Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, qua thăm khám đầu và làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện người bệnh có các biểu hiện hình thể bên ngoài bất thường như: môi dày, mũi to, da thô ráp, giọng nói ồm, và các xương đầu chi (tay, chân) to. Ngoài ra, ông H.V.D còn có huyết áp, đái tháo đường với đường máu tăng rất cao kèm suy thận.
Người bệnh sau đó được làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, kết quả sọ não phát hiện 1 khối u tuyến yên kích thước 27x19x20mm và nhiều ổ nhồi máu não cũ nhân xám thần kinh trung ương 2 bên...
Người bệnh được chẩn đoán: U tuyến yên, đái tháo đường type II, đợt cấp suy thận mạn, tăng huyết áp. Từ những chẩn đoán trên, người bệnh có chỉ định phẫu thuật loại bỏ u tuyến yên, điều trị kiểm soát tình trạng huyết áp cao, đái tháo đường và suy thận.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – Khoa Nội tiết – Đái tháo đường của bệnh viện cho biết: "Người bệnh rất may mắn khi được phát hiện và điều trị kịp thời “ổ bệnh” nguy hiểm trong cơ thể. Nếu người bệnh không được điều trị thì nguy cơ khối u tuyến yên sẽ lớn lên, gây chèn ép các phần lân cận của não, các dây thần kinh liên quan đến thị giác hoặc các cấu trúc quan trọng khác. Nguy hiểm hơn, nếu khối u tuyến yên di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, không điều trị kịp thời có thể gây tử vong".
Cũng theo bác sĩ Hương, tình trạng suy thận nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến suy thận mức độ nặng và phải chạy thận nhân tạo, lọc máu chu kỳ. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thận, thần kinh, thị giác… Tình trạng huyết áp cao nếu không được điều trị và kiểm soát tốt cũng có thể gây các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận… thậm chí dẫn đến tử vong.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động đi khám sức khỏe tổng quát định kì hàng năm để có thể phát hiện bệnh sớm và được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra.