“Lằn ranh” giữa khen ngợi và quấy rối

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, không dễ để nhận diện được hành động, lời lẽ mang tính chất quấy rối tình dục đối với thanh, thiếu niên. Càng khó khăn hơn khi ít người biết được, ngay cả lời khen cũng có thể là một hình thức quấy rối trá hình.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Xâm hại ảo, tổn thương thật

Thực tế cho thấy, hành vi quấy rối ngày càng có nhiều biến tướng, tinh vi, phức tạp. Không chỉ dừng ở hành động sàm sỡ, gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nạn nhân, quấy rối có thể là lời nói, ánh mắt, cử chỉ, bình phẩm trên mạng xã hội; thậm chí còn “ẩn” trong “lời khen có cánh” về ngoại hình con người.

Đặc biệt, không chỉ diễn ra tại công sở, nơi làm việc của người trưởng thành, mà quấy rối tình dục (QRTD) bằng lời khen một cách “trần trụi” cũng thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng xã hội hoặc trong môi trường sống, học tập của thanh, thiếu niên.

Tháng 12/2022, Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Cơ quan Liên Hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UNWOMEN) và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giảng đường an toàn”. Theo thông tin tại Tọa đàm, nhóm nghiên cứu ĐH Sư phạm Hà Nội đã thực hiện khảo sát từ tháng 2/2022 - 6/2022 tại 3 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Hồng Đức, ĐH Sư phạm Thái Nguyên với 1.809 mẫu khảo sát. Kết quả cho thấy kể từ đầu năm học (năm học 2021 - 2022) có 944 sinh viên (chiếm 51.8%) ở cả 3 trường đại học trên từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi QRTD.

Vào năm 2022, một nữ diễn viên “nhí” 13 tuổi đã có vai diễn được truyền thông khen ngợi. Nhưng trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều bình luận bông đùa khiếm nhã, thậm chí xúc phạm đến em. Vài năm trước, một cô gái tên D.N đã chia sẻ chuyện bị người bạn học nam từ cấp II đeo bám dai dẳng, tỏ tình bằng lời khen ngợi về tính cách, ngoại hình từ khi học THCS cho đến đại học. Mỗi ngày, D.N đều nhận được tin nhắn vào các khung giờ cố định. Từ việc cảm thấy phiền phức, cô gái trở nên sợ hãi, ám ảnh khi người bạn không chỉ “khen” bằng từ ngữ khiếm nhã mà còn hăm dọa, khiến cô phải cầu cứu sự giúp đỡ trên mạng xã hội.

Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng có thể là nạn nhân của QRTD. Như trường hợp nam sinh P.H.A là cựu học sinh một trường chuyên ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã “phát hoảng” đến mức khóa trang cá nhân vì nhận được hàng nghìn lời kết bạn và tán thưởng ngoại hình sau khi một bức ảnh của em được đăng trên mạng.

Nhận thức sớm để tránh vi phạm

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA nhận định về vấn đề này: “Hiện giờ rất nhiều người cho rằng, khi được khen, ca ngợi thì không được gọi là QRTD. Nhưng với những lời khen không đúng chỗ, không đúng lúc và không đúng mức độ, đó chính hình thức QRTD khi đã làm cho người nghe khó chịu”.

Bà Nguyễn Vân Anh cho rằng, để làm rõ “lằn ranh” giữa khen ngợi và quấy rối không đơn giản. Tuy nhiên, cách tốt nhất là giữ chừng mực trong giao tiếp, khi đang làm công việc gì, người nói chỉ nên trao đổi đúng về công việc đó. Đặc biệt, nói về nam giới, nữ giới trong mọi độ tuổi, cần phải lựa chọn, sử dụng ngôn từ cẩn thận đúng với vị trí, mối quan hệ, không thể dùng những lời khen “đụng chạm” đến giới tính.

Cũng theo bà Vân Anh: “Tại sao hiện nay cần tuyên truyền về bình đẳng giới tại các công sở, bệnh viện và trường học? Vì trong tất cả địa điểm ấy, mối quan hệ mất cân bằng về quyền lực dễ dẫn tới câu chuyện về QRTD. Như thầy giáo với học sinh, bác sĩ với bệnh nhân, cấp trên với nhân viên. Tất cả mối quan hệ như vậy, khiến cho nạn nhân khi bị QRTD không dám phản kháng hoặc giả vờ chấp nhận, buông xuôi để giữ an toàn cho bản thân về điểm số, vị trí, sức khỏe”.

Bà Nguyễn Vân Anh cho biết, hiện nay đã có tương đối đầy đủ các quy định pháp luật về vấn đề này cũng như các quy tắc ứng xử. Nghị định số 144/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã tăng nặng mức phạt đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Bên cạnh đó, Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định nếu hành vi làm nhục người khác mà khiến nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; hoặc làm nạn nhân tự sát có thể bị phạt tù lên đến 5 năm...

Nhưng hơn hết, mọi người trong xã hội, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, trình độ văn hóa đều cần có kiến thức về việc “sống văn minh là không QRTD”, để không bao giờ vi phạm vào điều này. “Mọi người cần hiểu khi thực hiện hành vi QRTD, họ phải đối diện với việc bị xử phạt và ảnh hưởng đến chính quyền lợi cá nhân. Học sinh ở ngay từ cấp tiểu học, mầm non nên được giáo dục nghiêm túc, kỹ lưỡng về QRTD, để khi trưởng thành tất cả mọi người đều có kiến thức và nhận thức đúng đắn về vấn đề này”, bà Nguyễn Vân Anh nhấn mạnh.

Đọc thêm