giáo dục từ năm 1945 đến mãi sau 1975.

Chính chương trình này đã đào tạo ra các nhà khoa học đầu đàn và nhận thức chung của nhiều thế hệ mà chưa nghe thấy sự phàn nàn kêu ca.

Kinh nghiệm từ thành công của chương trình này cho thấy biên soạn chương trình học và sách giáo khoa không nhất thiết phải cần nhiều người, không nhất thiết phải có học hàm học vị cao mà chủ yếu cần trái tim, khối óc của những nhà giáo nhiều kinh nghiệm dạy học, đồng thời vừa là những nhà khoa học từng dày công nghiên cứu. Ngoài tố chất kiến thức, kỹ năng nghiên cứu giảng dạy, yếu tố quan trọng nhất của nhóm biên soạn là tâm huyết, không có lấy một văn phòng làm việc, kinh phí, ngân sách...

Cần chẩn đúng căn nguyên “con bệnh” chương trình giáo dục, xác định đúng mục tiêu giáo dục hiện nay và tạo sự chuyển biến nhận thức. Việc định khung, chọn người nếu rơi vào con đường mòn, những viên chức hành chính đơn thuần, thì mọi việc nguy cơ sẽ “mèo lại hoàn mèo”.

Đọc thêm