Thực ra, nhân dân mong muốn ở người lãnh đạo đất nước cũng chỉ có thế: Có tâm, có đức, có trách nhiệm.
Bởi, một triết lý truyền thống trong công tác cán bộ của chúng ta là “có tài, có đức” và gần đây là “có tâm, có tầm”, song cái tâm, cái đức luôn là gốc của cái tài, cái tầm, người lãnh đạo có trách nhiệm với trọng trách của mình, có tâm, có đức ắt tập hợp được những người tài giúp mình và mang lại lợi ích cho dân, cho nước, được lòng dân và sự kính trọng, tin yêu từ dân.
Và, tất yếu khi hội tụ được những phẩm chất đó, qua quátrình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm họ sẽ trưởng thành “có tầm” và “có tài”.
Đề cập chuyện tài, ông Mai Tiến Dũng gọi là “năng lực”. Có thể chấp nhận chuyện người ta đánh giá là “hạn chế năng lực” nhưng không thể chấp nhận chuyện “có năng lực mà thiếu trách nhiệm”.
Ông khẳng định rõ hơn: “Nếu giỏi mà đánh võng, cửa quyền, mặc cả là không được”. Rõ ràng, đã có tình trạng “đánh võng, cửa quyền, mặc cả” của một số người trong đội ngũ cán bộ của chúng ta và thấy được hiện trạng này để có một sự lựa chọn chính xác, một thái độ dứt khoát đối với phẩm chất của người lãnh đạo coi trọng đạo đức là nền tảng thiết yếu mà phấn đấu, trưởng thành và cống hiến.
Cách đây gần một tháng, ông Nguyễn Xuân Phúc, lúc đó trên cương vị Phó Thủ tướng, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tại Hà Nội (ngày 15/3/2016) đã thẳng thắn yêu cầu: “Cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh,... thì cần thay thế và xử lý kỷ luật nghiêm”.
Nhân dân mong mỏi những người lãnh đạo “có tâm, có tầm” như thế để có một đội ngũ cán bộ trong sạch, một bộ máy công quyền có sức mạnh, không dung túng, bao che cho những người có hành vi “cửa quyền” thích thì làm, không thích thì thôi, có tiền thì làm, không thì “nghiên cứu” hoặc “kính chuyển”. Chưa bao giờ trong cơ cấu của Chính phủ lại có nhiều thay đổi như hiện tại và những gương mặt mới xuất hiện với những phát biểu, chia sẻ đầy trách nhiệm, hiểu biết về công việc của mình.
Đó là những tín hiệu đáng mừng cho dân, cho nước!