Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, PGS. TS Trịnh Hoà Bình là hai vị khách mời có có nhiều kinh nghiệm, sự hiểu biết trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em.
Độc giả tham gia giao lưu, đặt câu hỏi cho các vị khách mời tại phần bình luận dưới bài viết này, hoặc gửi về hòm thư của thư ký phụ trách chương trình: vantung.phapluatvn@gmail.com.
10h28: Ông Dương Văn Thu (TPHCM) thắc mắc: Cháu tôi được xác định đã bị xâm hại, gia đình yêu cầu bồi thường. Vậy thiệt hại được tính như thế nào theo quy định pháp luật?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Điều 590 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau: 1, Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: a, Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. b, Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị hại nếu thu nhập thực tế của người bị hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. c, Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. d, Thiệt hại khác do luật quy định 2, Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 của điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đã cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Căn cứ điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm 1, Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: a, Chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại b, Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút c, Thiệt hại khác do luật quy định 2, Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp lại tổn thất về tinh thần do người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Do vậy, có 2 loại thiệt hại ở đây đó là thiệt hại về vật chất và tinh thần - Thiệt hại về vật chất theo khoản 1, những thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cháu có thể yêu cầu bồi thường bao gồm: a, Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại b, Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại c, Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế của người mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. d, Thiệt hại khác do luật quy định - Về thiệt hại tinh thần: Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định theo nghị quyết số 27/2016/QH14 thì từ ngày 1/7/2017 mức lương cơ sở là 1 triệu 300 nghìn đồng/ tháng do vậy mức bồi thường thiệt hại tinh thần không được vượt quá 50 x 1,3 triệu đồng = 65 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu thiệt hại xảy ra trước ngày 1/7/2017 khi đó sẽ áp dụng hiệu lực hồi tố theo khoản 2, điều 609 Bộ luật dân sự 2005 nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định. Vậy mức bồi thường thiệt hại tinh thần khi đó sẽ là 30 x 1,150 triệu đồng = 34,5 triệu đồng.
10h10: Chị B ở Quảng Ninh cho biết, con gái chị là nạn nhân bị XHTD, cơ quan điều tra rất nhiệt tình nhưng mỗi lần khai với điều tra viên, bé lại sợ hãi vì nhắc lại chuyện dữ. Vậy có cách nào để vẫn đảm bảo lời khai của bé mà không làm cháu sợ hãi không?.
PGS-TS Trịnh Hoà Bình: Con gái của chị B khi khai báo với các điều tra viên lại rất sợ hãi khi nhắc lại câu chuyện bị xâm hại là những phản ứng hết sức bình thường về mặt tâm lý. Rất có thể, sự “nhiệt tình” của điều tra viên lại cũng góp phần gia tăng mặc cảm của cháu bé và vì thế cháu bé trở nên thiếu cởi mở và đóng kín hơn, thậm chí bị trầm cảm hoặc có những lời khai sai lệch đối với thực tế đã diễn ra…
Trong trường hợp này, cần có những liệu pháp tâm lý tinh thần phù hợp cần thiết. Đó có thể là sự uyển chuyển linh hoạt, thể hiện tin cậy động viên của chính những điều tra viên; sự khơi thông, vỗ về chia sẻ của mẹ cháu và rất có thể còn phải cần đến sự tham gia của bác sĩ tâm lý, hay của những chuyên gia công tác bảo vệ trẻ em.
10h 07: Bà Vi Thị Ngọ ở Hà Nội đặt câu hỏi: Trong nhiều vụ án xâm hại, gia đình bị hại thường không có nhân chứng và dấu vết, trường hợp này gia đình phải làm gì?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Thông thường, khi không có nhân chứng và dấu vết, cơ quan điều tra sẽ dựa vào lời khai của người bị hại và kết quả khám sức khỏe của bệnh viện. Tuy nhiên, khi không có nhân chứng và dấu vết cụ thể chứng minh người bị hại bị ai khác xâm phạm thì pháp luật không thể khởi tố hay xử phạt đối tượng tình nghi được.
10h05 Độc giả Gia Linh (Yên Bái) hỏi: Tại sao việc dâm ô, hiếp dâm trẻ em lại toàn những đàn ông có tuổi?
