Trong mắt tôi từ bấy đến giờ bố vẫn luôn là một người đàn ông kiệm lời và khó gần. Mỗi ngày gia đình chúng tôi cũng ít gặp nhau, nhà neo người nhưng mỗi người lại một cuộc sống riêng và duy chỉ có bữa cơm chiều là lúc cả nhà đông đủ nhất. Mẹ đi theo gánh hàng chợ từ sớm, chỉ về khi muộn để kịp nấu bữa cơm trưa, làm đôi ba lần tôi những tưởng sẽ trễ giờ học buổi chiều. Còn bố thì làm công nhân ở một xưởng gỗ tận Phú Tài, cách nhà cả tiếng đi xe, mỗi sớm đều phải dậy từ khi mặt trời còn chưa tỏ mặt để chờ xe đưa đón cùng các cô chú làm chung trong xóm ra đầu đường đợi xe. Khi tôi dậy để phụ mẹ dọn hàng và chăm em thì bố đã đi làm rồi.
Tôi ít khi nói chuyện với bố vì tôi sợ bố. Đôi mắt bố lúc nào cũng đỏ ngầu và mỗi khi nhìn ai đó thường mang lại cảm giác rất giận dữ. Tuy nhiên, tôi luôn có thể cảm nhận một cách rõ ràng tình thương từ ông. Tôi còn nhớ nhiều lần khi bố đón tôi tan trường, vì ông vốn to cao nên khá nổi bật giữa những phụ huynh đứng chờ, tôi cũng rất vui khi chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể thấy ông ngay. Nhưng khi nhìn bố, đôi mắt của ông luôn làm tôi sợ vì nó luôn có vẻ giận dữ, làm trước hết tôi luôn nghĩ không biết mình đã sai gì. Tuy nhiên, ngay khi vừa thấy tôi, đôi mắt tưởng chừng lúc nào cũng đỏ ngầu ấy lại mang bóng hình của một vầng trăng ngược, tự đôi mắt như biết cười và rất dịu dàng khi nhìn tôi. Khi lớn dần lên tôi mới biết, do vẻ ngoài khá gồ ghề và đáng sợ, lại thêm tính ít nói nên hầu như ai cũng sợ ông, duy chỉ có gia đình lúc nào ông cũng dịu dàng và yêu thương và phải tiếp xúc thật gần mới có thể cảm nhận được.
Bố rất kiệm lời kể cả khi trong nhà, nhưng sự yêu thương của ông không thể giấu được qua hành động. Từ bé, mẹ đã hay nói với tôi phải yêu thương bố thật nhiều vì bố sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc nên bố không biết cách để thể hiện tình yêu thương. Nhưng với gia đình nhỏ này bố đã hy sinh rất nhiều. Mẹ luôn ốm nặng, trước còn xin đi làm được, sau một cơn đột quỵ thì chỉ có thể bán buôn ngoài chợ nhưng luôn có chúng tôi khi nghỉ tiết thì phụ thêm chứ không thể để một mình. Mọi gánh nặng đổ dồn trên vai bố nhưng chưa bao giờ bố than vãn nửa lời. Mỗi khi tôi thấy hiếm hoi bố la mẹ là vì mẹ cứ không chịu nghỉ ngơi sau khi bố đã tan ca làm cả ngày và đang chuẩn bị nấu cơm thay mẹ…
Từ khi còn bé dù luôn mang cảm giác sợ nhưng tôi lại rất thích quấn quýt lấy bố. Cứ lần mò chơi đồ chơi như thế nào rồi lát sau cũng sẽ lại gần bố, có cảm giác sẽ được bố che chở. Hình ảnh qua ánh đèn dầu một chiếc bóng to lớn và một chiếc bóng bé con in hằn trên bức tường vào những ngày mất điện. Bố không nói gì, thường làm những công việc vặt bên cạnh tôi và dường như ông cũng cảm nhận được tôi muốn ở cạnh ông nên thường ông di chuyển qua chỗ nào trong căn nhà nhỏ ông cũng bế thốc tôi qua cùng. Dần dà, cái bóng dáng to lớn ấy không làm tôi sợ nữa mà tôi chỉ có cảm giác như ông là một người anh hùng có thể cõng tôi trên vai và đi đến muôn thế giới.
Khi tôi lớn dần lên vào trung học, nhiều khoản tiền bắt đầu thành hình và những que kem mỗi cuối tuần bố mua cho tôi cũng ít dần thay vào đó tôi thấy gánh nặng cơm áo gạo tiền in hằn rõ bởi những nếp nhăn nơi vầng trán và mái tóc bạc dần của bố. Ông xin chuyển về gần nhà làm, vì sức khỏe mẹ ngày một yếu hơn và ông muốn đỡ đần mẹ. Ông vẫn thế, vẫn kiệm lời nhưng có thể thấy ông cáng đáng hết mọi việc trong nhà, từ nấu cơm, giặt giũ, khi chúng tôi tan học thì chỉ còn đỡ đần thêm chút ít. Dậy sớm trước nhất, ngủ sau cùng nhất.
Tôi lên đại học đi học xa, cũng lo cha mẹ già ở nhà, khi tiễn tôi lên xe, ông cũng chỉ hiếm hoi nói: “Ráng học, ở nhà có bố”. Nhưng tự nhiên tôi lại thấy vừa có sự rưng rưng rung cảm, vừa cảm thấy tin tưởng, cứ như người anh hùng trong tuổi thơ của tôi vẫn còn ở đây, dẫu thời gian đã không buông tha cho tuổi tác của người. Sau ít năm tôi tốt nghiệp, tôi về lại quê làm và mở một công ty nhỏ, khởi nghiệp bao giờ cũng khó khăn nhưng ít ra được ở bên gia đình và có thể chăm sóc cho bố mẹ. Những tưởng là có thể đền đáp được ơn sinh thành nhưng cuối cùng tôi vẫn mãi luôn là một đứa con nhỏ trong mắt bố mẹ…
Tết năm đó, bố tôi đột quỵ, tưởng chừng không qua khỏi. Trong phòng cấp cứu ông không nói gì chỉ nắm tay tôi thật chặt và nước mắt rơi làm tôi rất lo sợ… Ông hôn mê suốt mấy ngày, cũng may nhờ sự cứu chữa kịp thời nên ông đã hồi phục. Nhưng tôi vẫn còn nhớ như in câu đầu tiên mà khi mở mắt tỉnh dậy ông thều thào nói: “Con sắp đến giờ đi làm rồi, con đã chuẩn bị cơm để mang theo chưa?”.