Xoa dịu tinh thần bằng âm nhạc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những âm thanh du dương, trầm bổng trong phòng trà, đêm nhạc sôi động, náo nhiệt hay phòng giao hưởng trang nhã, tất cả không chỉ là nguồn cảm hứng, đam mê trong cuộc sống, mà còn là liều thuốc tinh thần cho nhiều người. Âm nhạc ngày nay đã trở thành liệu pháp tâm lý hiệu quả chữa trị cho không ít những căn bệnh về tinh thần của con người.
Âm nhạc giúp kết nối con người với nhau. (nguồn: Pinterest)
Âm nhạc giúp kết nối con người với nhau. (nguồn: Pinterest)

Nơi ta không còn cô đơn

Có câu chuyện cổ tích mang tên “Tiếng sáo Trương Chi” kể về chàng ngư dân tên Trương Chi, chàng ta tuy dung mạo xấu xí, nhưng lại được ban cho tài thổi sáo không ai bằng. Chẳng ngờ một ngày, tiếng sáo của Trương Chi lọt vào tai Mị Nương xinh đẹp, nàng là con gái của một quan đại thần đang tình cờ đi qua nơi chàng sống. Mị Nương say mê tiếng sáo mà sinh tương tư, cha mẹ nàng đành mời Trương Chi về thổi sáo, nàng lập tức khỏi bệnh. Nhưng khi thấy dung mạo Trương Chi, nàng liền từ chối tình yêu của chàng. Trương Chi sinh bệnh mà mất, di hài của chàng tụ thành khối ngọc, rồi vô tình khối ngọc lại trở thành chén trà cho Mị Nương. Từ lần đầu tiên Mị Nương nhấc chén lên đã thấy hình ảnh Trương Chi, đau lòng vì người xưa, mắt nàng nhỏ lệ rơi vào chén, chiếc chén cũng từ từ tan thành mây khói.

Một câu chuyện của cổ nhân xưa kia đã cho thấy, âm nhạc có thể lay động, kết nối những tâm hồn đồng điệu đến với nhau. Minh chứng cho điều này, vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 vừa qua đi, người dân bắt đầu hoạt động trở lại bình thường, cũng là lúc một số đêm nhạc chữa lành diễn ra. Các đêm nhạc tổ chức với sự xuất hiện của ca sĩ nổi tiếng, linh mục, dàn hợp xướng, khách mời để chia sẻ về những câu chuyện sau đại dịch, bài học yêu thương được rút ra sau mất mát.

Âm nhạc độc đáo không chỉ nhờ những thanh âm hay, thu hút người nghe, mà hơn cả là sự đồng cảm, khiến con người không còn cô đơn, lạc lõng trong thế giới này. Như “thần đồng” âm nhạc Jacob Collier đã thực hiện những màn hòa tấu trong các buổi biểu diễn của mình. Anh thường dùng âm thanh đến từ chính khán giả ở sân khấu lên đến cả trăm nghìn người, tất cả đều ngẫu nhiên thành ca sĩ, có nhóm hát bè, có nhóm hát chính,… hội trường đông đúc trở thành dàn hợp xướng, còn Collier chính là người chỉ huy dàn nhạc. Jacob Collier đã từng chia sẻ với tờ báo The Gurdian về tiết mục độc đáo thường xuất hiện trong mỗi buổi lưu diễn của mình: “Mọi người đang đưa ra tiếng nói của người nhạc sĩ bên trong họ, giống như tất cả chúng ta đều xuất hiện để cùng nhau sáng tác âm nhạc. Tôi đã làm cho mọi đám đông hòa giọng hát trên khắp thế giới và điều đó chưa bao giờ thất bại”.

Nhà thần kinh học quá cố Oliver Sacks có viết: “Âm nhạc có một sức mạnh độc đáo để thể hiện trạng thái hoặc cảm xúc bên trong. Âm nhạc có thể xuyên thẳng vào trái tim; nó không cần trung gian”. Âm nhạc sinh ra là sự kết hợp của tâm hồn và nhiều cung bậc cảm xúc của con người. Nó có tác động rất lớn đến sự phát triển về các mặt sinh lý con người, về thể chất, cảm xúc và cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc nghe nhạc hoặc tham gia các buổi hòa tấu, trình diễn âm nhạc giúp cho mọi người ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng giảm thiểu được những căng thẳng về tinh thần. Vì họ không còn cô đơn, lạc lõng trong thế giới này nữa, mà được hòa vào nhịp điệu, “sống” trong bầu không khí của cộng đồng, nơi có vô vàn người cùng chung niềm đam mê, cảm hứng.

Nghe nhạc giúp con người vượt lên thực tại, tiếp thêm động lực cuộc sống. (nguồn: Vinpearl.com)
Nghe nhạc giúp con người vượt lên thực tại, tiếp thêm động lực cuộc sống.

(nguồn: Vinpearl.com)

Giống như những bài hát của Trịnh Công Sơn dễ dàng lay động đến trái tim người nghe, bởi khán giả cảm nhận được những thăng trầm, triết lý về cuộc sống thấm đẫm trong lời ca, tiếng hát của ông. Chính vì vậy, không ít người đã nghe nhạc Trịnh để chữa lành cho tâm hồn những khi cảm thấy bơ vơ trong cuộc đời vội vã này.

Hạnh phúc từ những giai điệu

Theo nghiên cứu từ Đại học Goldsmiths (London, Anh), đi concert (sự kiện âm nhạc, buổi hòa tấu) có thể giúp kéo dài tuổi thọ từ chín đến mười năm. Nghiên cứu đã thực hiện trên rất nhiều các hoạt động giải trí khác nhau từ xem phim, chơi game, đi dã ngoại,… Kết quả cho thấy, những người tham dự các sự kiện âm nhạc có thêm 25% hạnh phúc và chỉ số sức khỏe tăng lên mức 75%.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Helsinki và Trung tâm Thần kinh Bệnh viện Đại học Turku (Phần Lan) đã so sánh hiệu quả của việc nghe nhạc có lời, nhạc không lời và nghe sách nói đối với sự phục hồi cấu trúc, chức năng ngôn ngữ của bệnh nhân bị đột quỵ cấp tính.

Đặc biệt, có những nghiên cứu chỉ ra rằng những nhịp đập trong tiết tấu của âm nhạc kích thích sóng não, gây ra sự cộng hưởng trong đồng bộ nhịp đập thúc đẩy tạo nên trạng thái, cảm xúc của người nghe. Những nhịp đập nhanh mang lại sự tập trung hơn, còn những nhịp đập chậm giúp não trở về trạng thái thiền định, bình tĩnh.

Sở thích âm nhạc của mỗi người là rất khác nhau, vì vậy người nghe có thể quyết định chọn những loại nhạc yêu thích và các bài hát phù hợp với tâm trạng. Có người sẽ chọn nhạc cổ điển để giảm căng thẳng khi học tập làm việc, có người lại thích nghe nhạc Rock, Pop thậm chí nhạc điện tử để giải tỏa năng lượng tiêu cực. Vì vậy, tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người, có thể chọn loại nhạc phù hợp với bản thân để thư giãn tinh thần.

Đặc biệt, nhờ những giai điệu âm nhạc con người không còn cảm thấy cô đơn, họ tìm được “tri âm”, “tri kỷ” qua lời ca, tiếng hát, sống trong không khí tự do, thoải mái, giúp cho con người cởi mở, thư thái khi nhìn cuộc đời này. Như sau khi ca khúc “Nấu ăn cho em” của Đen Vâu ra mắt, nam ca sĩ dành tặng doanh thu từ lượt nghe và xem của bài hát để góp phần xây trường, cung cấp bữa ăn miễn phí cho các em nhỏ vùng cao. Nhạc sĩ Tô Hiếu đã nghe và đánh giá bài hát: “Nghe xong, tôi thấy lòng bình yên hơn, bởi điều đẹp nhất trong đời sống này là khi con người chia sẻ, yêu thương nhau”.

