Trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), người Mông được chia thành 5 nhóm chính, như Mông trắng, Mông đỏ, Mông xanh, Mông đen và Mông hoa. Họ có đời sống văn hóa tinh thần cực kỳ phong phú, nhất là việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống. Trang phục của người Mông là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên như cỏ cây, hoa lá… Bởi chất liệu trong trang phục của họ chính là sợi lanh. Có lẽ vì thế nên trang phục thổ cẩm của người Mông luôn bền chắc, tạo nên sự lôi cuốn kỳ lạ. Sắc màu văn hóa thổ cẩm sẽ được tô đậm trong những ngày hội văn hóa lớn như chợ tình Khâu Vai, lễ hội hoa tam giác mạch hoặc các buổi chợ phiên…
Đường đến với cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang quanh co ngút ngát, càng lên cao khí hậu càng lạnh. Theo con đường Hạnh Phúc đến với cao nguyên đá Đồng Văn là những dãy núi trùng trùng điệp điệp. Trên đường đi, bà con người Mông họ thường mang vải lanh phơi khô ở mặt đường. Những tấm vải lanh dài màu trắng nhưng ẩn chứa đằng sau đó lại là công sức, sự tỉ mỉ, nhẫn nại... Bà con đồng bào Mông họ vẫn ưa chuộng vải lanh vì nó bền, chắc, nhất là khi may thành váy, áo…
Để đến được các bản làng, khám phá cách dệt thổ cẩm của người Mông, chúng tôi phải đi theo những con đường mòn gập ghềnh đá núi. Trên đường đi chúng tôi vẫn thấy những vườn lanh mọc dài, tạo nên sự tò mò. Bà Sùng Thị Dia (62 tuổi) người ở cao nguyên đá Đồng Văn chia sẻ: “Từ khi sinh ra tôi đã thấy cây lanh rồi. Đối với người phụ nữ Mông, hầu như ai cũng biết trồng lanh để dệt vải. Vải lanh mặc rất mát mẻ vào mùa hè, tạo nên sự ấm áp vào mùa đông. Ngoài ra vải lanh còn được sử dụng để làm khăn trải bàn, khăn trải giường, túi, vải bọc trang trí…”.
Du khách nước ngoài mặc đồ thổ cẩm ở Lùng Tám. |
Đối với những người phụ nữ Mông, sau khi thu hoạch ngô xong, những lúc rảnh rỗi, thanh nhàn, họ lại se lanh để dệt vải. Người ta đánh giá độ khéo léo của người phụ nữ Mông chính là ở các sản phẩm làm ra từ thổ cẩm. Riêng các cô gái Mông, trong ngày tết, những bộ váy thổ cẩm mới sẽ được đem ra để mặc. Trong nắng xuân rực rỡ, các cô gái Mông sẽ được thỏa sức khoe bộ váy thổ cẩm của mình.
Mùa xuân ở vùng cao thật rực rỡ khi có hoa đào, hoa mận, và có cả những bộ váy thổ cẩm của các cô gái Mông xinh đẹp. Thổ cẩm từ vải lanh, không chỉ là cái riêng của một dân tộc, mà nó đã trở thành nét đẹp chung cho cộng đồng. Các cô gái ở dưới xuôi lên cao nguyên đá Đồng Văn, ai cũng muốn khoác lên mình những bộ váy áo Mông sặc sỡ sắc màu để chụp ảnh, hoặc tìm đến các bản làng để mua thổ cẩm. Nhờ sắc màu thổ cẩm nên cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành trung tâm du lịch lớn của tỉnh. Một trong những nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến với cao nguyên đá Đồng Văn, đó là làng nghề dệt thổ cẩm xã Lùng Tám huyện Quản Bạ.
