Xúc động chữ Hiếu trên từng thước phim
Hàng năm cứ đến mùa Vu Lan báo hiếu, nhiều nghệ sĩ Việt đến chùa diễn kịch Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân. Mỗi lần diễn vở này, nghệ sĩ Trà My thấy khán giả rất cảm động, người lớn, trẻ em đều lau nước mắt. Điều đó đã thôi thúc nghệ sĩ chuyển thể thành kịch bản phim “Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân”. Đây là món quà dâng đến quý Phật tử và cũng là thông điệp đầy ý nghĩa trong mùa báo ân với cha mẹ của nhóm nghệ sĩ.
Bộ phim “Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân” dài 40 phút phát sóng trên các kênh truyền hình và youtube vào dịp Vu Lan, là câu chuyện kể về hành trình cứu mẹ - bà Thanh Đề của Tôn giả Mục Kiền Liên - đệ tử thần thông đệ nhất của đức Phật.
“Tôn giả Mục Kiền Liên là hiện thân cho hạnh nguyện cứu mẹ Thanh Đề thoát khỏi cảnh khổ, là hình ảnh tiêu biểu cho hiếu đạo của con người. Tôi muốn truyền đi thông điệp về đạo làm con, luật nhân quả để gửi đến toàn thể khán giả trong mùa Vu Lan, thông qua bộ phim này”, nghệ sĩ Trà My bày tỏ.
Khi hoàn thành xong kịch bản phim, nghệ sĩ Trà My thỉnh vấn các Thượng toạ, Đại đức để ra bản hoàn thiện nhất, đúng với giáo lý của đạo Phật. Phim có sự tư vấn chuyên môn của Thượng tọa Thích Đức Nguyên - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình, Thượng tọa Thích Trường Xuân - Trụ trì chùa Liên Trì (Quốc Oai, Hà Nội) và Đại đức Thích Giác Giáo - Phó Chánh Văn phòng Ban thường trực trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong phim, Thượng tọa Thích Trường Xuân và Đại đức Thích Giác Giáo cũng góp mặt trong hai vai phụ. Cảm phục tâm huyết của nhà sản xuất và đạo diễn cũng như nội dung bộ phim là một tích truyện quan trọng trong Phật giáo, Thượng tọa Thích Đức Nguyên nhận tham gia hỗ trợ dự án. Thượng tọa Thích Đức Nguyên cho hay Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam hơn 2000 năm; văn hóa Phật giáo là một bộ phận của văn hóa dân tộc, là một thiết chế không thể rời. Vì vậy, các tích truyện về Phật giáo nên được nhiều loại hình nghệ thuật, các nghệ sỹ quan tâm và sáng tạo thêm nhiều tác phẩm.
Nghệ sĩ Việt Bắc vào vai ngài Tôn giả Mục Kiền Liên với tấm lòng hiếu hạnh, từ bi nhân ái. (Ảnh: T.My) |
“Bên cạnh bộ phim về Mục Kiền Liên, những câu chuyện khác về Phật pháp, các vị tổ sư, các quốc sư có công với nước… cũng nên được khai thác. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những hướng phát triển văn hóa, nghiên cứu sao cho văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc lên những nấc thang cao hơn nữa,” Thượng tọa Thích Đức Nguyên chia sẻ.
Nhà sản xuất nghệ sĩ Trà My chia sẻ, trong quá trình quay, ê-kíp gặp vô vàn khó khăn. Thời tiết nắng nóng, lại đúng vào mùa An cư kiết hạ, nên có những đại cảnh cần đến sự hỗ trợ của các quý thầy lại không đáp ứng được. Bản thân tôi khi quay xong cảnh địa ngục toàn thân rã rượi, chân tay bầm tím do bị ngã và cũng do nhân vật Thanh Đề bị đeo gông cổ, bị đánh, đẩy qua đẩy lại nên bầm tím, 2 tuần sau mới đỡ”, nghệ sĩ Trà My chia sẻ.
Nhưng trên tất cả, nghệ sĩ Trà My cho biết, làm phim về đề tài Phật giáo nên dường như được “Phật độ”. Mọi khó khăn ê-kíp đều cùng nhau vượt qua để hoàn thành sản phẩm đúng tiến độ, ra mắt phim dịp Vu Lan.
Là đạo diễn trẻ, lại làm phim về nhân vật rất lớn - đệ tử thần thông đệ nhất của đức Phật, Quản Trọng Phúc cho biết phải tìm tòi, đọc những giai thoại về ngài Mục Kiền Liên, xin tư vấn của các thượng toạ, đại đức...
“Tôn giả Mục Kiền Liên là một nhân vật lịch sử có thật. Ngài có quá trình xuất gia tu học và đắc quả, được sử liệu ghi chép. Và ngài đã được nhân loại thừa nhận là một nhân vật lịch sử có sức ảnh hưởng lớn trong thời đức Phật còn tại thế. Tôi rất hào hứng với kịch bản này và đã dồn 200% công sức để làm”, đạo diễn Quản Trọng Phúc chia sẻ.