Âm nhạc đưa tâm hồn con người đến với một thế giới cao hơn thực tại, nơi họ không còn mối bận tâm cơm, áo, gạo, tiền thường nhật nữa. Cũng chính vì cảm nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nên nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng mới giúp cho con người có thêm hy vọng. Khi còn hy vọng, con người sẵn sàng đối diện với khó khăn, thử thách, chứ không cố gắng “bỏ trốn” bằng những cách tiêu cực nữa.

Như chàng trai chăn bò người dân tộc Sô Y Tiết đã “đổi đời” nhờ một khoảnh khắc “phiêu” theo tiếng nhạc, hát về… đếm bò. Bài hát ngẫu hứng bỗng nhiên trở thành một hiện tượng mạng trên toàn thế giới, đến mức anh thu hút thêm cả chục nghìn lượt theo dõi. Thực tế, Sô Y Tiết từng có tuổi thơ cơ cực, anh cũng từng chia sẻ, nhờ âm nhạc anh đã thư giãn tinh thần, trở nên lạc quan, vui vẻ trong chính công việc bình dị mỗi ngày của mình.

Nghe nhạc mỗi ngày sẽ giúp thư giãn tinh thần. (nguồn: Heathy.com)

Nghe nhạc mỗi ngày sẽ giúp thư giãn tinh thần. (nguồn: Heathy.com)

Đôi khi, âm nhạc chính là cách đem con người trở lại với cuộc sống. Theo công bố của Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), ca khúc của rapper người Mỹ - Logic mang tên “1-800-273-8255” đã khiến đường dây nóng của tổ chức ngăn chặn tự tử ở Mỹ có thêm 9.915 cuộc gọi tới. Số liệu nghiên cứu cho biết, số lượng tự tử ở thanh, thiếu niên giảm. Tất cả việc này nhờ vào thông điệp của bài hát, đó là nỗ lực giáo dục và ngăn tự tử được khai thác từ các phương tiện truyền thông. Được biết, thông điệp bài hát mà nam rapper này mang đến nhằm giúp khán giả xoa dịu đi nỗi đau, bế tắc trong cuộc sống. Bài hát không dùng đến những giai điệu vui tươi, ngọt ngào mà giống như lời động viên chân thành, mạnh mẽ: “Bạn không cần phải chết. Tôi muốn bạn còn sống. Bạn phải nhìn thấy ánh sáng từ nơi tối tăm nhất. Điều đó có thể rất khó nhưng hãy để mọi thứ trôi đi”.

Chính vì lợi ích của âm nhạc, mỗi người nên thường xuyên nghe nhạc một tiếng mỗi ngày theo như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Việc nghe nhạc 60 phút mỗi ngày với âm lượng vừa phải sẽ giúp mỗi người thư giãn, lấy lại cân bằng sau những giờ học tập, làm việc vất vả. Hơn nữa, nếu đang gặp phải những căn bệnh về tinh thần, âm nhạc chính là liệu pháp hỗ trợ chữa trị rất tốt mà người bệnh có thể áp dụng.

Jacob Jolij, một nhà khoa học thần kinh tại Khoa Tâm lý thực nghiệm của Trường Đại học Groningen (Hà Lan), nghiên cứu về những ảnh hưởng của nhịp độ, lời ca tích cực và sự lựa chọn của các khóa nhạc trưởng hay thứ tác động lên người nghe vào năm 2015: 45% người nghe phản hồi là sử dụng âm nhạc để nâng đỡ tâm trạng của mình và khoảng 77% người thì dùng nhạc để làm nền cho những chuyển động của mình.

Hiện nay, không còn phải bàn cãi về tác động của âm nhạc, khoa học đã chứng minh việc nghe nhạc giải phóng endorphin và có thể tác động đến sức khỏe của con người giống như ăn uống, tập luyện thể thao... Âm nhạc thậm chí đã được chứng minh là giúp hình thành các kháng thể, tăng cường hệ thống miễn dịch của con người.