Đến Lùng Tám, du khách sẽ rất bất ngờ khi bắt gặp những hình ảnh các cô gái hay những người phụ nữ Mông ngồi dệt vải. Thấy chúng tôi đứng chăm chú ngắm nghía, nghệ nhân Vàng Thị Mai chào đón khách và giới thiệu về các sản phẩm của làng mình. Theo lời bà Mai, Lùng Tám từ lâu đã nổi tiếng với làng nghề dệt thổ cẩm. Nguyên liệu chính là sợi lanh và hoàn toàn làm bằng thủ công, chưa có sự cam thiệp của máy móc. Bà Mai tâm sự: “Ở đây con gái Mông không biết dệt thổ cẩm thì khó lấy chồng đấy. Dân bản có câu: Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Vợ hay không biết thêu lanh thành tồi. Ở đây đến tuổi trưởng thành, con gái Mông ai cũng có một mảnh vườn để trồng lanh, khoảng hai tháng là tước sợi được rồi, bắt đầu dệt vải chờ mang về nhà chồng”.
Đối với người Mông, ngày cưới nàng dâu sẽ phải tặng cho bố mẹ chồng một bộ váy áo do chính mình thêu dệt. Vải lanh còn gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Mông. Khi người phụ nữ qua đời, họ sẽ chôn cùng một bộ váy áo Mông, nếu không thì tổ tiên sẽ không nhận ra. Trong các nghi lễ cúng giải hạn, cúng bảo vệ gia đình, người Mông cũng đều dùng vải lanh. Như vậy, vải lanh không chỉ là vật dụng để may mặc, che thân mà còn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng.
Quy trình tạo ra một tấm thổ cẩm của người Mông cũng lắm công phu. Tất cả phải trải qua 41 công đoạn, đầu tiên là tách vỏ lanh, sau đó dùng sức khỏe để kéo sợi lanh. Công đoạn này tuyệt đối phải kéo cho các sợ lanh đều nhau và không được đứt nửa chừng. Sau đó, những bó vỏ lanh được cuộn chặt lại rồi cho vào cối giã đánh bong hết bột chỉ, còn trơ lại sợi dai, rồi cuộn lại thành những con sợi lớn. Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng, mềm hơn, tiếp đó là lúc những phụ nữ người Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình.
Vẽ sáp ong trên vải là một kỹ thuật vô cùng công phu và rất độc đáo của người Mông Lùng Tám. Tấm vải lanh sau khi được dệt xong, nghệ nhân sẽ dùng sáp ong để vẽ trên đó những họa tiết mà mình ưng ý. Sau khi vẽ xong cả tấm vải, người ta bắt đầu nhuộm chàm. Phần sáp ong không thấm màu cho nên khi sáp ong tan ra sẽ để lại hình hoa văn trên vải.
Vải lanh Lùng Tám có màu nhuộm tự nhiên từ cây, củ, lá trong rừng nên không mang vẻ rực rỡ mà đằm thắm như cây rừng. Không chỉ dùng may khăn quàng cổ, túi xách, áo váy mà lanh Lùng Tám còn được dùng để trang trí, làm tranh treo tường. Nghệ nhân Vàng Thị Mai tự hào: “Thổ cẩm là báu vật của Lùng Tám, khắp vùng cao Hà Giang, chỗ nào người Mông sinh sống, ở đó có thổ cẩm nhưng để sản phẩm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy và tỏa sáng thì hiện chỉ duy nhất ở Lùng Tám làm được”. Theo lời bà Mai, những sản phẩm của Lùng Tám làm ra phần lớn dành cho xuất khẩu, các khách sạn sang trọng, văn phòng hành chính lớn đều đặt hàng nên mỗi sản phẩm có giá vài trăm nghìn đồng cho đến vài nghìn đô la.
Hiện nay nghề dệt thổ cẩm ở Lùng Tám đang góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho phụ nữ ở địa phương. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã xuất khẩu đi nước ngoài. Các sản phẩm của làng nghề chính là tinh hoa văn hóa của dân tộc, rất cần được đầu tư và bảo tồn. Làng nghề chính là nơi quảng bá sản phẩm cho du khách đến với cao nguyên đá Đồng Văn, điều này sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.