Làng bánh chưng Diệm Xuân “đỏ lửa” ngày cận Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cận Tết Quý Mão 2023, không khí sôi nổi, tất bật gói bánh và khẩn trương để kịp giao những xe hàng là hình ảnh của nhiều hộ gia đình tại làng Diệm Xuân, xã Việt Xuân ( Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Ghé thăm làng Diệm Xuân những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều gia đình tất bật gói bánh để kịp giao cho khách hàng.

Bánh chưng Diệm Xuân nổi tiếng với màu sắc đặc trưng, hương vị thơm ngon hấp dẫn nức vùng, bánh không chỉ được khách hàng trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc ưa chuộng mà một số khách nước ngoài tấm tắc ngợi khen khi được thưởng thức.

Chẳng ai biết rõ làng bánh chưng Diệm Xuân có từ bao giờ, cứ cha truyền con nối giữ gìn, phát triển đến ngày hôm nay. Ở làng Diệm Xuân (xã Việt Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hầu hết nhà nào cũng biết làm bánh chưng. Nhiều nhà lấy đây làm thu nhập, nuôi sống gia đình.

Cụ Đoàn Thị Hiền (86 tuổi), người gắn bó lâu năm với nghề gói bánh chưng ở làng Diệm Xuân.

Cụ Đoàn Thị Hiền (86 tuổi), người gắn bó lâu năm với nghề gói bánh chưng ở làng Diệm Xuân.

Cụ Đoàn Thị Hiền (86 tuổi), với trên 70 năm gắn bó với nghề làm bánh chưng tại thôn Diệm Xuân cho biết, nghề gói bánh chưng ở Diệm Xuân cũng không biết chính xác có từ bao giờ, chỉ biết đây là nghề cha truyền con nối. Xưa kia, khi cuộc sống vất vả, nhiều hộ dân trong làng làm bánh rồi đem bán cho khách đi tàu ở ga Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) để kiếm thêm thu nhập.

Với hương vị đặc trưng, số lượng bánh chưng bán ra mỗi ngày càng nhiều hơn đồng nghĩa với người gói bánh cũng đông lên. Cả làng hầu như nhà ai cũng làm bánh đem đi bán, trẻ con cũng tranh thủ những lúc đi học về đem bánh ra ga tàu bán phụ giúp bố mẹ.

Những người làm nghề Diệm Xuân đang tất bật hoàn thiện những chiếc bánh để kịp giao cho khách hàng trước dịp xuân về.

Những người làm nghề Diệm Xuân đang tất bật hoàn thiện những chiếc bánh để kịp giao cho khách hàng trước dịp xuân về.

Trải qua thời gian cũng như đúc rút kinh nghiệm từ nhiều thế hệ, chất lượng bánh chưng Diệm Xuân ngày một ngon hơn và tạo thành một đặc sản của địa phương. Dần dần, các hộ không chỉ làm bánh bán tại địa phương mà làm với số lượng lớn để bán buôn, bán lẻ tại các nhà hàng, chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Nghề làm bánh chưng Diệm Xuân có quanh năm, đặc biệt vào các dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu lại tăng cao và đây được coi là vụ sản xuất chính trong năm. Bánh chưng Diệm Xuân rất xanh, dền, thơm, ăn có vị bùi, béo nhưng không ngậy, rất hấp dẫn.

Bánh chưng Diệm Xuân đã trở thành món ăn quen thuộc với người dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh như: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Vĩnh Yên, Phúc Yên đến thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... Thậm chí, có khách đặt đem đi nước ngoài biếu (Hàn Quốc, Nhật Bản).

Để bánh chưng Diệm Xuân được nổi tiếng như vậy, cụ Đoàn Thị Hiền chia sẻ: “Muốn làm ra một chiếc bánh chưng ngon, đạt thì khâu chọn nguyên liệu phải kỹ lưỡng".

Gạo dùng để gói bánh là gạo nếp cái hoa vàng để có được độ dẻo thơm.

Gạo dùng để gói bánh là gạo nếp cái hoa vàng để có được độ dẻo thơm.

Nhân bánh được kết hợp từ 2 nguyên liệu là thịt lợn ba chỉ và đỗ xanh.

Nhân bánh được kết hợp từ 2 nguyên liệu là thịt lợn ba chỉ và đỗ xanh.

Nguyên liệu chính của bánh chưng chính là gạo nếp và phải chọn gạo nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp nhung. Đậu xanh thì phải chọn đậu đã được xát hết vỏ. Thịt thì chọn thịt ba chỉ vừa có nạc vừa có mỡ, xắt miếng to rồi tẩm ướp gia vị đầy đủ. Lá dong để gói bánh phải là loại lá tẻ, bản to, màu xanh mướt, không bị sâu, rách. Từ đó, lá dong đẹp, gạo ngon, tay người gói khéo thì bánh chưng ra lò mới xanh đẹp và dẻo bánh.

Bánh chưng Diệm Xuân hoàn toàn được gói bằng tay mà không hề sử dụng khuôn.

Bánh chưng Diệm Xuân hoàn toàn được gói bằng tay mà không hề sử dụng khuôn.

Công đoạn làm nên chiếc bánh chưng Diệm Xuân có nhiều nét độc đáo, gói gọn tinh hoa của đất trời, tâm huyết của người làm trong từng chiếc bánh chưng vuông thành sắc cạnh.

