Góp phần phòng ngừa tiêu cực
Sau thời gian thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác, đặc biệt, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-BCSĐ ngày 14/3/2014 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ các cơ quan THADS giai đoạn 2014-2016, công tác này trong Hệ thống THADS đã dần đi vào nền nếp.
Việc điều động, luân chuyển, biệt phái công chức trong Hệ thống THADS đã tăng cường công chức cho những cơ quan THADS đang có nhu cầu cấp bách hoặc nhiều khó khăn về công tác cán bộ. Ngoài ra, công tác luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác còn góp phần chủ động phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động THADS tại địa phương.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ của các công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ mới khi được luân chuyển, điều động, các công chức có cơ hội học hỏi thêm các kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết công việc ở các vị trí, điều kiện công tác khác nhau, qua đó góp phần đào tạo, bồi dưỡng công chức thi hành án một cách toàn diện.
Đặc biệt, công tác luân chuyển đã tạo cơ hội cho các công chức trẻ có triển vọng phát triển, đồng thời cũng là cách thức để Lãnh đạo đơn vị khảo nghiệm cán bộ, làm căn cứ cho việc bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác luân chuyển và công tác điều động còn chưa có sự đồng đều. Kết quả số lượng công chức được luân chuyển, điều động thời gian qua cho thấy công tác luân chuyển chưa được các đơn vị chú trọng thực hiện để tương xứng với yêu cầu chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Một số trường hợp được luân chuyển, điều động chưa dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đào tạo mà chỉ đáp ứng trước mắt nhiệm vụ công tác chuyên môn của đơn vị.
Ngoài ra, quy định về điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức THADS hiện nay còn bộc lộ bất cập. Theo Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/3/2017 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống THADS, một trong những điều kiện để bổ nhiệm lại đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là chưa đảm nhiệm đủ thời gian 2 nhiệm kỳ liên tiếp chức vụ lãnh đạo, quản lý đang được xem xét bổ nhiệm lại.
Do đó, việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác sẽ được thực hiện đối với tất cả các công chức thi hành án giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đủ 2 nhiệm kỳ liên tiếp bao gồm cả cấp trưởng và cấp phó. Tuy nhiên, việc điều động, chuyển đổi vị trí đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phó hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Cần có chính sách hỗ trợ đối với công chức THADS luân chuyển, biệt phái
Toàn Hệ thống hiện có 21 Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục, 139 Phó Cục trưởng, 1.021 Phó Chi cục trưởng, trong đó số lượng Phó Cục trưởng giữ chức vụ từ 2 nhiệm kỳ trở lên chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Việc bổ nhiệm lại vị trí lãnh đạo cấp phó ở các đơn vị trong hệ thống được thực hiện ở các thời điểm khác nhau nên việc bố trí, sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác đối với cấp phó gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không thể bố trí được.
Mặt khác, nếu thực hiện triệt để quy định trên thì cần phải điều động một số lượng rất lớn cán bộ, điều này sẽ ảnh hưởng tới tính ổn định trong Hệ thống THADS, gây tâm lý bất ổn, không yên tâm công tác đối với nhiều công chức đang giữ chức vụ cấp phó.
Mặt khác, theo quy định hiện nay, chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức luân chuyển, biệt phái chỉ là bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển nếu vị trí công tác mới có phụ cấp chức vụ thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện hưởng và chế độ ưu đãi đối với công chức biệt phái tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, chế độ và đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ rất hạn chế trong khi công chức được luân chuyển, biệt phái gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống khi nhận nhiệm vụ mới. Điều này đã ảnh hưởng tới tâm lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ của các công chức được luân chuyển, biệt phái.
Do vậy, để việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác trong Hệ thống THADS đạt hiệu quả tốt hơn nữa thì cần đặt công tác này trong tổng thể công tác cán bộ của mỗi đơn vị, tránh việc phân khúc từng nhiệm vụ. Tổng cục THADS cần nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về chính sách hỗ trợ đối với công chức THADS theo luân chuyển, biệt phái để hỗ trợ các điều kiện thiết yếu, tạo tâm lý an tâm cho công chức thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn. Trước mắt, đối với việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác, cần tập trung triển khai thực hiện đối với cấp trưởng đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định của Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/3/2017 của Bộ Tư pháp liên quan đến việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cấp phó giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp để đảm bảo tính khả thi.