Lần đầu công khai vụ án quan chức cao cấp thuê người giết vợ

(PLO) -Một tối, Bân về nhà rất muộn sau khi tiếp khách. Khi đang tắm giặt trong nhà vệ sinh thì ông chợt nghe điện thoại báo có tin nhắn. Vốn đã nghi ngờ chồng bởi lâu nay nhạt chuyện chăn gối nên Hồng nhanh tay mở máy ra xem thì mặt biến sắc khi thấy một tin nhắn rất mùi mẫn với tên người gửi là “Em yêu”… 
Lã Đức Bân xuống cơ sở

(tiếp theo kỳ trước)

Hồng nổi giận, lập tức xông vào nhà tắm hỏi tội chồng. Bân phải quỳ xuống xin tha, nhưng Hồng vẫn giáng cho chồng mấy cái tát và quyết không tha thứ. Sau đó, tuy Bân đã thề thốt chấm dứt quan hệ với Trương Hải nhưng Hồng vẫn không ngừng gây sự.

Một lần, có một người lạ gọi đến cho Hồng nói “bà hãy quản chặt chồng, đừng để đi dụ dỗ vợ người khác”, Hồng tin rằng Bân lại có người tình khác ở ngoài. Một buối tối tháng 4/2004, một người bạn đến nhà Bân chơi đã chứng kiến cảnh Hồng bất chấp nhà có khách, tay cầm dao nhọn đuổi chồng chạy khắp nhà, vừa đuổi vừa chửi.

Quyết “cá chết lưới rách”

Sau khi chuyện Bân ngoại tình vỡ lở, thái độ của Hồng với nhà chồng cũng thay đổi hẳn. Bà ta rất căm hận chồng, nhưng lại lo sợ chồng bỏ rơi mình vì không mất đi vị thế “phu nhân Phó tỉnh trưởng” đã đem lại cho bà ta mọi thứ. Từ tâm thế phức tạp đó, Hồng bắt đầu lập kế hoạch kiểm soát mọi thu nhập tài chính và mọi hoạt động của Bân ngoài 8 giờ hành chính.

Hồng yêu cầu Bân hết giờ phải lập tức về nhà, chậm một chút là gây náo loạn. Tiền lương và mọi khoản thu nhập phải nhất nhất giao nộp cho Hồng bảo quản, mọi chi tiêu phải được Hồng đồng ý; không được lai vãng đến gần Trương Hải; dọa nếu không tuân theo sẽ báo cáo mọi chuyện lên tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra kỷ luật khiến Bân thân bại danh liệt.

Một ngày trung tuần tháng 8/2004, Lã Đức Bân đến thị xã Tân Hương họp, đặt phòng tại khách sạn. Trần Tuấn Hồng bí mật bám theo; tối hôm đó, bà ta lần tới bắt quả tang chồng và Trương Hải đang mây mưa với nhau. Sau đó, Hồng nhiều lần tìm đến lãnh đạo tỉnh ủy phản ảnh về những điều xấu xa của chồng, tình cảm quan hệ vợ chồng của họ hoàn toàn tan vỡ. 

Sau khi thận trọng xem xét, Lã Đức Bân đề nghị ly hôn và đồng ý chi cho Trần Tuấn Hồng khoản tiền bồi thường rất lớn. Lúc đầu Hồng đồng ý, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ và trưng cầu ý kiến người nhà, bà ta lại thay đổi. Hồng nói với Bân: Sẽ không ly hôn, nếu ông cứ quyết bỏ bà ta thì “cá chết lưới rách”, bà sẽ tố cáo chuyện Bân nhận hối lộ để tống ông vào tù; sau đó Bân không dám nhắc đến 2 chữ “ly hôn” nữa.

Là Phó tỉnh trưởng, phải giao lưu, ứng thù bên ngoài rất nhiều. Bạn bè, đồng hương gặp vấn đề gì cũng khó tránh khỏi tìm đến Trịnh Châu nhờ Bân giúp, nhưng đều bị Hồng kiên quyết phản đối; từ đó, Bân lâm vào cảnh khốn khổ. Nếu trước đây, với Quách Lệ Quyên chỉ “văn náo” thì Trần Tuấn Hồng lại ưa “võ đấu”.

Hễ cãi nhau là bà ta chửi bới, đấm đá, cào cấu, thậm chí dùng dao uy hiếp khiến Bân phải quỳ xuống xin tha. Bà ta còn dùng những ngôn từ hạ lưu để chửi rủa, nhục mạ, khiến Bân nhiều phen mất mặt.

Bị vợ ức hiếp, sỉ nhục ở nhà, Lã Đức Bân chỉ còn cách chia sẻ, giãi bày với lái xe, thuộc cấp và một số lãnh đạo tỉnh để giải tỏa nỗi niềm uất ức của bản thân. Vì vậy, chuyện bất hạnh gia đình của ông ta không mấy ai trong tỉnh ủy, chính quyền tỉnh không biết rõ. Nhiều người có chung quan điểm: Lã Đức Bân sống hèn đớn, nhu nhược quá!