PGS-TS Trịnh Hoà Bình: Việc dâm ô, hiếp dâm trẻ em hay diễn ra từ phía những đàn ông có tuổi. Bỡi lẽ, những tiếp xúc thông thường diễn ra giữa trẻ và đàn ông lớn tuổi thường dễ dàng hơn trong sự “thiếu phòng bị”, thậm chí là tin cậy, yêu quý của trẻ . (tất nhiên trong trường hợp là những đàn ông có dục vọng, hành vi xấu).
Về phía những đàn ông có tuổi đang nói ở đây, đã lợi dụng tối đa những “thế mạnh” của mình trong quan hệ với trẻ (gần gũi, quan tâm chăm sóc, ít bị nghi hoặc …).
10h00::Tôi có con gái đang tuổi đến trường. Tôi rất lo sợ khi thời gian gần đây các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo đến loại hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE), thậm chí với các em gái còn rất nhỏ tuổi. Nếu con tôi bị xâm hại ở trường học, nhà trường có phải chịu trách nhiệm không? (Trần Minh Hoa – Hải phòng)
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn Phải hiểu rõ thời gian nhà trường quản lý trẻ, mọi vấn đề xảy ra thì nhà trường là đối tượng phải chịu trách nhiệm. Khi đón con, phải kiểm tra tại chỗ, đừng mang con về rồi mới phát hiện, nhà trường sẽ thoái thác trách nhiệm do sự việc xảy ra ngoài nhà trường. Khi đến đón trẻ, nếu thấy dấu hiệu bất ổn, phải yêu cầu nhà trường, mời công an đến lập biên bản ghi nhận hiện trạng, rồi yêu cầu giám định pháp y. Trước hết phụ huynh nên nhắc nhở con mình đừng nên đi đến chỗ vắng, đừng đi đâu một mình chơi trốn tìm xa tầm mắt người thân… Và quan trọng phụ huynh hiểu biết về pháp luật, kịp thời thu thập chứng cứ ngay từ đầu nếu sự cố chẳng may xảy ra, đừng để việc xảy ra rồi mới kêu cứu. Phải tự bảo vệ con em mình, thu thập chứng cứ cho mình trước.
9h50: Chị Hoàng Thùy Loan ở Cao Bằng thắc mắc muốn phòng tránh cho con không bị xâm hại thì cần làm gì?
PGS-TS Trịnh Hoà Bình: Muốn phòng tránh cho con không bị xâm hại thì phụ huynh phải chủ động trang bị kĩ năng phản ứng phù hợp cho trẻ khi bị rơi vào những tình huống đó. Ví dụ như: Việc xâm hại có thể đến với cháu từ bất cứ đối tượng nào, các cháu phải có ý thức bảo vệ thân thể an toàn của mình…
-9h 45: Anh Trương Quốc Tuấn (Quảng Nam) đặt câu hỏi với cả hai vị khách mời: Khi nghi vấn con bị xâm hại tình dục thì phụ huynh cần làm gì?
PGS-TS Trịnh Hoà Bình: Các bậc cha mẹ khi đứng trước nghi vấn con trẻ bị xâm hại tình dục thì ngay lập tức phải ngăn chặn những điều kiện có thể tiếp tục diễn ra sự xâm hại đó; tìm hiểu phát hiện nguồn, đối tượng xâm hại tình dục và nhanh chóng tố cáo trước pháp luật; ổn định tâm lý động viên tinh thần cho trẻ, đưa con trẻ trở về trạng thái bình thường, chống sốc tâm lý.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Việc đầu tiên là bản thân phụ huynh phải tham vấn để nhận thức đúng hậu quả mà con đang phải chịu đựng. Qua tham vấn, phụ huynh sẽ được tư vấn sâu trong từng trường hợp, hỗ trợ trực tiếp cách ứng xử , nên nói gì, nên làm gì cho con. Vì mỗi đứa bé, mỗi độ tuổi có tâm tính,, suy nghĩ khác nhau. Dù lo lắng, nhưng các phụ huynh đừng làm cho con quá lo lắng, cảm thấy vấn đề quá nghiêm trọng vì điều đó dễ làm mất đi sự hồn nhiên của con em mình. Với những đứa trẻ không thực sự muốn đối diện với sự việc, thì phụ huynh không cân nhắc đi nhắc lại chuyện đã xảy ra. Sau khi lắng nghe con, phụ huynh tạm thời không nên đề cập tới mà để vết thương cho bé nguôi ngoai.
