Lưu lượng xe giảm 48% so với tính toán
Theo ông Phạm Hùng Trường – Chánh văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn, dự án thành phần 1 cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (bao gồm hợp phần cao tốc từ Km45+100-Km108+500 và hợp phần tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800-Km106+500) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và thu phí từ 1/6/2018. Hợp phần cao tốc thông xe kỹ thuật ngày 30/9/2019, chính thức đưa vào khai thác từ 15/1/2020, thu phí từ 18/2/2020.
Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư đã cắt giảm 1 trạm thu phí (Km24+800) trên QL1, miễn giảm phí cho gần 6.000 phương tiện người dân địa phương xung quanh trạm thu phí QL1, bổ sung chi phí tổ chức thu phí tự động không dừng (ETC). Những thay đổi này đã ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
UNBD tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, theo phân tích của Kiểm toán Nhà nước ngày 16/1/2020, lưu lượng xe thực tế giảm gần 48% cho cả 2 tuyến QL1 và cao tốc so với dự báo tại phương án tài chính ban đầu dẫn đến ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án.
|
Ngày 24/2/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn họp báo thông tin về tình hình kinh tế, xã hội và việc thu phí trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. |
Để khắc phục khó khăn, vướng mắc của dự án, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã có văn bản ngày 30/1/2020 đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn điều chỉnh mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ của năm cơ sở 2020. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất mức vé thấp nhất trên QL1 là 62.000 đồng/ lượt, cao nhất là 240.000 đồng lượt; mức vé thấp nhất trên cao tốc là 2.200 đồng/km, cao nhất là 8.600 đồng/km, tùy loại xe.
Sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét đề nghị của Nhà đầu tư BOT. Cơ quan chức năng đã phân tích kỹ yếu tố lưu lượng xe, việc cắt giảm 1 trạm thu phí, miễn giảm phí gần 6.000 phương tiện và tham khảo mức giá vé sử dụng đường bộ tại tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1 ở một số nơi trước khi quyết định giá vé cho cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Cuối cùng, mức vé thấp nhất trên cao tốc được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt là 2.100 đồng/km, cao nhất là 8.100 đồng/km; mức vé thấp nhất trên QL1 là 52.000 đồng/lượt, cao nhất là 200.000 đồng/lượt. “Mức giá vé này đã giảm so với mức giá Nhà đầu tư đề xuất, phù hợp với thực tiễn, và đảm bảo quy định mức trần năm cơ sở tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT” - Chánh văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Giá tương đương với nhiều tuyến cao tốc
Cũng theo đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn, nếu so với cao tốc Vân Đồn – Hạ Long (60km) hay Trung Lương – Mỹ Thuận (51km) thì mức vé cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là tương đương. Theo đó, cao tốc Vân Đồn – Hạ Long và Trung Lương – Mỹ Thuận cùng mức vé thấp nhất là 2.100 đồng/km, cao nhất 8.400 đồng/km, tùy loại xe.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng phân tích, trên hợp phần Quốc lộ 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, chiều dài đầu tư nâng cấp, cải tạo là 110km, thu 1 trạm với giá 52.000 đồng/lượt đối với phương tiện nhóm 1, tương đương với trung bình 472 đồng/01km. Trong khi đó, đường QL1 đoạn Km1374-Km1392 và đoạn Km1405-Km1425 thuộc tỉnh Khánh Hòa có tổng chiều dài 37,5 km đặt 1 trạm thu phí với mức giá 41.000 đồng/lượt đối với phương tiện nhóm 1, tương đương với trung bình 1.093 đồng/1km. Đường QL91 với chiều dài 52km thu phí 2 trạm, mức giá mỗi trạm là 41.300 đồng/lượt đối với phương tiện nhóm 1, tương đương với trung bình 1.588 đồng/1km. “Như vậy giá vé trạm thu phí tại QL1 thuộc tỉnh Lạng Sơn đã rẻ hơn so với nhiều tuyến Quốc lộ khác trên địa bàn cả nước”, UNBD tỉnh Lạng Sơn đánh giá.
Trao đổi với PLVN, đại diện chủ đầu tư - Tập đoàn Đèo Cả cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lưu lượng xe từ đầu năm đến nay giảm so với trước Tết. “Do dịch bệnh nên xe hàng hóa ít lên Lạng Sơn, lượng người lên Lạng Sơn du xuân, đi lễ hội tâm linh cũng giảm mạnh nên doanh thu BOT cũng giảm theo”, đại diện nhà đầu tư nói.
Cũng theo vị này, nhà đầu tư đã miễn phí BOT trên QL1 đối với dân địa phương có bán kính 5km và giảm 50% với người trong bán kính từ 5km-10km. “Đây là sự chia sẻ lớn của nhà đầu tư với người dân”- vị này nói và cho biết, các tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Trung Lương – Mỹ Thuận… đều được ngân sách trung ương hỗ trợ giải phóng mặt bằng hàng nghìn tỷ đồng, còn cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn tổng kinh phí hết hơn 12.000 tỷ đồng thì 100% đều là vốn của nhà đầu tư.