Những năm gần đây, cuộc sống kinh tế của người dân đã phất lên nhanh chóng, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tất cả đều nhờ cây dong riềng.
“Thủ phủ” cây dong riềng
Những ngày đầu đông, chúng tôi có dịp lên thăm đỉnh Phia Oắc, Phia Đén – một địa điểm vốn nổi tiếng bởi sự lạnh giá và cảnh tuyết rơi hàng năm thuộc xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Cách đỉnh Phia Oắc chừng 2 km, xóm Phia Đén hiện ra với những mái nhà gạch khang trang, vững chắc và được bao phủ bởi những đồi cây dong riềng đang mùa thu hoạch. Nhiều năm nay, những vườn, đồi cây dong riềng đã đem đến cho đồng bào Tày, Nùng nơi đây một cơ hội “lột xác”, thay đổi cuộc sống, diện mạo mới so với trước đây.
Thành Công là xã có nghề làm miến dong nổi tiếng từ lâu đời, có quy mô trồng nhiều nhất trong tỉnh với 460 hộ trồng và chế biến miến dong trong tổng 576 hộ, trong đó chủ yếu tập trung nhiều nhất tại xóm Phia Đén. Có lẽ do thổ nhưỡng vùng đất ven núi cao Phia Oắc, Phia Đén đã làm nên sự khác biệt này. Cây dong riềng ở đây được trồng và sản xuất bột, miến dong quanh năm để tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Dù ở mùa nào trong năm, khắp trong nhà, ngoài sân của người dân ở xóm Phía đều có những phên miến được phơi thành từng hàng. Mặc dù dong riềng được trồng quanh năm, nhưng vụ chính lại từ tháng Giêng đến tháng Ba (âm lịch) và được thu hoạch nhiều nhất từ tháng 9 đến tháng Giêng năm sau. Đến mùa thu hoạch, cả xóm ai nấy đều bận rộn, tất bật ở trên nương đồi từ sáng đến tối để nhổ, đóng bao và chở củ dong riềng về xưởng sơ chế rồi chế biến thành tinh bột.
Ngôi nhà chị Nguyễn Thị Hiền (44 tuổi) nằm ngay ven đường đầu xóm Phia Đén, lúc chúng tôi đến cả gia đình đang cùng nhau đóng bao bì sản phẩm miến dong để giao cho khách mua sỉ ở Thái Nguyên, Hà Nội. Chị Hiền kể, trước những năm 90 của thể kỷ trước, cây dong riềng ở đây trồng nhỏ lẻ, manh mún, số hộ trồng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu trồng để ăn chống đói. Người dân đem tinh bột dong tráng như bánh cuốn, thái rồi phơi khô để ăn dần nhưng chỉ mang tính phục vụ nhu cầu gia đình hay đổi con gà, bát gạo ngày tết.
Từ sau năm 1990, một số gia đình bắt đầu chuyển đổi cây trồng, tận dụng lợi thế của địa phương để trồng cây dong riềng làm miến thương phẩm. Thấy nhiều gia đình ăn nên làm ra, các nhà khác cũng làm theo. Tuy nhiên, quy trình chế biến bằng thủ công bằng tay nên mỗi ngày chỉ làm được khoảng 10-15kg miến. Còn vài năm trở lại đây, nhiều gia đình đã đầu tư thiết bị máy móc để làm bột, chế biến miến dong hoàn toàn nên công suất tăng lên hơn 100kg miến/ngày.
Theo ông Long Đức Bình ở tổ 10, thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) – một thợ làm miến dong lâu năm chuyên sang nhập bột dong ở xóm Phia Đén chia sẻ: “Làm miến dong đòi hỏi những công đoạn khá tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, tức là ban đầu phải chọn loại dong củ to, đều và già. Sau đó, củ dong được cắt rễ, rửa sạch mới cho vào máy nghiền nát rồi lọc bỏ bã chỉ lấy tinh bột. Khâu này rất quan trọng vì phải lọc nhiều lần đến khi bột trắng tinh khiết mới đạt tiêu chuẩn sạch và đảm bảo chất lượng.
Khâu quan trọng tiếp theo là pha chế, thông thường bột dong được đổ vào trong nước có tỷ lệ là 90% nước sôi, còn lại là nước lã, sau đó mới đem bột vào khoắng cho đến khi chín rồi cho vào khuôn ép thành sợi miến, cuối cùng là dàn miến ra phên rồi đem phơi khô. Bên cạnh việc chọn nguyên liệu cũng như kỹ thuật chế biến thì hình thức, chất lượng của sợi miến dong còn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu phơi vào ngày nắng đều, sợi miến sẽ bóng đẹp, dai và thơm hơn nhiều”.
Đổi đời nhờ cây dong riềng
Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở xóm Phia Đén là một trong nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu từ nghề trồng và chế biến miến dong. Trước đây, cũng như bao gia đình khác ở xóm Phia Đén chị Hiền chỉ trồng cây dong riềng theo hướng tự cung, tự cấp, chế biến miến thủ công, số lượng ít nên thu nhập không cao. Nhưng sau vài năm tích lũy kinh nghiệm, gia đình chị Hiền đã mở rộng diện tích gieo trồng cây dong riềng, tập trung chăm bón để cây phát triển tốt.
Chính vì vậy, thu nhập từ cây dong riềng đem lại cho gia đình chị tăng gấp nhiều lần. Khi đã có ít vốn chị đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nguyên Bình để đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến miến dong từ khâu xay bột đến khâu đóng gói sản phẩm. Với mỗi gói sản phẩm đều được ghi tên thương hiệu “Miến dong Phia Đén” và số điện thoại liên hệ, một gói tương ứng với 1 kg miến dong có giá 90 nghìn đồng/ giá buôn và 100 nghìn đồng giá bán lẻ.
Chị Hiền chia sẻ: “Phải nói rằng, cuộc sống của gia đình tôi trở nên khấm khá đều nhờ vào những củ dong riềng. Trước đây, khi trồng xen canh thì chỉ đủ ăn, hàng ngày cũng làm miến dong thủ công nhưng không ăn thua lắm. Khi huyện có chủ trương hỗ trợ gieo trồng cây dong riềng quy mô hơn để phát triển kinh tế, gia đình tôi mới trồng một loại cây duy nhất và tập trung vào sản xuất kiêm buôn bán miến dong ra các địa bàn khác trong tỉnh.
Không ngờ, thu nhập ngày càng tăng lên và tôi quyết định đầu tư vào thiết bị máy móc để quy trình sản xuất, chế biến nhanh chóng, hiệu quả hơn. Hiện giờ con gái và con rể tôi cùng làm, nhân lực chỉ 3 người nhưng cũng vừa kịp làm cho khách, mỗi năm trừ chi phi tất cả gia đình tôi thu về khoảng 300 triệu hoàn toàn nhờ vào việc trồng, thu mua và sản xuất dong riềng để bán ra thị trường”.
Cách nhà chị Hiền không xa, gia đình ông Chu Văn Xíu, gia đình bà Lâm Thị Xuyến ở xóm Phia Đén cũng thuộc những hộ điển hình về trồng, chế biến cây dong riềng có quy mô và thu nhập khá cao. Nguyên là Chủ tịch xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) ông Xíu được học hỏi thêm nhiều kỹ thuật từ các lớp tập huấn do huyện tổ chức.
Hiện nay, miến dong của gia đình ông làm ra ngày càng được nhiều người biết đến, miến ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thu nhập cũng không kém gì với gia đình chị Hiền và cô Xuyến. Sắp tới gia đình ông sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm để miến dong Phia Đén thành một thương hiệu đặc biệt trên thị trường.