Bánh được xếp vào nồi để đem luộc.

Bánh được xếp vào nồi để đem luộc.

Một trong những điều đặc biệt của làng bánh chưng Diệm Xuân là không hề sử dụng khuôn mà chỉ dùng tay để gói. Theo những người lành nghề, việc gói bánh chưng bằng tay giúp họ có thể điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều 8 cạnh bằng nhau. Bánh cho vào luộc không bị méo mó, hay căng phồng, nứt vỡ mà chiếc nào cũng vuông thành sắc cạnh.

Ông Phan Bá Cường đang vớt những chiếc bánh chưng vừa đủ độ chín chuẩn bị giao cho khách hàng.

Ông Phan Bá Cường đang vớt những chiếc bánh chưng vừa đủ độ chín chuẩn bị giao cho khách hàng.

Nhanh tay vớt những chiếc bánh vuông vắn, vừa chín để kịp giao cho khách hàng, ông Phan Bá Cường (sinh năm 1977, con trai cụ Hiền) chia sẻ: “Những ngày thường, gia đình tôi làm bán cho những người bán buôn, bán lẻ tại các nhà hàng, chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và giao cho một số tỉnh thành khác. Nhưng từ 15/12 âm lịch đến Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng, đặt bánh tăng gấp 3-4 lần, trung bình mỗi ngày, nhà tôi xuất ra thị trường trên 1.000 chiếc bánh.

Những ngày này, gia đình tôi phải thuê thêm 5-6 lao động/ngày để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng bánh chưng của người dân trong dịp Tết.

Bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Cường), chia sẻ: “Vào dịp gần Tết này thì sáng cứ tầm 4-5 giờ dậy rồi, có người thức đêm trông bánh. Công việc mặc dù vất vả, mọi thứ đều làm thủ công hết từ sắp lá, gói bánh, trông bánh, vớt bánh. Nhưng đây là nghề truyền thống cha ông để lại nên dù đông khách nhưng tôi vẫn không thấy mệt”.

Bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Cường), chia sẻ: “Vào dịp gần Tết này thì sáng cứ tầm 4-5 giờ dậy rồi, có người thức đêm trông bánh. Công việc mặc dù vất vả, mọi thứ đều làm thủ công hết từ sắp lá, gói bánh, trông bánh, vớt bánh. Nhưng đây là nghề truyền thống cha ông để lại nên dù đông khách nhưng tôi vẫn không thấy mệt”.

Tại cơ sở sản xuất bánh chưng của gia đình ông Phan Bá Miền (sinh năm 1964), trú cùng thôn những ngày này cũng nhộn nhịp không kém. Ông Miền cho biết: Từ ngày 22/12 âm lịch trở đi, chúng tôi phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình, người già, trẻ con làm việc nhẹ, người lớn làm việc nặng hơn, đồng thời thuê thêm 4-5 lao động/ngày để hoàn thành các đơn bánh hàng ngày”.

Ông Phan Bá Miền - một trong những người gắn bó lâu năm với nghề gói bánh chưng ở làng Diệm Xuân.

Ông Phan Bá Miền - một trong những người gắn bó lâu năm với nghề gói bánh chưng ở làng Diệm Xuân.

Ông Miền cho biết: “ Để làm ra một chiếc bánh chưng ngon, với hương vị riêng thì khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng, với đỗ xanh, thì cần bỏ bớt cái nước đầu đi nếu không sẽ có mùi ngái. Còn thịt thì chọn thịt ngon, tươi sau đó ướp đầy đủ gia vị. Khi gói thì dùng tay, để bánh khi luộc lên sẽ dền, chắc không bị nhão và có độ béo, độ bùi. Đó là bí quyết’.

Những chiếc bánh chưng được xếp lên xe, để gia đình ông Phan Bá Miền đem đi giao cho khách hàng.

Những chiếc bánh chưng được xếp lên xe, để gia đình ông Phan Bá Miền đem đi giao cho khách hàng.

Bên cạnh đó, thời gian luộc bánh cũng rất quan trọng, phải để sôi từ 8 đến 10 tiếng, mẻ bánh nóng hổi nghi ngút khói được vớt ra khỏi nồi, mùi thơm quấn quyện, ngào ngạt. Bánh nào bánh nấy đều vuông vức và đều chằn chặn. Đặc biệt, bóc chiếc bánh chưng ra, vỏ bánh có màu xanh đẹp mắt, khó lẫn. Ấy cũng là một bí quyết riêng của làng nghề bánh chưng cổ truyền này như lời ông Miền nói.

Với hương vị đặc trưng, bánh chưng Diệm Xuân đã khẳng định được thương hiệu, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Với hương vị đặc trưng, bánh chưng Diệm Xuân đã khẳng định được thương hiệu, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Không chỉ tự hào về làng nghề truyền thống làm bánh chưng lâu đời, đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều người lao động mà bánh chưng Diệm Xuân còn đang lưu giữ và lan tỏa diện mạo mới của địa phương.

Khắp các con ngõ thơm mùi bánh, Tết có lẽ đến sớm hơn với người dân ở đây. Ai cũng hân hoan trong niềm vui công việc và gửi vào những chiếc bánh ước mơ về một cái Tết ấm no, hạnh phúc.

Đọc thêm