Với những trẻ có ý thức về sự việc đã xảy ra rồi, tự trách bản thân mình, thường có một số trẻ nghĩ là tại mình không nghe lời ba mẹ... ba mẹ cần cho con hiểu rằng con không có lỗi gì cả.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm câu hỏi tôi vừa trả lời bạn Nguyễn Minh Tuyến, Cao Bằng về việc thu thập nhân chứng, vật chứng, để phục vụ trong trường hợp cháu bé bị xâm hại, cần sự bảo vệ của pháp luật.
9h 45: Khi phát hiện con, em mình bị xâm hại, luật sư hướng dẫn chúng tôi cách nào để có thể thu thập nhân chứng, vật chứng đem nộp cho cơ quan điều tra? (Nguyễn Minh Tuyến, Cao Bằng).
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em thì yếu tố chứng cứ quan trọng nhất trong các vụ án hiếp dâm là kết quả giám định, bởi lẽ kết quả giám định sẽ xác định được xem có tinh trùng, tinh dịch và các vết tích của người thực hiện hành vị xâm hại tình dục trẻ em có trong âm đạo hay còn trên cơ thể của người bị xâm hại tình dục hay không.
Đây được xem là một trong những chứng cứ quan trọng nhất để cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Theo khoa học chứng minh, tinh trùng có thể sống trong tử cung người phụ nữ khoảng từ 24 giờ cho đến 72 giờ, sau 72 giờ thì hầu như không còn. Vậy nên, trong trường hợp vụ án đã xảy ra một thời gian dài, không còn tìm thấy tinh trùng thì phải căn cứ vào những chứng cứ khác để xem xét trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này, ngoài kết quả giám định thì cần phải dựa vào lời khai của bị hại, lời khai của bị can, nhân chứng, camera, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, đối chất và các hoạt động tố tụng khác để làm sáng tỏ vụ việc.
9h 42: Bạn Kiên Cường (Bình Thuận) hỏi: Một nội dung đáng chú ý, do tâm lý của nhiều gia đình cho rằng đó là điều đáng xấu hổ nên không dám tố cáo mà chỉ âm thầm thương lượng để giải quyết nên dẫn đến nhiều kẻ có hành vi xấu nhưng vẫn nhởn nhơ và dẫn đến nguy cơ tái diễn hành vi. Như vậy, cần có biện pháp gì đối với những hành vi này?
PGS-TS Trịnh Hoà Bình: Thực tiễn đã chỉ ra là lâu nay chúng ta vẫn đang hành xử theo logic “truyền thống” sao cho vui vẻ, ổn thoả cho tất cả các bên, “tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại” kia mà.
Đúng là nhiều gia đình đã và đang cho rằng việc đó (xâm hại tình dục trẻ em) là đáng xấu hổ cho nên đã không quyết liệt ứng xử và tố cáo và lựa chọn giải pháp âm thầm thương lượng. Chính vì vậy, nhiều kẻ thủ ác đã nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và đưa lại nguy cơ tái diễn hành vi tương tự với đối tượng khác hoặc chính trẻ em mà họ đã từng xâm hại. Vậy thì cần thiết phải có biện pháp thích hợp đối với những hành vi loại này: Tố cáo, khởi kiện.
9h 40: Một bạn có SĐT 3 số cuối... 910 hỏi bé gái hàng xóm bị xâm hại tình dục, bên cạnh nhiều người chia sẻ thì vẫn có những người dè bỉu, bàn tán. Việc làm của những người này có bị coi là vi phạm pháp luật hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Về hành vi của những người dè bỉu, bàn tán thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
a, Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.
Nếu hành vi này nghiêm trọng đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo điều 155 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội lạm nhục người khác, quy định như sau:
1, Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu cho đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2, Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a, Phạm tội từ 2 lần trở lên
b, Đối với 2 người trở lên
c, Lợi dụng chức vụ quyền hạn
d, Đối với người đang thi hành công vụ
đ, Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình
e, Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội
g, Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% cho đến 60%
3, Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a, Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
b, Làm nạn nhân tự sát
4, Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
9h 38: Bà Đinh Thị Hòa ở Vĩnh Phúc hỏi con gái bị xâm hại tình dục, đối tượng xâm hại mang tiền đến bồi thường. Vậy người này có bị pháp luật xử lý không?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi xâm hại tình dục trên bị khởi tố hình sự do hành vi này đã xâm phạm đến sức khỏe, thân thể của cháu.