Lã Đức Bân

Ra tay giúp quan trên giết vợ

Giữa lúc Lã Đức Bân đang bị vợ giày vò không ngóc lên được, tháng 6/2004, Phó thị trưởng Tân Hương Thường Ngọc Hòa tìm đến nhà thăm quan trên. Hòa năm đó 43 tuổi; tháng 7/2000 là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp, tháng 7/2002 khi tỉnh Hà Nam tiến hành hoán đổi cán bộ, Hòa được điều về làm Phó thị trưởng Tân Hương, phụ trách công tác nông nghiệp, có quan hệ cấp dưới trực tiếp với Bân, Hòa còn đang làm nghiên cứu sinh tại chức ở ĐH Nông nghiệp, nên tôn xưng Bân là thầy.

Chiều 15/6/2004, lấy cớ báo cáo công tác, Hòa mời Bân đến ăn tại nhà hàng của khách sạn “Thanh Cung Sí” ở gần tòa nhà tỉnh ủy. Sau mấy tuần rượu, Bân đem nỗi khổ của mình trong nhà tâm sự với Hòa. Thấy thầy tin tưởng mình như thế, Hòa rất mừng, lập tức đề nghị thầy “chịu không nổi thì ly hôn quách”. Bân nói thật đây là cuộc hôn nhân thứ hai, mình lại là cán bộ lãnh đạo, ly hôn không phải chuyện dễ. Hòa biết là có chuyện gì đó uẩn khúc bên trong nên không nói đến việc khuyên ly hôn nữa.

Sau đó, Hòa thường xuyên liên lạc qua điện thoại với Bân, hoặc báo cáo công việc, hoặc hỏi han chuyện nhà, quan hệ hai người nhanh chóng gắn bó thân thiết. Cuối năm 2004, theo quyết định của trung ương, tỉnh Hà Nam chuẩn bị thành lập Liên xã tín dụng nông thôn phụ trách điều phối công tác kinh tế, là đơn vị cấp sở.

Thường Ngọc Hòa nghe tin liền nảy ra ý định muốn về làm chân đảng ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỷ luật. Một hôm, Hòa đến Trịnh Châu, tới phòng làm việc của Bân bày tỏ nguyện vọng, Bân nghe xong liền nói sẽ giúp cho. Hòa rất mừng.

Bân lập tức gọi điện cho vị Phó tỉnh trưởng thường trực hỏi về chuyện bố trí nhân sự cơ quan mới thì được biết chức vụ Hòa muốn ngồi vào có yêu cầu rất chặt về lý lịch và các điều kiện khác, Thường Ngọc Hòa không thích hợp. Tuy chuyện không thành, nhưng Hòa cho rằng Bân là vị lãnh đạo có tâm, chu đáo, là người có thể thâm giao.

Một ngày tháng 10/2004, vợ chồng người anh Bân ở quê ra thăm. Khi ăn cơm tối, Hồng đã tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Tối đó, Bân muốn giữ anh chị ngủ lại nhà mình, nhưng Hồng kiên quyết phản đối, Bân đành phải sắp xếp cho anh chị ra ngủ ngoài khách sạn. Đêm đó hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt, Bân tức quá mà không dám đánh chửi vợ, chỉ khóc ròng.

Hôm sau, Hòa tới Trịnh Châu mời Bân đi ăn, Bân nói thật với Hòa những điều uất ức, khổ sở mà mình phải chịu từ người vợ quái đản bao năm qua và nói: “Sống cả đời với con mụ nặc nô này chi bằng tìm ai đó nhờ đánh cho nó tàn phế rồi nuôi cả đời anh cũng cam lòng”. Hòa liền nói: “Nếu anh có ý đó, cứ để em lo”. Tối đó, hai người bàn nhau tìm người cho Hồng “một bài học” để Hồng ra đi chứ không đánh chết.

Tòa án thành phố Trịnh Châu, nơi xét xử Lã Đức Bân

Lập mưu “cho một bài học”

Trong 2 tháng 10 và 11/2004, Bân và Ngọc nhiều lần bàn chuyện mưu hại Hồng tại phòng làm việc của Bân hoặc qua điện thoại. Cuối năm 2004, Hòa tìm được Trương Tuyết Tùng là đồng hương cùng huyện Đường Hà, hứa cho nhiều tiền để Tùng ra tay giúp. Tùng 38 tuổi, trước đó nhờ người giới thiệu làm quen với Phó thị trưởng Tân Hương Thường Ngọc Hòa. Hòa vừa gặp mặt, thấy Tùng là người trọng nghĩa khí, liền sốt sắng nhận lời giúp tìm việc.

Đầu tiên Hòa sắp xếp để Tùng quản lý lâm trường mà gia đình Hòa nhận khoán; sau đó bố trí cho Tùng giữ chức Phó giám đốc ở Công ty sinh thái nông nghiệp Tân Hương, có danh vị, lại có xe riêng, vì vậy Tùng rất biết ơn Hòa, Hòa bảo gì cũng đều nghe theo.

Sau khi nhận “nhiệm vụ” từ Hòa giao, trong dịp Tết 2005, Tùng 3 lần theo Hòa đến nhà Bân để nhận mặt Hồng và chuẩn bị gây án, Để giữ an toàn, Tùng chỉ liên hệ với Hòa, Bân cũng chỉ liên hệ với Hòa theo kiểu đơn tuyến, không bao giờ Bân liên hệ trực tiếp với Tùng.

Về phương án sát hại Hồng, Bân và Hòa mãi không tìm ra được phương án nào thích hợp. Trong thời gian đó, Hòa chi tiền cho Tùng mua 2 khẩu súng ngắn để phòng khi sử dụng…/.(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương, số 90)

Đọc thêm