Phim do Quản Trọng Phúc làm đạo diễn, NSND Tiến Đạt, NSND Nguyễn Hải, NSƯT Chí Trung, nghệ sĩ Trà My, Việt Bắc, Hiệp Vịt, Jimmii Khánh, Thuỳ Liên, Khắc Dũng, đặc biệt Thượng toạ Thích Trường Xuân, Đại đức Thích Giác Giáo... tham gia diễn xuất.
Nghệ sĩ Đinh Trà My trong vai mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên bị xiềng xích, đọa đầy dưới địa ngục. (ảnh trong phim) |
Lan tỏa ơn nghĩa sinh thành bằng lời ca
Với xu hướng cân bằng giữa đạo và đời, những năm gần đây, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ thể hiện các sản phẩm âm nhạc Phật đầy xúc cảm. Các tác phẩm nhạc truyền tải những thông điệp đẹp đẽ về đạo Phật như lòng hiếu thảo, sống thiện, sống có ích cho cộng đồng với ca từ gần gũi, tự nhiên vì thế dần đi vào đời sống và trở thành “món ăn tinh thần” được nhiều công chúng tìm nghe.
“Bông hồng cài áo”, “Vu lan vắng mẹ”, “Mẹ ơi”, “Đạo làm con”, “Ơn nghĩa sinh thành”, “Công ơn cha mẹ”... là những ca khúc được nhiều nghệ sỹ lựa chọn cho mùa Vu Lan. Không chỉ biểu diễn các tiết mục nghệ thuật, nghệ sỹ còn tham gia vào các hoạt động trình diễn các nghi lễ, nguyện cầu quốc thái dân an.
Tiếp nối thành công của năm 2022, chương trình nghệ thuật đặc biệt báo hiếu cha mẹ trong mùa Vu Lan với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành 2023” tiếp tục diễn ra lúc 20h10 ngày 24/8/2023 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị Việt - Xô (Hà Nội). Chương trình do Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Oscar Media phối hợp thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và Đài truyền hình các tỉnh, thành phố và trực tuyến trên các nền tảng của Báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Chương 1 sẽ đưa khán giả đến với không gian của “Mùa hiếu hạnh” với giọng đọc truyền cảm, lôi cuốn của NSƯT Lê Chức. Hoạt cảnh mở đầu nói lên tinh thần của chương trình. Vu lan là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở bổn phận làm con phải làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. Ngày nay, Vu lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo mà đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Chương 2 sẽ gồm các ca khúc, câu chuyện xúc động ca ngợi công ơn sinh dưỡng của cha mẹ, những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn như: Lòng mẹ, Cha già rồi đúng không, Ca dao mẹ, Mẹ yêu con, Cha và con, Ước mơ của mẹ, Nơi ấy có cha...
Chương 3 truyền đi thông điệp: Cha mẹ là người cho ta cuộc sống, dạy ta những bước đi đầu tiên trong đời và cũng là người sẵn sàng đón nhận ta khi vấp ngã, bị thương tích không đủ sức bước đi. Sau tất cả, ngoài kia dù sóng gió đến đâu, thì khi trở về nhà, vẫn còn những người sẵn sàng ôm ấp, che chở, tha thứ cho ta vô điều kiện. Đó chính là gia đình, là nơi không thể rời bỏ nhau, và luôn tìm thấy nhau trong mọi nghịch cảnh. Chương này sẽ có các tiết mục: Con nợ mẹ, Nhật ký của mẹ, Tiếng gọi mẹ cha, Ơn nghĩa sinh thành...
Đặc biệt, tiểu phẩm “Báo hiếu” do các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn đề cập đến tình trạng rất đáng lên án trong xã hội, đó là đùn đẩy trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ. Vấn đề này chưa bao giờ là cũ và vẫn luôn nhức nhối trong xã hội. Thông qua tiểu phẩm này, những người thực hiện chương trình muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo nghĩa, tình cảm gia đình để mỗi người xem sẽ rút ra những bài học cho riêng mình.
Với quy mô mở rộng và sự lan tỏa, năm nay, “Ơn nghĩa sinh thành” có sự tham gia của các nghệ sĩ: Tùng Dương, Quang Dũng, Hiền Thục, Minh Quân, Sao mai Ngọc Ký, Sao mai Thu Thủy, Lê Anh, Lê Trang, Ngọc Khánh Chi (Á quân Gương mặt thân quen 2022)... Dẫn chương trình MC Nguyên Khang - Hồng Nhung.
Mỗi câu chuyện âm nhạc là một tiếng lòng chạm đến trái tim của mỗi người. Đây là giây phút để những người thân yêu được ngồi lại với nhau, lắng nghe lời ca tiếng nhạc để cảm nhận không khí gia đình hay những người con ở bốn phương trời được gửi gắm nỗi nhớ mong của mình với cha mẹ già nơi quê nhà yêu dấu.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: “Cha mẹ là đề tài muôn thuở trong thơ ca cũng như trong âm nhạc, bởi lẽ, dù bạn là ai, bạn được sinh ra từ đâu thì đều không thể không nhớ về nguồn cội của mình. Dù có khôn lớn bao nhiêu thì khi trở về bên mẹ, cha chúng ta lại trở thành những đứa con bé bỏng.