Căn cứ điều 143 quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự, tức là chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên các căn cứ:
1. Tố giác của cá nhân
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng
4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm
6. Người phạm tội tự thú
Do vậy, việc đối tượng có hành vi xâm hại tình dục cho con gái của chị mà đưa tiền bồi thường chỉ là một trong số những biện pháp nhằm khắc phục hậu quả, không ảnh hưởng gì đến việc cơ quan chức năng thực thi pháp luật, bao gồm: Khởi tố, truy tố, xét xử.
9h 35: Bạn Chí Linh (Buôn Mê Thuật) hỏi: Làm thế nào có biện pháp răn đe cho những sự việc đã rồi?
PGS-TS Trịnh Hoà Bình: Với những sự việc đã rồi phải nghiêm trị theo tinh thần của luật pháp một cách kịp thời và thích đáng. Trên bình diện xã hội, đó còn là những biện pháp, những hình thức truyền thông, vận động xã hội trên diện rộng hướng đến việc trang bị tri thức và kĩ năng cho cộng đồng, tạo một môi trường lành mạnh, an toàn và phù hợp cho trẻ.
9h31: Luật sư Hoàng Văn Thủy (Bến Tre): Bị hại bao nhiêu tuổi thì hành vi phạm tội được gọi là xâm hại tình dục trẻ em? Những yếu tố nào cấu thành nên tội Xâm hại tình dục trẻ em?.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo Điều 146, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh… thì bị phạt tù từ 3-7 năm.
Phạm tội gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
9h 28: Độc giả Minh Trang (Hà Nội): Thưa nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình, ông có thể lý giải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiếp dâm gia tăng, đặc biệt là nạn xâm hại tình dục trẻ em?
PGS. TS Trịnh Hoà Bình: Đây có thể là phức hợp các nguyên nhân chứ không phải là một nguyên nhân đơn lẻ: Sự phát triển kinh tế xã hội trong thời kì mới, sự xuống cấp đạo đức xã hội và xu hướng thoả mãn nhu cầu cá nhân lệch lạc của một bộ phận trong xã hội… Với nạn xâm hại tình dục trẻ em còn là sự thờ ơ, thiếu quan tâm và nhận thức chưa đầy đủ về mặt pháp luật của cộng đồng.
9h22: Trong quá trình cơ quan tố tụng, toà án giải quyết các hình phạt tương xứng chưa và tại sao? Hải Nam ( Kiên Giang)
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Trên thực tế , việc xét xử với tội phạm có hành vi “dâm ô với trẻ em” hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu thập chứng cứ.
Theo bộ Luật Hình sự (2015) thì hành vi xâm hại tình dục trẻ em được quy định với 4 tội danh: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu và dâm ô.
Tại Khoản 1 Điều 146 của Luật này quy định tội “dâm ô” như sau: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên có hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Tuy nhiên, những tội liên quan đến “hiếp dâm”, “giao cấu” được quy định rõ ràng các yếu tố cấu thành tội danh. Nhưng đối với tội “dâm ô” thì hiện nay vẫn là một bài toán khó. Quan niệm về truyền thống văn hóa, ai yêu thương thì cũng có thể cưng nựng trẻ em nên khó phân định được hành vi yêu thương và hành vi dâm ô, xâm hại đến trẻ là như thế nào. Bằng chứng của kẻ phạm tội có hành vi “dâm ô” chỉ có thể được chứng minh khi có người làm chứng hoặc được ghi hình lại. Điều này hiện rất khó vì có những vụ việc xảy ra đã lâu, có trường hợp gia đình biết nhưng vẫn im lặng vì thấy con mình chưa bị tác động về thể chất . Yếu tố tâm lý cộng với chứng cứ pháp lý không có nên tòa án khó có thể giải quyết được, nhiều hồ sơ phải trả về. Hiện nay chế tài xử lý hành vi dâm ô đối với trẻ em chưa tương xứng. Khi xử lý hành vi này với kẻ phạm tội, các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự kiên quyết giải quyết dứt điểm, kịp thời, từ đó khiến dư luận xã hội nhận thấy việc xử lý chưa thuyết phục, chưa đủ răn đe.
