Theo đó, trong năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá. Chỉ số CPI tăng 4,74%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 5%). GDP ước tăng 6,21%, trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn (mất 1% GDP do thiệt hại nông nghiệp, riêng vụ hải sản chết ở miền Trung làm thiệt hại 0,3% GDP, sản lượng dầu thô giảm 1 triệu tấn).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số này thấp hơn con số đã báo cáo Quốc hội, nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%) và cao hơn mức tăng trưởng GDP trong 7 năm từ 2008-2014, đồng thời cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của các nước trong khu vực.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong bối cảnh thiên tai diễn biến thất thường và chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển, đã “lội ngược dòng” ngoạn mục khi tăng trưởng 1,36% cả năm, từ tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm (-0,18%). Đây là nỗ lực rất lớn. Đặc biệt, đến thời điểm này, dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc. Lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn. Có gần 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt kỷ lục. Vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Đến 26/12, cả nước có 2.556 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 15,18 tỷ USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7%.
Về du lịch, lần đầu tiên Việt Nam thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015, là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được được cải thiện. Theo xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 82/190 quốc gia về môi trường kinh doanh, tăng 9 bậc so với năm trước. Đây cũng là bước tiến mạnh nhất của Việt Nam trong 10 năm qua về môi trường kinh doanh.