Trong lần đầu công bố, vị trí số 1 thuộc về Đại học Quốc gia Hà Nội với 100 điểm. Tiếp đến là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với 95 điểm. Những cái tên tiếp theo trong top 10 là: Trường Đại học Tôn Đức Thắng (89,8 điểm), Đại học Bách khoa Hà Nội (86,9 điểm), Trường Đại học Duy Tân (79,7 điểm); Trường Đại học Kinh tế TPHCM (70,1 điểm), Trường Đại học Cần Thơ (69,2 điểm), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (68,2 điểm), Đại học Đà Nẵng (67,9 điểm), Đại học Huế (67,5 điểm).
Bảng xếp hạng này ra đời sau hơn 2 năm nhóm nghiên cứu làm việc trong khuôn khổ hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận.
Tuổi đời trung bình của trường đại học để lọt vào top 100 là 34 năm. Tuy nhiên có sự phân hóa khá rõ nét là nhóm 1/3 các trường có thứ hạng cao nhất có tuổi đời trung bình là 48 năm, nhóm 1/3 ở giữa là 30, còn nhóm 1/3 ở cuối top 100 là 23 năm.
Tuy nhiên, một số trường đại học có tuổi đời thấp nhưng có thứ hạng cao như: Trường đại học Thủ Dầu Một (13 năm, thứ hạng 15), Trường đại học Thủ đô Hà Nội (8 năm, thứ hạng 34), Trường đại học Phenikaa (4 năm, thứ hạng 41), Học viện Tòa án (7 năm, thứ hạng 93).
Ngược lại, có một số trường có tuổi đời cao, song dường như có thứ hạng chưa tương xứng như: Trường đại học Y Hà Nội (77 năm, thứ hạng 29), Trường đại học Y Dược TP HCM (75 năm, thứ hạng 49), Trường đại học Hải Phòng (63 năm, thứ hạng 78), Trường đại học Lâm nghiệp (53 năm, thứ hạng 90).
VNUR (Viet Nam’s University Rankings) là Bảng xếp hạng các trường Đại học của Việt Nam đầu tiên, được công bố trong lãnh thổ Việt Nam, dựa vào các tiêu chuẩn và tiêu chí phù hợp với thực tiễn, các định hướng về chuẩn mực và chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam cũng như các nguyên tắc xếp hạng quốc tế.
VNUR tiến hành việc xếp hạng các trường đại học thông qua thu thập và xử lý số liệu theo 6 tiêu chuẩn, bao gồm 17 tiêu chí quan trọng, đảm bảo được sự đối sánh toàn diện và cân bằng nhất, qua đó đảm bảo độ tin cậy cao đối với học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp, sinh viên đại học, cũng như các trường đại học và Chính phủ.
Ngoài các thông tin về xếp hạng chung, người đọc có thể tham khảo các khía cạnh xếp hạng trường đại học theo loại hình công lập hoặc tư thục, theo vùng/miền, theo tỉnh/thành, theo khối ngành và theo từng tiêu chuẩn.
VNUR sẽ giúp học sinh phổ thông, phụ huynh học sinh có những thông tin thân thiện, dễ hiểu, đáng tin cậy về các trường ĐH Việt Nam; từ đó có thể chọn trường phù hợp để theo học. Đây cũng là một trong công cụ đánh giá mà các doanh nghiệp, các trường ĐH trong và ngoài nước có thể sử dụng để lựa chọn trường liên kết và hợp tác.
Một mục đích khác của VNUR là giúp sinh viên ĐH có thông tin chính xác để cân nhắc việc điều chỉnh ngành nghề học tập; nếu cần thiết thì lựa chọn lại trường cho phù hợp hơn với năng lực, điều kiện của cá nhân. Giúp các giảng viên tìm các vị trí giảng dạy cụ thể hoặc đưa ra quyết định hợp tác với trường Đại học.
Lãnh đạo các trường Đại học có thể dùng VNUR để đánh giá mức độ cạnh tranh của mình với các trường Đại học khác trong nước, từ đó đưa ra các quyết định quản lý phù hợp để cải thiện toàn diện tính cạnh tranh của trường. VNUR đồng thời có thể là công cụ giúp các nhà quản lý giáo dục Đại học Việt Nam đánh giá, định hướng phát triển cho hệ thống này.