9h 20: Độc giả Nguyễn Văn A ở Nghệ An hỏi: Trường hợp phát hiện cháu họ bị xâm hại nhưng nạn nhân không tố cáo, vậy bố mẹ cháu có được làm đơn tố cáo không? Những ai có thể làm đơn tố cáo được nữa?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo quy định của pháp luật tại điều 155 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, tức là chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại trong những trường hợp sau:
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1, các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141 (về các tội hiếp dâm), hay là điều 143 tội cưỡng dâm, điều 155, điều 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Tại điều 143 quy định, căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định tội phạm dựa trên các căn cứ:
1. Tố giác của cá nhân
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng
4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm
6. Người phạm tội tự thú
Đối với hành vi xâm hại người dưới 16 tuổi, chỉ cần có người có căn cứ, bằng chứng về việc cháu họ bị xâm phạm và báo cho cơ quan chức năng thì người có hành vi xâm phạm trên vẫn bị khởi tố bình thường.
9h12: Con trai tôi 9 tuổi, hàng xóm nhà tôi có một bác gái lập nghiệp ở xa, thỉnh thoảng mới về quê. Mỗi lần về thường gọi con tôi sang chơi, cho cháu rất nhiều quà bánh. Nhưng bà ta cũng có những biểu hiện yêu quá đà, khiến con tôi khó chịu, xấu hổ. Thậm chí hôm vừa rồi, cháu còn biểu hiện đau đớn. Tôi rất lo ngại! Xin luật sư và chuyên gia cho biết bé trai có phải là nạn nhân được pháp luật bảo vệ tránh bị xâm hại tình dục không? Tôi phải làm gì trong trường hợp này? Có thể kiện bà ta không? (Nguyễn Cẩm Thi – Cần Thơ)
PGS. TS Trịnh Hoà Bình: Chắc chắn con trai chị là nạn nhân của những hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục của người phũ nữ đó.
Bởi lẽ cháu còn cảm thấy đau đớn và xấu hổ, tình trạng đó rất có thể dẫn cháu đến hành vi, những ý nghĩ rất tiêu cực và trở nên đóng kín với mọi người và đe doạ chính sự an toàn của cháu. Tất nhiên người phụ nữ đó có quyền kiện ra Toà. Cháu trai nhà chị là đối tượng được pháp luật bảo vệ trong trường hợp này.
Một khi chị chưa khởi kiện hành vi của người phụ nữ nói trên thì chị cũng phải chấm dứt ngay lập tức việc gặp gỡ giữa cháu và người phụ nữ.
9h10: Thưa luật sư, Tội hiếp dâm được xem là tội phạm có cấu thành hình thức. Do đó, việc đánh giá tội phạm đã hoàn thành việc giao cấu về mặt sinh lý hay chưa không phải là yếu tố để định tội danh.Vậy việc định danh tội này sẽ phụ thuộc vào những chứng cứ nào? Linh Anh (Tuyên Quang)
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi :
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
Chứng cứ quan trọng nhất trong các vụ án hiếp dâm là dựa vào kết quả giám định. Vì kết quả giám định sẽ xác định xem tinh trùng, tinh dịch và các vết tích của người thực hiện hành vi hiếp dâm có trong âm đạo hay còn trên cơ thể của người bị hiếp dâm hay không. Đây được xem là một trong những chứng cứ quan trọng nhất để cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Theo khoa học, tinh trùng có thể sống trong tử cung người phụ nữ khoảng từ 24 giờ đến 72 giờ, sau 72 giờ thì hầu như không còn. Vậy nên trong trường hợp vụ án đã xảy ra một thời gian, không còn tìm thấy tinh trùng thì phải căn cứ vào những chứng cứ khác.
Để xem xét trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này, ngoài kết quả giám định thì cần phải dựa vào lời khai bị hại, lời khai bị can, nhân chứng, camera, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, đối chất và các hoạt động tố tụng khác để làm sáng tỏ vụ việc. Ngoài ra, cơ quan tố tụng phải chứng minh được người thực hiện hành vi đã dùng vũ lực hay đe dọa dung vũ lực, ép buộc , lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu để hiếp dâm trái với ý muốn của nạn nhân .
