Lần đầu ra mắt Sách trắng về tôn giáo: Mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, trong đó có thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
 Ban Tôn giáo Chính phủ trao tặng cờ Tổ quốc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại lễ kỷ niệm 39 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2020. (Ảnh phatgiao.org.vn.webp)
Ban Tôn giáo Chính phủ trao tặng cờ Tổ quốc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại lễ kỷ niệm 39 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2020. (Ảnh phatgiao.org.vn.webp)

Quyền tự do tín ngưỡng là nguyên tắc hiến định

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, tại Việt Nam hiện có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Hiện Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha'i... Trong đó Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự vào năm 2021. Kế đến là Công giáo với trên 7 triệu người theo và 7.771 cơ sở thờ tự. Đạo Tin Lành và đạo Cao Đài lần lượt xếp thứ ba và thứ tư về số lượng tín đồ.

“Vấn đề tôn giáo, nhân quyền rất được các tổ chức nước ngoài quan tâm qua các kênh, trong đó có báo chí, mạng xã hội. Nhân sự kiện Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt Sách trắng, đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, đưa thông tin kịp thời. Từ những thông tin trong Sách trắng nên có những tuyến bài sâu hơn để phản bác lại những luận điệu sai trái” - Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại lễ ra mắt sách

Các tổ chức tôn giáo đều được tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Quốc hội khóa XV có năm vị chức sắc trúng cử đại biểu. Ở cấp tỉnh, có 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân; cấp huyện là gần 500 người và cấp xã là hơn 5.600 người…

Ở góc độ pháp luật, nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người.

Hiến pháp 2013 đưa ra nguyên tắc hiến định: “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người”. Thực hiện các nguyên tắc này, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh, từ cơ sở đó, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Sự trở lại niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự.

Có thể nói, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, trong đó có thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng chính sách, pháp luật, phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, Việt Nam vẫn còn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Nổi cộm lên là hiện tượng cố tình vu khống, xuyên tạc về tình hình nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Các đối tượng không có thiện chí ở trong và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống Đảng, Nhà nước, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo.

Cụ thể, ở trong nước, lợi dụng vấn đề tôn giáo, những sơ hở, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách, một số chức sắc có tư tưởng cực đoan bị các thế lực thù địch phản động lợi dụng đã lồng ghép yếu tố chính trị, kích động gây ra “điểm nóng” tôn giáo, vu cáo Nhà nước đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành...

Ở ngoài nước, một số nhóm, cá nhân người Việt lưu vong thông qua các trang mạng thường xuyên đăng tin, bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, kích động nhân dân mà trước hết là tín đồ tôn giáo đấu tranh “đòi tự do tôn giáo”, “tự do nhân quyền”, kêu gọi các tổ chức chính trị, cá nhân trong và ngoài nước lên tiếng can thiệp…

Bởi vậy, để giúp độc giả trong và ngoài nước, những ai quan tâm hiểu rõ và đầy đủ hơn về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức biên soạn, công bố cuốn sách “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, với mong muốn những nội dung trong cuốn sách sẽ là nền tảng cung cấp thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo, thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như thách thức cần vượt qua và những nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.

Ngày 9/3, Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” được Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt và giới thiệu nhằm giúp người dân trong nước, bạn bè quốc tế hiểu rõ và đầy đủ hơn về chính sách, đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Tại buổi ra mắt Sách trắng về tôn giáo, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Văn Long đã nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là “tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết”.

“Chúng tôi nghiên cứu tại một số quốc gia châu Âu thấy các tổ chức tôn giáo phải mua đất để xây dựng cơ sở thờ tự, còn ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước cấp để đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo lớn, Nhà nước Việt Nam sẽ hỗ trợ để đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy nổ, an toàn thực phẩm... Nhưng ở các nước khác thì các tổ chức tôn giáo phải tự đứng ra”, ông Nguyễn Văn Long nêu dẫn chứng để cho thấy sự ưu việt.

Cũng theo ông Long, Việt Nam không lấy tôn giáo nào làm quốc giáo, tất cả các tôn giáo đều bình đẳng và phát triển hài hòa. Các tôn giáo cũng đóng góp tích cực vào đời sống xã hội, được Nhà nước và nhân dân trân trọng.

Mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật

Nhằm cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016. Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”.

Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số. Với gần 4.500 cuốn thuộc 17 đầu sách liên quan tôn giáo được đưa vào thư viện của 54 trại giam, Việt Nam cũng khẳng định “Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù”.

Việc xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tạo điều kiện. Ở Việt Nam có khoảng 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động, trong đó có nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín.

Với các cơ sở thờ tự, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo. Năm 2022, đã có 203 cơ sở thờ tự tôn giáo được cấp phép xây dựng mới, 283 cơ sở được cấp phép sửa chữa và cải tạo.

Bên cạnh đó, Sách trắng khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở TP HCM và Hà Nội, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau như: Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia, Nga, Mỹ, Pháp...

Có thể thấy, với 132 trang gồm 3 chương Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” cung cấp cho độc giả bức tranh khá toàn diện về tình hình thực thi, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam cũng như khẳng định ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo. Người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam…

“Đất nước ta có phong trào gì thì các tôn giáo hưởng ứng tích cực và có hiệu quả phong trào đó. Đất nước ta có khó khăn, thách thức gì thì với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, các tôn giáo cùng với đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước có cơ hội và thời cơ gì, các tôn giáo cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển đất nước, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Có thể nói, các tôn giáo luôn đồng hành với đất nước trong thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức để xây dựng đất nước hùng cường vì hạnh phúc của nhân dân. Tôi rất tự hào về tất cả những đóng góp đó của các tôn giáo” - Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày 30/8/2022 tại TP HCM.

Đọc thêm