9h00: Thưa luật sư, nguyên nhân theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng hiếp dâm gia tăng?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn- Giám đốc Công ty TNHH TGS: Theo tôi, Tình trạng hiếp dâm gia tăng do một số nguyên nhân sau: Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của gia đình trong việc bảo vệ chính những đứa con thân yêu của mình. Việc cha mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình chính là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Đặc biệt hiện này, tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em không muồn nói chuyện với cha mẹ, thâm chí bỏ học, lang thang và bị xâm hại tình dục.
Thứ hai, trẻ em ở nhà một mình, đi đâu đó một mình nơi vắng là nguyên nhân trực tiếp và tạo điều kiện cho những kẻ xấu có hành vi xâm hại tình dục .
Thứ ba, thực trạng rất đau lòng hiện này là có những cháu bị xâm hại tình dục nhưng không hề biết việc mình bị xâm hại. Đó là do bản thân cha mẹ không nhận thức được các trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại, đa phần cha mẹ vẫn còn e ngại, thậm chí không dạy trẻ biết được những bộ phận nào trên cơ thể mà người khác không được động vào, gia đình và nhà trường không trang bị cho các cháu những kiến thức nền tảng để hiểu rõ về cơ thể mình, những biện pháp để các cháu có thể phòng tránh và tự bảo vệ chính mình
Về khách quan, có những nguyên nhân sau:
Thứ nhất là sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực và khiêu dâm đã góp phần dẫn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại.
Thứ hai là các quy định trong hệ thống luật pháp chưa đưa ra và xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em còn chưa được đồng bộ, cụ thể như pháp luật không có quy định những hành vi như nhìn, ngắm, vuốt ve, sờ mó, ôm ấp… là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Trong khi, đó chính là nguồn cơn dẫn đến việc số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn- Giám đốc Công ty TNHH TGS tham gia chương trình giao lưu trực tuyến. |
9h00- Một người mẹ có con gái 6 tuổi ở HN gọi điện đến đường dây nóng của báo PLVN, chị kể lại câu chuyện khá đau lòng. Chị phát hiện con gái bị ông nội thường xuyên có hành vi dâm ô. Câu chuyện này cả gia đình không ai tin, thậm chí còn quay sang mắng nhiếc mẹ con chị. Họ cho rằng chị đặt điều để nói xấu gia đình chồng, tạo điều kiện để được ly hôn,, còn cháu bé do mẹ xúi mà bịa chuyện.
Chị rất mong được các chuyên gia tư vấn. Về góc độ gia đình, chị phải làm sao để không bị ảnh hưởng đến cuộc sống, sự yên ấm của gia đình, nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn,công bằng cho con gái chị. Nếu chị kiện ông nội bé gái ra tòa thì chị có mất hết tất cả không, trong khi chị không có bằng chứng gì, chỉ là lời kể lại của con gái chị?
PGS. TS Trịnh Hoà Bình: Thật khó để đặt vấn đề chu toàn mọi nhẽ trong trường hợp này, người phụ nữ này hi vọng rằng được tư vấn làm sao để không bị ảnh hưởng đến cuộc sống sự yên ấm của gia đình nhưng phải đảm bảo sự an toàn cho con gái của chị. Đấy là một vấn đề thật khó giải, rõ ràng phải có ưu tiên lưa chọn hơn đó là an toàn công bằng và phát triển lành mạnh của con gái chị.
Điều đó có nghĩa là chị phải hướng đến sự chấm dứt nguy cơ đe doạ đến an toàn đến phát triển của con gái mình.
Vậy người cần đối thoại trước tiên chính là nguồn xâm hại con gái chị hoặc là chị hoặc có thể là người nào đó được chị nhờ cậy để trao đổi thẳng thắn với ông nội cháu. Để đảm bảo chắc chắn rằng nguồn xâm hại đó phải được chấm dứt và đồng thời phải có phương pháp cách li cháu khỏi cái môi trường mà đã diễn ra những xâm hại đó.
Chúng tôi cho rằng, nếu những yêu cầu này không được thực hiện thì có lẽ mẹ con nhà chị phải có một địa chỉ khác để “lánh nạn”. Chắc chắn rằng, trường hợp này chị chỉ cần có một lựa chọn thôi đó là bảo vệ sự an toàn của con gái chị. Dẫu rằng phái ông Nội cháu có sự thừa nhận hay không thừa nhận. Như thế, không có sự toàn vẹn cho tất cả các phía.
PGS. TS Trịnh Hoà Bình đang trả lời câu hỏi của độc giả |